Vì sao vốn đầu tư nước ngoi vo Việt Nam tăng?
Kinh tế - Ngày đăng : 11:50, /04/2021
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đến 20/3 tăng 18,5%
Theo như Tổng cục thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/03/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước tăng 30,6%; có 161 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2,1 tỷ USD, tăng 97,4%; có 734 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 805,3 triệu USD, giảm 58,8%.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 179 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 281 triệu USD và 555 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 5,3 triệu USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2021 ước tính đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong số các đối tác FDI vào Việt Nam, 5 đối tác FDI hàng đầu chủ yếu là các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, sự hiện diện của các nước phương Tây trong số các đối tác FDI hàng đầu vẫn còn khá thấp.
Sau đại dịch Covid-19 nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này nhờ thành công trong ngăn chặn dịch bệnh.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào nước ta tăng mạnh, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, điển hình như Hòa kỳ tăng 205,5%; Nhật Bản tăng 147,7%; Hàn Quốc tăng 67,1%.
Những yếu tố giúp Việt Nam thu hút vốn FDI
Có thể thấy sự thành công của Việt Nam trong cuộc đua vào top đầu thế giới về thu hút vốn FDI thời gian qua còn nhờ vào một số yếu tố khác.
Trên hết, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao về vấn đề ổn định chính trị – xã hội là một trong những yếu tố góp phần quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế.
Sự ổn định chính trị – xã hội ở Việt Nam đã tạo được niềm tin mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Các nhà đầu tư sẵn sàng huy động vốn để gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất.
Cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong cả nước tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 19 khu kinh tế ven biển, tổng diện tích khoảng 871 nghìn ha.
Ngoài ra, việc đạt tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp tác động đáng kể của Covid-19 đến các hoạt động kinh tế, Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.
Trong những năm gần đây, chất lượng của nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng được nâng cao do Chính phủ chú trọng đầu tư vào giáo dục công. Người lao động được bồi dưỡng về văn hóa, đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn đã góp phần tăng năng suất lao động của Việt Nam, đây cũng là lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo mọi điều kiện đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư. Dù không tránh được ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là “đất lành” thu hút vốn FDI chất lượng cao sau đại dịch.