Nng sản Việt Nam vượt qua đại dịch chinh phục thị trường Châu Âu
Kinh tế - Ngày đăng : 22:45, 28/07/2021
Đặc biệt, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã chinh phục được thị trường khó tính bậc nhất thế giới là Liên minh châu Âu (EU). Hiện, EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam với giá trị khoảng 5,5 tỷ USD/năm.
6 tháng đầu năm nay, chỉ tính riêng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU đạt trị giá hơn 500 triệu USD, tăng % so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu cà phê sang EU cũng đang khởi sắc trở lại, trong đó, Đức và Ý là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14% và 7,6%. EU cũng là thị trường lớn thứ 2 tiêu thụ hạt điều của Việt Nam, đạt trên 33.800 tấn, giá trị hơn 173 triệu USD.
Đáng chú ý, hiện EU là thị trường xuất khẩu đứng thứ tư của rau, quả Việt Nam. Nhờ đầu tư, áp dụng những giải pháp, công nghệ hiện đại trong thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, nhiều loại trái cây, rau củ tươi của Việt Nam đã xuất khẩu thuận lợi vào thị trường EU bằng đường biển. Sau vải thiều, các loại trái cây như thanh long, mít, xoài, nhãn, bưởi... của Việt Nam đã được xúc tiến thương mại thành công tại các quốc gia trong khối EU.
Theo các chuyên gia, việc tiếp cận thành công thị trường cao cấp đã nâng vị thế của sản phẩm, mở ra cơ hội cho nông sản đến với thị trường mới. Mặt khác, nông sản xuất khẩu vào EU thường có giá cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của thị trường và giữ được sự ổn định về sản lượng tiêu thụ.
Với tổng giá trị nhập khẩu nông sản của EU lên tới 160 tỷ USD/năm, tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU còn rất lớn, nhất là khi các quốc gia EU kiểm soát được dịch Covid-19 và lợi thế về mặt thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường này không dễ dàng vì yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm rất khắt khe với những tiêu chuẩn ngày càng cao.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, nông sản là mặt hàng được bảo hộ tại EU, do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt nhiều biện pháp bảo hộ khi xuất khẩu sang khối này, nhất là các quy định rất cao và chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ nông sản.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước không tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Tình trạng khá phổ biến là năm nay doanh nghiệp tuân thủ quy định, đủ điều kiện xuất khẩu, nhưng sang năm sau không tuân thủ nữa và bị dừng hợp đồng.
Rõ ràng, ý thức tự giác tuân thủ quy định của doanh nghiệp còn hạn chế cũng chính là rào cản cho mở rộng thị phần của nông sản Việt tại EU.
Để giữ vững tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang EU, ngoài việc tận dụng tốt nhất cơ hội thị trường từ EVFTA, ngành nông nghiệp cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp liên quan tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị và chất lượng nông sản cũng như xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.
Cùng với đó là sự chủ động của các doanh nghiệp trong chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản và tuân thủ chặt chẽ các quy định về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững.
Với nền tảng chất lượng sản phẩm được chú trọng nâng cao, nhiều sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, tăng trưởng xuất khẩu nông sản tại thị trường EU sẽ trở thành động lực quan trọng để ngành nông nghiệp vượt qua dịch bệnh, đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu 45 tỷ USD trong cả năm 2021.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)