Ông Vương Đình Huệ: Xử lý nghiêm những tiêu cực trong vận động bầu cử

Chính trị - Ngày đăng : 17:10, 14/04/2021

Bảo đảm tính cng bằng trong vận động bầu cử, nếu c tiêu cực cần phải xử lý nghiêm, d l ai cũng phải bình đẳng như nhau, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ nêu r.

Ngày 14/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ cùng Đoàn giám sát, kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã làm việc tại tỉnh Quảng Ninh về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Cùng đi có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký…

Cử tri cần nghiên cứu, xem xét thật kỹ càng về từng ứng cử viên

Tại thành phố Hạ Long, Chủ tịch Quốc hội và các thành viên trong Đoàn đã kiểm tra khu vực bỏ phiếu số 1 (khu 1A, 2A, 2B), phường Hồng Hải.

chu-tich-quoc-hoi-kiem-tra-cong-tac-bau-cu-tai-quang-ninh-2.jpg
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ giám sát, kiểm tra công tác bầu cử tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long, Quảng Ninh

Tại đây, Chủ tịch Quốc hội trực tiếp kiểm tra bảng niêm yết danh sách 2.197 cử tri, nơi để hòm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, hòm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, Hội đồng Nhân dân thành phố, hòm phiếu Hội đồng Nhân dân phường; bảng các mốc thời gian bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Trao đổi với thành viên Tổ bầu cử, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sáng kiến của phường khi đính trên Bảng niêm yết danh sách cử tri Sổ góp ý và theo dõi biến động của cử tri (trong sổ góp ý, một số cử tri ghi rõ những đề nghị như sửa lại họ; thông báo đang ốm đề nghị được bỏ phiếu tại nhà…).

Trò chuyện với cử tri và nhân dân, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vai trò quan trọng của cử tri trong việc lựa chọn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp thực sự xứng đáng. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ chất lượng hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp phụ thuộc vào chất lượng của đại biểu; chất lượng của đại biểu phụ thuộc vào sự lựa chọn của cử tri.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn cử tri sẽ nghiên cứu, xem xét thật kỹ càng về từng ứng cử viên, danh sách người ứng cử trên phiếu bầu cử được xếp theo thứ tự ABC, không phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Từ đó, cử tri cần sáng suốt lựa chọn đại biểu đại diện cho mình tại Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, vì quyền quyết định là của cử tri.

Sau khi trực tiếp kiểm tra khu vực bỏ phiếu tại phường Hồng Hải, sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã làm việc với Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Ninh.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh cho biết, tính đến ngày 14/3, Ủy ban bầu cử các cấp tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 32 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội; 284 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND tỉnh; 1.371 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 11.928 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp xã. Tỉnh Quảng Ninh có tổng số 1.353 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp với 1.438 khu vực bỏ phiếu.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba đối với cấp tỉnh sẽ được tổ chức vào ngày 16/4; đối với cấp huyện, cấp xã sẽ hoàn thành xong trước ngày 18/4 theo quy định.

Theo số liệu tổng hợp sơ bộ đến ngày 7/4, toàn tỉnh có 940.812 cử tri. Danh sách cử tri được niêm yết công khai tại trụ sở 177 xã, phường, thị trấn và 1.438 khu vực bỏ phiếu để thuận tiện cho cử tri theo dõi.

Lựa chọn cho được những đại biểu xứng đáng nhất

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử của Quảng Ninh, bảo đảm nghiêm túc, khoa học, bài bản và có sáng tạo. Đánh giá cao việc Quảng Ninh đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó kịp thời các tình huống; quyết tâm bằng mọi biện pháp để có thể tổ chức bầu cử đồng thời, không nhất thiết phải bầu cử sớm. Kế hoạch chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử được chia thành 3 bước, kết thúc mỗi bước đều có sơ kết, kiểm điểm, đánh giá lại những công việc được thực hiện, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai các bước tiếp theo. Việc tập huấn cho cán bộ các cấp được thực hiện từng bước một, kỹ lưỡng, xong bước này mới tập hợp, hướng dẫn bước khác. Cùng với đó, đã mở rộng dân chủ vừa bảo đảm cử tri và nhân dân lựa chọn được những ứng cử viên có chất lượng tốt nhất, vừa bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, tạo được sự đồng thuận.

chu-tich-quoc-hoi-kiem-tra-cong-tac-bau-cu-tai-quang-ninh(1).jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Nếu có tiêu cực cần phải xử lý nghiêm, dù là ai cũng phải bình đẳng như nhau

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quảng Ninh cần tiếp tục quán triệt tới toàn hệ thống chính trị về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quý II.2021.

Quảng Ninh có nhiều thuận lợi khi kinh tế - xã hội giữ được ổn định, niềm tin của người dân đối với Đảng bộ, chính quyền ngày càng nâng lên. Những gì đã có, đã tốt thì phải làm tốt hơn nữa. Trọng tâm là lựa chọn cho được những đại biểu xứng đáng nhất, bởi muốn nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, HĐND thì phải có đại biểu chất lượng. Chọn được đại biểu có năng lực có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tạo tiền đề thực hiện mục tiêu đã được Đảng ta đặt ra vào năm 2030 - 2045.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cuộc bầu cử phải được tiến hành đúng quy định của pháp luật, phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm tính công khai, minh bạch tuyệt đối, an toàn cho nhân dân trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, cần bảo đảm tiết kiệm, bảo đảm an toàn về dữ liệu, kết quả bầu cử để Ngày bầu cử thật sự là ngày hội của toàn dân.

Về các công việc cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Quảng Ninh tiếp tục rà soát kỹ lưỡng và cập nhật thường xuyên danh sách cử tri bởi đây là địa bàn có tỷ lệ xã biên giới, hải đảo lớn, nhiều người đi làm việc xa… Tăng cường sự phối hợp giữa Ủy ban bầu cử và Mặt trận Tổ quốc để tổ chức cho thật thành công Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 bởi đây là yếu tố quyết định chất lượng đại biểu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, từ nay đến ngày bầu cử là giai đoạn "nước rút" quan trọng nhất, có tính chất quyết định nên không được chủ quan, lơ là. Cùng với đó, cần rà soát lại các điểm tổ chức bầu cử, bảo đảm thuận lợi cho cử tri đi bầu cử.

Xử lý nghiêm các tiêu cực trong vận động bầu cử

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, phải làm tốt công tác xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo; dự báo được một số lĩnh vực, một số địa bàn có thể có phát sinh yếu tố phức tạp. Với một số khu vực cán bộ tổ chức bầu cử chưa có nhiều kinh nghiệm thì cần tăng cường tập trung chỉ đạo.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thêm công tác thông tin, truyền thông, đi vào thực chất và cụ thể để thông tin về bầu cử đến được với từng cử tri. Dự phòng các phương án, kịch bản, nhất là những trường hợp có thể xảy ra như bùng phát dịch bệnh Covid-19. Có phương án xử lý khi có thiên tai, bão lũ. Quảng Ninh không có bầu cử sớm nên những phương án dự phòng cần phải thông suốt trong quá trình thông tin liên lạc, tổng hợp kết quả bầu cử, kiểm đếm phiếu, công bố và chuyển tải thông tin dữ liệu về Hội đồng bầu cử quốc gia…

Về tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần quy định sớm thời gian bắt đầu vào lúc nào, không nên để sát quá dễ dẫn đến bị động; cố gắng tạo điều kiện để các ứng cử viên tiếp xúc với cử tri nhiều nhất có thể; bảo đảm tính công bằng trong vận động bầu cử bởi điều gì được làm, không được làm đã được luật quy định rất rõ; nếu có tiêu cực cần phải xử lý nghiêm, dù là ai cũng phải bình đẳng như nhau.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tỉnh Quảng Ninh cần hết sức quan tâm đến trách nhiệm giám sát của các thành viên Ủy ban Bầu cử các cấp, thành viên Tổ bầu cử trong ngày bầu cử 23/5. 

* Trước đó, chiều 13/4, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy và Ủy ban Bầu cử TP. Hải Phòng về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hải Phòng 7 nội dung: Một là, TP Hải Phòng cần nghiên cứu để có phương án kiện toàn Ban chỉ đạo, Ủy ban Bầu cử cấp thành phố và các cấp nếu có; phân công từng cá nhân trong Ban chỉ đạo, Ủy ban Bầu cử sau khi kiện toàn. Hai là, phải quán triệt tinh thần tuyệt đối không chủ quan; Ban chỉ đạo công tác bầu cử tiến hành chỉ đạo các cơ quan chức năng cập nhật tình hình, dự báo để tập trung chỉ đạo. Ba là, phải có giải pháp để cử tri và Nhân dân thấy được quyền, lợi ích của mình, thông qua việc chọn được những đại biểu tốt chính là đáp ứng được lợi ích của Nhân dân. Bốn là, thu xếp để các ứng cử viên có nhiều thời gian nhất để tiếp xúc với cử tri, bảo đảm tính công bằng; tiếp tục rà soát danh sách cử tri nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của công dân. Năm là, cần có sơ đồ hướng dẫn tổ chức khi cử tri bỏ phiếu tại các điểm bầu cử; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau; nghiên cứu xây dựng đường dây nóng và có tổ thường trực để xử lý những tình huống bất thường có thể xảy ra. Sáu là, với dịch, bệnh Covid-19, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ có văn bản hướng dẫn nhưng địa phương cũng cần chủ động có phương án đối phó khi dịch bệnh diễn ra. Bảy là, cần chú trọng công tác bảo đảm an toàn dữ liệu thông tin sau khi bầu cử kết thúc.

Ngọc Mai