Hội thảo Hon thiện chế định Hội thẩm nhân dân v Đổi mới tổ chức bộ máy của TAND
Tiêu điểm - Ngày đăng : 21:41, 26/04/2021
Hội thảo còn có sự tham dự của các Phó Chánh án TANDTC, các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; đại diện Ban Tổ chức Trung ương; Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý…
Phát biểu tại hội thảo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Hội thảo diễn ra trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang tích cực thực hiện việc tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bảo đảm cho các TAND sẵn sàng đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong của thời kỳ hội nhập; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết, qua hơn 6 năm thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2014 còn tồn tại một số bất cập từ tổ chức, hoạt động của TAND các cấp; về biên chế; về chế độ chính sách đối với Thẩm phán và các chức danh tư pháp; về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tư pháp.
Chiều cùng ngày, TANDTC tiếp tục tổ chức Hội thảo Hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Đảm bảo sự tham gia của nhân dân vào hoạt động của Nhà nước nói chung, công tác tư pháp nói riêng là đặc tính của các nhà nước tiến bộ. Ở nước ta, việc nhân dân tham gia hoạt động xét xử được thể hiện thông qua chế định về Hội thẩm nhân dân, nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc “lấy dân làm gốc” và nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong thời gian qua, Hội thẩm nhân dân đã tham gia rất tích cực vào công tác xét xử các vụ án của Tòa án, qua đó đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cho vụ án được xét xử công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội, phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân. Hội thẩm nhân dân cũng là những hạt nhân trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, là nòng cốt của các tổ hòa giải ở cơ sở, góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân.
Qua quá trình hoàn thiện pháp luật, chế định Hội thẩm nhân dân trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm khắc phục những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Hội thẩm nhân dân, tạo điều kiện đảm bảo ngày càng tốt hơn cho sự tham gia của nhân dân trong hoạt động giải quyết, xét xử các loại vụ án. Tuy nhiên, thực tiễn công tác của các Tòa án, đặc biệt là qua phối hợp theo dõi việc quản lý tổ chức và hoạt động của Hội thẩm nhân dân cũng cho thấy một số bất cập cần được khắc phục để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp và chuẩn bị cho việc xây dựng chiến lược mới về cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới, Ban cán sự Đảng TANDTC được Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ban Nội chính Trung ương phân công triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án “Nghiên cứu, hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. Trên cơ sở ý kiến, góp ý của các đại biểu tại Hội thảo, TANDTC sẽ tổng hợp, nghiên cứu, xây dựng Đề án trình Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ban Nội chính Trung ương.
Tại hội thảo các đại biểu khẳng định trong thời gian qua, Hội thẩm nhân dân đã tham gia rất tích cực vào công tác xét xử sơ thẩm các vụ án của Tòa án, qua đó đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cho vụ án được xét xử công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội, phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân.
Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác của các Tòa án, đặc biệt là qua phối hợp theo dõi việc quản lý tổ chức và hoạt động của Hội thẩm nhân dân cũng cho thấy một số bất cập về số lượng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm nhân dân; về việc bảo đảm trình độ của Hội thẩm nhân dân đáp ứng yêu cầu xét xử… Xuất phát từ thực trạng nêu trên, TANDTC đang triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án “Nghiên cứu, hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”.
Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng cần nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những ưu điểm của chế định về Bồi thẩm đoàn; chỉ ra những ưu, nhược điểm của từng chế định, khả năng áp dụng những ưu điểm của chế định Bồi thẩm đoàn để áp dụng vào điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích một cách toàn diện, sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, TANDTC sẽ tiếp tục hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân, đưa ra những giải pháp căn cơ, mang tính đột phá cho việc hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới.