Tăng mức phạt xe quá tải từ 1/1/20
Chính trị - Ngày đăng : 12:05, 22/11/2014
Cụ thể, theo quy định hiện đang áp dụng tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì chỉ có 1 khung phạt từ 5-7 triệu đồng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 60% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, trên 50% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Còn theo Nghị định 107/2014/NĐ-CP vừa ban hành thì hành vi này được tách ra thành 2 khung phạt.
Cụ thể, ở khung phạt đầu tiên, mức phạt được giữ nguyên là từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 60% đến 100% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, trên 50% đến 100% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên và xe xi téc chở chất lỏng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Ở khung phạt thứ hai, đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải trên 100% thì sẽ bị phạt tiền từ 7-8 triệu đồng, cao hơn mức phạt hiện đang áp dụng (từ 5-7 triệu đồng).
Phạt đến 8 triệu đồng nếu điều khiển xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu
Tương tự, hành vi điều khiểm xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường cũng được Nghị định 107/2014/NĐ-CP tách thành 2 khung phạt.
Cụ thể, phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) cho phép tham gia giao thông của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50% đến 100%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.
Phạt tiền từ 7-8 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) cho phép tham gia giao thông của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 100%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.
Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 3 tháng.
Nghị định có hiệu lực từ 1/1/20.