Hội An “lao đao” trong đại dịch

Văn ha - Du lịch - Ngày đăng : 07:05, 01/08/2021

Đại dịch Covid-19 đã khiến mọi thứ ở Hội An thay đổi. Thị trường du lịch "đng băng"; hng trăm nh hng, khách sạn, doanh nghiệp v khu phố cổ phải đng cửa; cả chục nghìn lao động mất việc lm... Thậm chí, những ngi nh cổ đặc trưng, l linh hồn của những phong vị v tạo ra nếp sống cổ tại Hội An trị giá hng chục tỷ đồng cũng đang được chủ nhân rao bán…

Du lịch đóng băng, nhiều nhà cổ bị rao bán

Hội An từng là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Liên tiếp đạt danh hiệu thành phố du lịch “tốt nhất châu Á”, top những điểm đến không thể bỏ qua trên thế giới. Nhưng đó là trước đây, khi đại dịch Covid-19 chưa càn quét qua nơi này…

hoian2.jpg
Biểu tượng du lịch Hội An vắng vẻ không bóng du khách

Trải qua 5 đợt dịch kéo dài, tình hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là du lịch – dịch vụ ở Hội An vẫn chưa thể hồi phục, vẫn chưa thể tổ chức lại các hoạt động tham quan, ngành du lịch vẫn đang đối diện với vô vàn khó khăn do dịch bệnh, nhiều hoạt động tiếp tục bị tạm dừng vô thời hạn. Đã có hơn 90% chủ kinh doanh tạm dừng hoạt động hoặc trả lại mặt bằng, chỉ gần 10% hoạt động, buôn bán cầm chừng. Nay Hội An lại chìm vào bầu không khí vắng lặng, hàng quán đóng cửa im lìm khi toàn thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

hoian5.jpg
Du lịch đóng băng khiến nhiều nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa

Những nhà hàng, quán cà phê, quầy lưu niệm tại các tuyến phố trước đây luôn đông đúc du khách như: Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Phúc Chu, Bạch Đằng… đều trong trạng thái cửa đóng then cài. Nhiều hàng quán treo bảng cho thuê mặt bằng và rao bán.

Chủ nhà hàng kiêm quán cà phê trên đường Trần Phú, chia sẻ: Năm 2019, vợ chồng chị thuê căn nhà hai tầng để kinh doanh. Thời gian đầu đông du khách, kinh doanh thuận lợi, nhưng sau Tết Nguyên đán 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã khiến vợ chồng chị Oanh điêu đứng cho đến nay.

hoian3.jpg
Nhà hàng ven bãi tắm An Bàng (T.P Hội An) cũng đóng cửa do dịch bệnh

“Chúng tôi buộc phải cho toàn bộ 20 nhân viên của nhà hàng lần lượt nghỉ việc từ nửa năm nay. Hai vợ chồng giờ đang gắng gượng xoay xở tiền hằng tháng để đóng lãi khoản vay ngân hàng mở nhà hàng trước đó”, chị ngậm ngùi.

Với tình hình du lịch đóng băng vô thời hạn, dạo một vòng khắp các tuyến đường trong phố cổ Hội An, không khó để thấy những tấm bảng “cho thuê mặt bằng” hoặc “bán nhà” với giá hàng chục tỉ đồng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngôi nhà 2 tầng với diện tích gần 200m2 tại số 87 đường Trần Phú được chủ nhân rao bán với giá 42 tỷ đồng. Theo chủ nhân, ngôi nhà này đã mấy trăm năm tuổi, từ thời ông tổ của ông để lại, các con cháu cứ thay nhau giữ gìn và làm ăn sinh sống tại đây. Tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 khiến công việc kinh doanh của gia đình gặp nhiều khó khăn nên đành phải bán.

“Trước khi có dịch Covid-19, lượng khách đến với quán rất đông, đặc biệt là khách nước ngoài. Tuy nhiên hơn 1 năm nay việc kinh doanh của quán gặp nhiều khó khăn vì khách vắng nên đành phải rao bán căn nhà này”, người đàn ông cho biết.

Tương tự, nằm ở vị trí đắc địa ngay ngã 3 Trần Quý Cáp - Nguyễn Thái Học, cạnh chợ Hội An nhưng ngôi nhà 2 mặt tiền được chủ nhà treo bảng bảng lớn tìm khách thuê. Theo người dân, vì không có khách nên người thuê đã trả mặt bằng.

hoian4.jpg
Không cầm cự nổi với đại dịch Covid-19 nhiều ngôi nhà trong phố cổ đã phải treo biển “Bán nhà”

Một lãnh đạo T.P Hội An cho biết, việc các chủ cơ sở kinh doanh trong phố cổ Hội An tạm dừng kinh doanh là tất yếu vì tình hình dịch đang diễn biến hết sức phức tạp và không có khách du lịch. “Hiện tại gần như 100% các cửa hàng kinh doanh buôn bán trong khu phố cổ ngừng hoạt động”, vị này nói.

hoian6.jpg
hoian7.jpg
Đường phố Hội An không một bóng du khách từ khi dịch Covid-19 quét qua nơi đây

Cơ hội còn phía trước

Đến thời điểm này, phố cổ Hội An vẫn chưa thể tổ chức lại các hoạt động tham quan, ngành du lịch vẫn đang đối diện với vô vàn khó khăn, thách thức, tổn thất chưa từng có. Tuy nhiên, với nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Hội An luôn sẵn sàng ngay khi dịch bệnh được kiểm soát và sẽ hoàn toàn mới mẽ khi du khách quay trở lại.

hoian1.jpg
Cửa ngõ ra vào T.P Hội An bị phong tỏa

Chính quyền thành phố đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, lắng nghe ý kiến góp ý cho giải pháp phục hồi du lịch địa phương. Đáng quan tâm là người dân địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước đều đồng lòng, chung tay để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trước đó vào tháng 3/2021 lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có buổi làm việc với UBND T.P Hội An để bàn việc đẩy mạnh phục hồi, phát triển du lịch, nhất là thu hút khách nội địa và chuẩn bị dần các điều kiện để đón khách quốc tế. Tại buổi làm việc, đại diện các Sở, ban, ngành và lãnh đạo T.P Hội An đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạm thời để có hướng đi phát triển mới cho Hội An trong thời gian phục hồi, phát triển sắp tới.

Lãnh đạo T.P Hội An khẳng định, chương trình phục hồi du lịch sau đại dịch của Hội An là tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tạo điểm đến an toàn. Du lịch phải cùng lúc thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa bảo đảm sức khỏe người dân, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh.

Trước bối cảnh phục hồi, phát triển, Hội An lấy du lịch nội địa làm mũi nhọn và lâu dài vẫn xem du lịch nội địa là thị trường có vai trò quan trọng. Các chương trình kích cầu nội địa không chỉ nhắm tới đối tượng là người Việt Nam mà cả những người nước ngoài đang sinh sống lâu dài tại Việt Nam.

Cùng với đó, Hội An chú trọng xu hướng du lịch tại chỗ (stay cation) đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, nhiều cơ sở lưu trú ở Hội An tìm cách vực dậy hoạt động bằng những gói giảm giá sâu, nhắm tới đối tượng khách nội địa trải nghiệm kỳ nghỉ tại chỗ. Chú trọng vào thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng trung và cao cấp, nghỉ dưỡng theo gia đình gắn với mục đích tâm linh, chăm sóc sức khỏe. Đón đầu thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên.

Đặc biệt là sự đa dạng hóa các thị trường khách du lịch nội địa như khách du lịch theo đoàn, khách du lịch tự đi, khách du lịch gia đình, khách du lịch theo mùa, du lịch kết hợp tổ chức đám cưới, lễ kỷ niệm và tuần trăng mật, khách ưa thích nghỉ dưỡng biển, thưởng ngoạn biển, vui chơi giải trí, khách từ các tỉnh, thành phố lân cận đi nghỉ cuối tuần...

Để tăng cường khả năng kích cầu thu hút du khách, giúp doanh nghiệp mở cửa hoạt động kinh doanh, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua Đề án về việc tiếp tục giảm phí tham quan một số điểm trên địa bàn TP.Hội An và quy định mức hỗ trợ phục hồi, phát triển du lịch do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Bà Trịnh Diễm Quỳnh - Giám đốc Công ty CP Dịch vụ - du lịch - thương mại và thời trang YALY, cho hay: "Kế hoạch của chúng tôi là tháng 7/2022 sẽ phối hợp với thành phố tổ chức lại một show biểu diễn thời trang quốc tế". Còn ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Đầu bếp Quảng Nam, chủ nhà hàng Deckhouse An Bang Beach, nói: "Phải tính toán làm lại, làm tiếp, mình phải chiến đấu chứ không thể bỏ cuộc được. Còn sức, còn người, còn của thì cố gắng làm!".

Bảo Nguyên