Cần giữ lại hình thức Thng tư của Chánh án TANDTC
Chính trị - Ngày đăng : 05:00, 14/11/2014
Cần làm rõ chức năng ban hành văn bản pháp luật của cấp huyện, cấp xã
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được sửa đổi, xây dựng trong bối cảnh Quốc hội vừa thông qua Hiến pháp mới, tạo khuôn khổ hiến định rộng lớn cho việc xác định rõ hơn sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; đề cao quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, việc xây dựng Luật Ban hành VBQPPL được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng hệ thống pháp luật hiện nay quá phức tạp, cồng kềnh, gây khó khăn cho việc tuân thủ, áp dụng pháp luật.
Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐB) cho rằng, Luật Ban hành VBQPPL được coi là “Luật của luật” mà sửa đổi liên tục như vậy, phải chăng chúng ta xây dựng luật không theo một trật tự nào, không đặt trong hệ thống nào, mỗi cơ quan một kiểu?
ĐB Trần Du Lịch dẫn chứng, khi bàn về cấp phường, xã có được ban hành văn bản pháp luật hay không thì cơ sở nào để nói được phép, cơ sở nào nói không được phép? Trong khi đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện vẫn còn đang tranh cãi giữ lại hay bỏ Hội đồng nhân dân, có nghĩa là hiện giờ vẫn chưa rõ cấp phường, xã có chính quyền đầy đủ hay không? Và, vấn đề tự chủ địa phương ở đâu nếu không được phép ban hành văn bản pháp luật? Mọi việc còn chưa rõ ràng nhưng vẫn xây dựng Dự án Luật thì khi ban hành rồi sẽ phải sửa tiếp. ĐB Trần Du Lịch đề nghị, phải làm rõ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương, cấp nào được quyền gì, được ban hành những văn bản gì, lúc đó mới soạn thảo Luật này, chứ không thể mỗi nơi một kiểu.
ĐB Trần Du Lịch
ĐB Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) đề nghị nên bỏ quy định về tổ chức thi hành văn bản pháp luật, bởi vì thi hành pháp luật là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương. Thi hành pháp luật gồm nhiều nội dung khác nhau và được quy định ở nhiều văn bản pháp luật như: Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Tiếp công dân, Luật Thanh tra v.v... Do đó, quy định tổ chức thi hành văn bản pháp luật là không tương thích với tên gọi là Luật Ban hành và các nội dung tại chương khác trong Dự thảo Luật.
Về ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) và một số đại biểu cho rằng, không nên quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã, vì thực tế những năm gần đây, nhu cầu ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã là không lớn, nếu có thì chủ yếu là sao chép lại văn bản của cơ quan cấp trên.
Giữ lại hình thức Thông tư của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC
Về thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản pháp luật, nhiều ý kiến đề nghị giữ lại hình thức Thông tư của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC và quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước, bởi vì các cơ quan này là các cơ quan nhà nước được quy định trong Hiến pháp, văn bản pháp luật của các cơ quan này được ban hành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) đang được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các ĐB Quốc hội vẫn quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC. Trong Luật Kiểm toán Nhà nước quy định thẩm quyền của Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc ban hành các chuẩn mực kiểm toán Nhà nước để áp dụng trong cả nước.
Đồng thời nên giữ lại hình thức văn bản liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với Cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội được ban hành để hướng dẫn thi hành những vấn đề khi luật quy định về việc tổ chức chính trị - xã hội đó tham gia quản lý nhà nước như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định cụ thể về quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.