Tin vắn thế giới ngy 10/3: Ton cầu trên 118 triệu ca mắc COVID-19; Nhật Bản gần 400 ca mắc biến thể mới
Chuyển động - Ngày đăng : 07:22, 10/03/2021
Toàn cầu trên 118 triệu ca mắc COVID-19; Mỹ gần 30 triệu ca
Theo worldometer.info, tính đến 6h ngày 10/3 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 118.122.081 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.620.361 ca tử vong.
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 29.792.0 triệu người, trong đó có 540.250 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 11.122.429 ca nhiễm, bao gồm 8.079 ca tử vong. Trong khi đó, số ca tử vong tại Brazil là 268.370 trong tổng số 11.122.429 ca nhiễm.
Ông Lee Nak-yon từ chức Chủ tịch đảng DP để ra tranh cử tổng thống Hàn Quốc
Ngày 9/3, Hạ nghị sĩ Lee Nak-yon đã từ chức Chủ tịch đảng Dân chủ đồng hành (DP) nhằm ra tranh cử Tổng thống Hàn Quốc vào năm tới.
Việc ông Lee Nak-yon từ chức diễn ra hơn 6 tháng sau khi ông được bầu làm Chủ tịch DP cầm quyền vào cuối tháng 8 năm ngoái và đúng một năm trước cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 9/3/2022.
12 bang kiện Tổng thống Biden vì tính chi phí xã hội của khí thải
Người đứng đầu cơ quan tư pháp 12 bang ở Mỹ ngày 8/3 đã kiện chính quyền Tổng thống Joe Biden sau khi ông ra sắc lệnh hành pháp, chỉ đạo tính toán chi phí xã hội của khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Các bang kiện chính quyền của ông Biden gồm Missouri, Arizona, Arkansas, Indiana, Kansas, Montana, Nebraska, Ohio, Oklahoma, South Carolina, Tennessee và Utah. Hành động pháp lý này do Tổng chưởng lý bang Missouri, ông Eric Schmitt dẫn đầu.
Nhóm 'Bộ Tứ' ấn định thời điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên
Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 9/3 thông báo hội nghị thượng đỉnh 4 bên lần thứ nhất, được tổ chức theo hình thức trực tuyến, giữa lãnh đạo Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nhật Bản sẽ diễn ra vào ngày 12/3.
Hội nghị thượng đỉnh sẽ tạo cơ hội để lãnh đạo nhóm “Bộ Tứ” trao đổi quan điểm về những thách thức hiện nay như chuỗi cung ứng linh hoạt, công nghệ mới nổi, an ninh hàng hải và biến đổi khí hậu; cũng như những lĩnh vực hợp tác thiết thực nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm.
Mỹ thúc đẩy quyền bình đẳng giới tại hội nghị Liên hợp quốc
Ngày 9/3, trong một tuyên bố, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris sẽ tham dự trực tuyến hội nghị của LHQ về địa vị của phụ nữ vào ngày 16/3 tới để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tham gia “Nhóm những người bạn xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” của LHQ.
Hoàng gia Anh phá vỡ im lặng về cáo buộc kỳ thị chủng tộc từ Công nương Meghan
Điện Buckingham đã lên tiếng về cáo buộc phân biệt chủng tộc được đưa ra trong cuộc phỏng vấn “bom tấn” của Hoàng tử Harry và vợ Meghan với nữ hoàng talk show Mỹ Oprah Winfrey.
Tuyên bố của Điện Buckingham, thay mặt Nữ hoàng Elizabeth II nói rằng những cáo buộc về việc phân biệt chủng tộc mà Meghan đưa ra là đáng quan ngại và “được xem xét nghiêm túc”.
Mỹ: Đảng Cộng hòa lo lắng biến động nội bộ do nhiều thành viên về hưu
AP đưa tin ngày 8/3 ông Roy Blunt đã trở thành thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa thứ 5 tuyên bố sẽ không tái tranh cử. Ông Roy Blunt đang nằm trong làn sóng về hưu tại đảng Cộng hòa, được coi có khả năng tạo điều kiện để đảng Dân chủ có thêm kỳ vọng bảo tồn vị thế phe đa số tại Thượng viện.
Nhà chiến lược Rick Tyler phân tích: “Bất kể khi nào bạn mất đi một thành viên có chức vụ thì đó là tin xấu”.
Ai Cập lên kế hoạch khánh thành thủ đô hành chính mới
Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly ngày 9/3 thông báo quốc gia này sẽ chính thức khánh thành Thủ đô hành chính mới (NAC) vào cuối năm nay, trong khi các dịch vụ của chính phủ dự kiến bắt đầu hoạt động thử nghiệm kể từ tháng 8 tới.
Phát biểu tại cuộc họp Nội các, ông Madbouly cho hay hoạt động thử nghiệm sẽ diễn ra sau khi các nhân viên chính phủ chuyển đến NAC. Quá trình này nhằm đảm bảo tất cả cơ sở vật chất tại các tòa nhà của NAC đều trong tình trạng sẵn sàng trước lễ khánh thành thủ đô hành chính mới.
Nhật Bản ghi nhận gần 400 ca mắc biến thể mới
Ngày 9/3, Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản thông báo gần 400 người tại nước này đã bị nhiễm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, khác với những biến thể được phát hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil.
Tuy nhiên, biến thể này một số điểm tương đồng với những biến thể ở Nam Phi và Brazil. Điểm tương đồng là có thể gây nguy cơ tái lây nhiễm nhiều hơn và những vaccine phòng ngừa hiện tại có thể ít đạt hiệu quả hơn.
Nga ký thỏa thuận sản xuất vaccine Sputnik-V tại Italy
Ngày 9/3, Phòng Thương mại Italy - Nga thông báo Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) đã ký thỏa thuận với công ty dược phẩm Adienne có trụ sở tại Thụy Sĩ về việc sản xuất tại Italy vaccine Sputnik V phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Nga.
Cơ quan phát triển vaccine Sputnik V đề nghị EMA xin lỗi
Ngày 9/3, Viện Gamaleya, cơ quan phát triển vaccine Sputnik V của Nga, đã yêu cầu Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đưa ra lời xin lỗi sau khi bà Christa Wirthumer-Hoche, người đứng đầu ban quản lý cơ quan này, kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) không vội vàng cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V và so sánh việc phê chuẩn khẩn cấp này mạo hiểm như "trò cò quay Nga".
Nhật Bản tài trợ các quốc gia châu Á phân phối vaccine ngừa COVID-19
Ngày 9/3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết sẽ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 4,5 tỷ yên (41 triệu USD) cho 25 quốc gia ở khu vực châu Á và các đảo ở Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ xây dựng mạng lưới phân phối vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Nauy phê chuẩn tiêm vaccine của hãng AstraZeneca/Oxford cho người trên 65 tuổi
Ngày 9/3, Cơ quan Y tế công cộng Nauy đã khuyến cáo rằng vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca/Oxford có thể được sử dụng cho người trên 65 tuổi, hy vọng việc này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho người cao tuổi. Chính phủ Nauy cùng ngày cho biết sẽ làm theo khuyến cáo của cơ quan trên.
Indonesia cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của AstraZeneca
Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Indonesia thông báo nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca.
Thông báo trên được đưa ra ngày 9/3 sau khi nước này tiếp nhận hơn 1 triệu liều vaccine của AstraZeneca thông qua cơ chế phân phối vaccine toàn cầu dành cho những nước có thu nhập thấp và trung bình COVAX.
Trung Quốc khởi động cấp 'hộ chiếu vaccine' cho người dân
Tài khoản Wechat của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/3 chính thức công bố mẫu giấy chứng nhận y tế quốc tế phục vụ cho hoạt động di chuyển quốc tế đối với công dân nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cùng ngày cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng giải tỏa quan ngại mà các nước nêu ra; hợp tác, thúc đẩy cơ chế công nhận chứng nhận y tế lẫn nhau cũng như tháo gỡ vướng mắc trong cấp thị thực, tạo thuận lợi cho di chuyển xuyên biên giới.
Ba Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào mùa Hè năm nay
Thứ trưởng Y tế Ba Lan Waldemar Kraska ngày 8/3 công bố mục tiêu đến mùa Hè năm 2021 nước này hoàn thành tiêm chủng cho 60% đến 70% dân số, mặc dù thừa nhận tại thời điểm này khó có thể khẳng định có thực hiện thành công mục tiêu này hay không.
Đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến khả năng tiếp cận y tế của người dân châu Phi
Tiến trình phổ cập dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) tại châu Phi đối mặt nhiều thách thức do tình trạng gián đoạn bởi đại dịch COVID-19 và thiếu hụt nguồn tài chính. Đây là kết luận trong báo cáo được công bố ngày 8/3 bên lề Hội nghị quốc tế về chương trình y tế châu Phi (AHAIC) 2021 diễn ra trực tuyến từ ngày 8-10/3.
Campuchia tạm thời đóng cửa cơ quan nhà nước vì dịch COVID-19
Ngày 8/3, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã yêu cầu các cơ quan dân sự nhà nước tạm thời đóng cửa trong ít nhất 1 tuần trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng.
Nhiều học sinh Nhật Bản muốn chia sẻ trải nghiệm về thảm họa động đất, sóng thần
Khoảng 90% học sinh trung học tại 6 ngôi trường ở vùng Đông Bắc Nhật Bản đều bày tỏ mong muốn những trải nghiệm của mình sau thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân hồi tháng 3/2011 sẽ được truyền lại cho các thế hệ tương lai với hy vọng họ có thể rút ra những bài học kinh nghiệm. Đây là kết quả của cuộc khảo sát do hãng Kyodo thực hiện và công bố ngày 9/3.
LHQ: Thảm họa hạt nhân Fukushima không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân
Báo cáo của các nhà khoa học Liên hợp quốc công bố ngày 9/3 khẳng định thảm họa hạt nhân xảy ra tại tỉnh Fukushima của Nhật Bản năm 2011 không gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe của cư dân địa phương trong suốt 10 năm qua.
Chủ tịch Ủy ban Khoa học về Ảnh hưởng của Phóng xạ Nguyên tử (UNSCEAR) thuộc LHQ - bà Gillian Hirth nêu rõ kể từ báo cáo gần đây nhất vào năm 2013, các nhà khoa học "đã không ghi nhận bất cứ trường hợp nào cho thấy sức khỏe của người dân sống tại tỉnh Fukushima phải chịu những ảnh hưởng xấu trực tiếp liên quan tới việc phơi nhiễm phóng xạ từ sự cố nêu trên".
Chính phủ Nhật Bản thông qua chính sách mới về tái thiết khu vực thảm họa
Ngày 9/3, Nội các Nhật Bản đã thông qua chính sách mới về việc tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất và sóng thần ở vùng Đông Bắc vào tháng 3/2011 và các sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1.
Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đã gia hạn thời gian hoạt động của Cơ quan Tái thiết thêm 10 năm tới năm 2031, đồng thời khẳng định giai đoạn 5 năm kể từ tháng 4/2021 là giai đoạn 2 của quá trình tái thiết và phục hồi. Chi phí dành cho công tác tái thiết và phục hồi các khu vực thảm họa ước tính lên tới 1.600 tỷ yen (khoảng tỷ USD).
UAE tổ chức cuộc tập trận ứng phó khủng hoảng hạt nhân phức tạp nhất của IAEA
Ngày 9/3, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết nước này sẽ đứng ra tổ chức trong năm nay một cuộc tập trận ứng phó khẩn cấp về hạt nhân ở cấp độ phức tạp nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Đây sẽ là một cuộc tập trận kéo dài 36 tiếng đồng hồ và cứ 3 đến 5 năm mới diễn ra một lần.
EP tước quyền miễn trừ truy tố của các cựu thành viên trong chính quyền vùng Catalonia
Ngày 9/3, Nghị viên châu Âu (EP) đã tước quyền miễn trừ truy tố của cựu Thủ hiến vùng Catalonia (Tây Ban Nha) Carles Puigdemont cùng hai cựu thành viên trong chính quyền vùng là Bộ trưởng Y tế vùng Toni Comin và bà Clara Ponsati với tư cách là nghị sĩ châu Âu.
Chìm thuyền ngoài khơi Tunisia khiến ít nhất 39 người tử vong
Theo Bộ Quốc phòng Tunisia, ngày 9/3, ít nhất 39 người di cư đã thiệt mạng trong vụ chìm 2 thuyền ở ngoài khơi của Tunisia khi đang cố vượt Địa Trung Hải để tới đảo Lampedusa của Italy.
Người phát ngôn bộ trên cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển đã cứu sống được 165 người di cư khác và hiện vẫn đang tìm kiếm thêm những người sống sót ở ngoài khơi bờ biển thành phố Sfax. Toàn bộ người di cư thiệt mạng đều đến từ khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi.
Hàn Quốc: Bắt giữ 40 thành viên đường dây buôn bán ma túy lớn
Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc dẫn thông báo của cảnh sát thủ đô Seoul ngày 9/3 cho biết cảnh sát đã bắt giữ khoảng 40 thành viên của một đường dây buôn bán ma túy lớn, trong đó có đối tượng chủ chốt của đường dây này.
Trung Quốc ồ ạt đổ tiền vào Bitcoin
Tình trạng “sốt” tiền kỹ thuật số Bitcoin đã tạo làn sóng khiến các công ty Trung Quốc ồ ạt rót tiền đầu tư.
Reuters cho biết tình trạng này diễn ra tại các công ty lớn cũng như nhỏ tại Trung Quốc. Dấu hiệu giá tiền kỹ thuật số tăng và các các thực thể chính thống “rộng lượng” hơn chấp nhận Bitcoin đã góp phần cho làn sóng này tại Trung Quốc.