Ở tâm dịch Bắc Giang: Cán bộ y tế một ngy lm việc 20 giờ, ngủ 2 tiếng, nghe 200 cuộc điện thoại
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:25, 17/05/2021
“Tim như nghẹn lại mỗi khi nhận tin có thêm ca bệnh”
Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang diễn biến rất phức tạp, nhất là tại 2 ổ dịch Khu Công nghiệp Vân Trung (tính đến 12h ngày 16/5 đã ghi nhận 169 trường hợp F0) và Khu Công nghiệp Quang Châu (với 0 ca dương tính). Dự báo trong những ngày tới, số ca bệnh tiếp tục tăng sau khi có kết quả xét nghiệm toàn bộ người lao động của các công ty.
Do cả 2 khu công nghiệp đều nằm trên địa bàn huyện Việt Yên nên lực lượng y tế địa phương phải làm việc hết công suất. Đội đáp ứng nhanh với dịch bệnh Covid-19 của Trung tâm Y tế Việt Yên cũng nhanh chóng được thành lập để đáp ứng tình hình hiện tại.
Rạng sáng 9/5 là dấu mốc đặc biệt đối với rất nhiều cán bộ y tế sau khi lấy mẫu cho toàn bộ công nhân làm việc ca đêm tại Công ty TNHH ShinYoung Việt Nam. Bởi rằng, thời gian tới sẽ là những ngày dài mẹ phải xa con, vợ xa chồng dù gia đình chỉ cách nơi làm việc vài ba trăm mét để tập trung cho công việc chống dịch.
Được phân công phụ trách lĩnh vực truy vết nên DS Nguyễn Thị Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên ngày nào cũng làm việc từ sáng tinh mơ đến đêm muộn. Chị bảo, nhiều lúc định phóng vù xe về nhà tắm giặt, thay đồ nhưng công việc vẫn dở dang, không dứt ra được.
Chị Kim Anh bộc bạch, từ hôm địa phương có ca dương tính ở khu công nghiệp, đêm nào ngủ nhiều thì được 3 tiếng. Gọi là ngủ chứ nằm xuống chị vẫn phải cầm điện thoại xem lại các báo cáo, số liệu từ cơ quan chuyên môn và các địa phương…
Cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị gián đoạn do có quá nhiều cuộc gọi đến điện thoại của chị. Đầu tiên là số điện thoại của Chủ tịch UBND xã Quang Minh hỏi về công tác truy vết, cách ly các trường hợp F2. Tiếp đến là 2 công nhân hỏi về việc khai báo y tế sau khi nắm bắt thông tin Khu công nghiệp Quang Châu đang bùng phát dịch. Dù rất bận nhưng chị vẫn từ tốn giải thích, hỗ trợ từng trường hợp. Máy vừa tắt, chuông điện thoại của chị lại tiếp tục reo lên…
Hỏi ra mới biết, số điện thoại của chị được công khai trên trang thông tin của địa phương và các thông báo về điều tra dịch tễ, khai báo y tế. “Một ngày hơn 200 cuộc gọi đến máy tôi. Có đêm chỉ tranh thủ chợp mắt 2 tiếng lấy sức làm việc tiếp mà vẫn ám ảnh tiếng chuông điện thoại”, chị vừa nói vừa cho chúng tôi xem danh sách cuộc gọi dài dằng dặc từ lãnh đạo tỉnh, huyện, cán bộ trong trung tâm đến những số lạ của người dân.
“May cho anh là lúc trưa tôi mới ăn bát mì tôm nên có sức nói chuyện đấy. Chứ không tầm này là lả hết người rồi. Hồi nãy con gái gọi điện bảo hay để con mua ít hải sản về nấu cơm rồi mẹ về tẩm bổ lấy sức nhé. Thích lắm nhưng mình cũng phải từ chối vì có thời gian đâu…”, chị tâm sự.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên kể, chỉ riêng công việc báo cáo các ca bệnh, truy vết các trường hợp tiếp xúc trên địa bàn mà 3 người làm không xuể. Hôm trước theo lịch 17h30 thường trực huyện Việt Yên giao ban cuối ngày về công tác phòng chống dịch. Thế nhưng công việc chưa xong chị không thể bỏ dở mà đi được. Vậy là lãnh đạo huyện quyết định đưa cả đội giao ban từ UBND huyện sang Trung tâm Y tế để họp.
“Công việc cứ quay cuồng. Điện thoại cấp trên chỉ đạo liên tục, nhiều lúc nghe tăng thêm từng này, từng kia ca bệnh mà tim đập mạnh, lồng ngực như muốn vỡ ra. Có khi thêm ca dương tính mới, cấp trên gọi giục báo cáo, mình vừa khóc vừa làm. Có phải mình không biết cách làm nhanh đâu, nhưng nó phải đáp ứng tuần tự và đẩy đủ số liệu”, người phụ nữ chỉ còn thời gian ngắn nữa sẽ nghỉ hưu bỗng lạc giọng khi nhắc về công việc ít vinh quang nhưng nhiều gian khổ của mình.
Luôn có nguy cơ trở thành F0
Bác sĩ Hoàng Văn Luận - Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế Việt Yên đùa rằng, đợt dịch ập đến huyện Việt Yên khiến mỗi người giảm đi được vài kg. “Ăn uống thất thường, vội vã. Ngủ thì ít, thường xuyên làm việc với cường độ cao. Có khi ít nữa hết dịch được về nhà, nhiều cán bộ hốc hác đến mức người thân không nhận ra”, anh nói vui.
Bác sĩ Luận kể, như đêm qua (14/5), các cán bộ trong khoa Xét nghiệm đi lấy mẫu ở Khu công nghiệp đến 23h đêm mới xong. Hôm nay, chủ nhật nắng gắt, mọi người vẫn trong trang phục bảo hộ oi bức, làm việc liên tục nhiều giờ.
Là trường khoa Xét nghiệm nên từ khi có dịch anh vừa phải đi làm, vừa nghe điện thoại phối hợp với cơ quan chuyên môn kể cả nửa đêm hay tinh mơ sáng. Cứ thêm các ca dương tính, anh lại cùng các cán bộ của trung tâm Y tế chuẩn bị các máy móc, phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, bình phun, đồ bảo hộ… lên đường thực hiện nhiệm vụ giữa tâm dịch.
Trong số các cán bộ Trung tâm y tế huyện Việt Yên, đa số với mọi người đây là trải nghiệm đầu tiên. Tuy vậy, mọi người cũng nhanh chóng thích nghi với công việc mới và tự sắp xếp cho mình 1 góc nghỉ ngơi tại cơ quan sau ngày làm việc có khi kéo dài đến 20 tiếng thay vì về nhà với người thân như trước đây.
Còn theo chia sẻ của bác sĩ Diêm Đăng Đích - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Việt Yên), hàng ngày lúc chuông điểm 5 giờ sáng, các bác sĩ và điều dưỡng đã có mặt để quần áo bảo hộ để chuẩn bị bắt đầu công việc 1 ngày của mình. Từng lớp áo quần, mặt nạ, khẩu trang, tấm chắn che mặt... được mọi người thuần thục mang lên người một cách cẩn thận. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng mình đang bước vào một trận chiến thực sự.
“Công việc của mình là vậy, dịch bệnh ập đến, không còn cách nào khác. Mình bảo vợ chẳng may có trở thành F0 trong quá trình làm việc cũng phải chấp nhận thôi. Thế nên chuyện mình đi làm nhiều ngày không về nhà vợ chẳng trách móc gì”, anh Đích nói và chỉ tay qua cửa sổ - nhà chỉ cách bệnh viện chưa đầy 1 km mà nhiều khi thấy đường về xa quá…
“Nhiều đêm tranh thủ chợp mắt vài tiếng mà toàn mơ về quãng thời gian bình yên. Trước đây khi chưa có dịch, vào ngày Chủ nhật như hôm nay nếu không phải tuần trực là tôi đưa vợ và con gái 3 tuổi đi chơi phố huyện rồi”, nam trưởng khoa tâm tư.
Bộ Y tế và các tỉnh cử lực lượng chi viện cho Bắc Giang
Sau khi nhận được công văn đề nghị hỗ trợ của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Y tế đã quyết định cử các y, bác sĩ từ Đà Nẵng, Hải Dương và Bệnh viện Bạch Mai đến chi viện, hỗ trợ trong khoảng 1 tuần.
Đây là những địa phương, cơ sở từng là điểm nóng của Covid-19 trong các đợt bùng phát dịch bệnh trước đó. Do đó, lực lượng y tế của 3 đơn vị trên sẽ có kinh nghiệm hỗ trợ Bắc Giang trong việc thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
Trong chiều 16/5, đoàn công tác gồm 16 chuyên gia y tế do Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm Trưởng đoàn đã xuất phát đến Khu công nghiệp Vân Trung nhằm hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, 267 giảng viên, sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cũng vừa lên đường hỗ trợ cho tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh chống dịch Covid-19. Đây là lực lượng có kinh nghiệm, từng tham gia truy vết, xét nghiệm khi Hải Dương bùng phát dịch Covid-19.
Hôm qua (/5), đoàn xe chở 200 cán bộ, nhân viên y tế của tỉnh Quảng Ninh cùng nhiều trang thiết bị y tế cũng đã có mặt tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ chống dịch Covid-19.