Lng khoan giếng lm khng hết việc vì nắng nng kéo di
Đời sống - Ngày đăng : 14:07, 03/06/2021
Làng nổi tiếng với nghề khoan giếng
Tiến Thành là một xã miền núi, nơi đây chủ yếu là “đất cằn sỏi đá”, ruộng lúa để sản nông nghiệp ít, lại thiếu nước triền miên nên cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn.
Làng Nhân Tiến hiện nay có 235 hộ dân, trước đây có tiếng là thôn nghèo nhất trong xã, và là thôn có đất lúa canh tác cũng gần như ít nhất.
Trước những khó khăn đó, nhiều người dân ở làng Nhân Tiến chuyển mình theo nhiều ngành nghề, công việc khác nhau để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Và cơ duyên đưa người dân đến với nghề khoan giếng.
Anh Nguyễn Văn Nghĩa (44 tuổi) - người có thâm niên làm nghề đi khoan giếng năm nay ở thôn Nhân Tiến cho biết: “Cuộc sống của người dân trước đây khó khăn lắm, nhà anh hai vợ chồng với 4 đứa con nhưng chỉ có bảy thước đất để sản xuất, nên “thiếu trước hụt sau” là chuyện thường ngày. Thế nhưng nhờ có nghề đi khoan giếng mà giờ đây, gia đình có nguồn thu nhập, có thêm điều kiện để nuôi bốn đứa con đang tuổi ăn học”.
Anh Nghĩa trước đây cũng bươn trải với đủ thứ nghề, lúc thì đi làm thuê, lúc lại lên rừng đốn củi để bán, tuy nhiên sau khi Nhà nước có chủ trương cấm đốt rừng, lấy củi thì anh cũng trong cảnh thất nghiệp.
May mắn, anh xin được một chân đi phụ việc khoan giếng cho người ta, từ lúc là người đi học việc, lâu dần khi đã có kinh nghiệm và chút vốn riêng, anh đã mạnh dạn đầu tư giàn khoan giếng riêng cho mình. Và từ đó công việc của anh ngày một thuận lợi hơn.
Làm không hết việc vì nắng nóng kéo dài
Anh Nguyễn Văn Nguyên (42 tuổi) trú xóm Nhân Tiến cho biết: “Anh làm nghề khoan giếng được khoảng 20 năm nay. Lúc đầu cũng làm máy điện vất vả hơn. Nay hai anh em chung vốn đầu tư 2 máy khoan giếng bằng hơn trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Máy mới đi làm ở Quỳ Hợp về hôm qua, nay nghỉ ở nhà hôm rồi lại đi làm tiếp”.
“Đi đầu trong nghề khoan giếng ở làng phải kể đến hộ ông Nguyễn Văn Chất (53 tuổi), ông Nguyễn Vương Thống (54 tuổi). Ông Chất đến nay đã có 25 năm trong nghề, những ngày này máy của ông đi làm khắp nơi từ Hà Tĩnh, Quảng Bình cho đến Lạng Sơn…Đến nay ông Chất đã mua được giàn khoan máy hơi ngót ngét cả tỷ đồng” – Ông Đặng Văn Miêng, xóm trưởng xóm Nhân Tiến cho biết.
Ngoài những hộ đi tiên phong trong nghề, hiện nay ở làng có những hộ anh hộ đầu tư cả 3 máy như hộ anh Hùng, ông Thống, hay có 2 máy như anh Lực, anh Dũng…cũng làm việc liên tục suốt ngày đêm để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.
Đang khoan giếng cho hộ gia đình ở xã Tân Thành, anh Nguyễn Văn Lực, trú ở xóm Nhân Tiến cho biết: “Những ngày nắng nóng thế này có khi anh em làm không hết việc, vì nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao. Anh em chúng tôi cũng mong muốn làm sao nhanh tìm được nguồn nước để phục vụ nhân dân được tốt hơn ”.
Gia đinh anh Nguyễn Đức Luận (48 tuổi) cũng là một thợ lành nghề ở làng với nghề đi khoan giếng. Từng đi phụ việc cho người khác, sau khi đã có tay nghề, anh mạnh dạn đầu tư một giàn khoan riêng, đến nay anh đã có tiền để cất căn nhà khang trang.
Theo những người thợ trong làng, nghề khoan giếng bắt đầu vào mùa chính trong năm khoảng 3 tháng 5,6,7 vì thời điểm này thời tiết nắng nóng nên nhiều nơi rất khan hiếm nước. Còn công việc rải rác quanh năm lúc nào cũng có.
Từ những ngày đầu, việc khoan giếng chỉ phục vụ trong làng, xã, hay huyện. Đến nay, hầu hết các máy trong làng đều đi làm ở khắp các tỉnh xa hơn như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hòa Bình, Lạng Sơn…có những tốp thợ còn sang cả bên Lào.
Do phải di chuyển ở nhiều nơi nên gần như những người thợ phải xa gia đình thường xuyên, có khi đi cả tháng trời mới về nhà được một lần. Khi thì người thuê khoan để lấy nước sinh hoạt, có khi lại thuê khoan để tưới cây, phục vụ sản xuất ở trên đồi, lúc lại khoan để phục vụ công trình xây dựng.
Nên ở đồng bằng hay miền núi đều có dấu chân các anh, chính vì vậy chuyện ngủ ngoài trời, trên đồi, rừng núi là chuyện bình thường đối với những người thợ này.
Trung bình mỗi chiếc giếng khoan có giá khoảng 7 -10 triệu đồng tiền công, nhưng có những giếng khoan sâu, to và ở những vùng đất khó thì chi phí hết cả trăm triệu đồng. Nhờ vậy mà trung bình mỗi tháng những người thợ cũng kiếm được khoảng 30- 40 triệu đồng, một năm người có công việc đều cũng kiếm được 300- 500 trăm triệu, có hộ thu về 1-2 tỷ đồng như hộ ông Chất, ông Thống từ nghề này.
Ông Phan Văn Vũ – Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết biết: “Hiện nay làng Nhân Tiến có khoảng 25 giàn khoan giếng to (máy hơi) với giá khoảng 1 tỷ đồng, cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/ máy/ năm và khoảng 10 máy nhỏ (máy điện) với thu nhập khoảng 100 triệu/máy/năm. Nhờ có nghề khoan giếng mà cuộc sống của người dân đã khấm khá hơn trước”.
Những ngày này, những người thợ khoan giếng đều tất bật với công việc của mình. Nhờ có nghề khoan giếng, mà cuộc sống người dân ở làng đã có nhiều thay đổi, nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu, giúp phát triển kinh tế gia đình cũng như thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương.