Ngnh Hng khng Việt Nam: Trụ vững để vượt qua kh khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Kinh tế - Ngày đăng : 13:00, 22/08/2021
Khó khăn nhưng vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch
Hàng không là một ngành có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ trong phát triển kinh tế, mà còn đối với các vấn đề an ninh, quân sự và chủ quyền quốc gia. Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ngành hàng không Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề.
Cụ thể, trong báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, với ngành hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5 - 65,9%, doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines dự báo quý I/2021 lỗ khoảng 4.800 tỉ đồng, trong 6 tháng đầu năm số lỗ có thể lên tới 10.000 tỉ đồng.
Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020, tuy nhiên dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm 2021, các hãng dẫn hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính hãng bay Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hàng loạt chuyến bay bị cắt giảm, hành khách vắng bóng, cảng hàng không ngưng trệ… cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 tới hoạt động kinh doanh của ngành. Nhưng không vì vậy mà công tác phòng chống dịch bệnh của ngành hàng không được phép chủ quan, lơ là.
Hiện tại, các hãng hàng không nước ngoài vẫn đang duy trì các chuyến bay quốc tế chở khách từ Việt Nam đi (người nước ngoài rời Việt Nam, người đi lao động theo chương trình xuất khẩu lao động, học sinh, sinh viên đi du học… ) và chở khách là các đối tượng được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư…) vào Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ với cửa ngõ chủ yếu là Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài tại Hà Nội và cảng HKQT Tân Sơn Nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo an toàn khai thác tàu bay trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Cục Hàng không Việt Nam đã bổ sung thêm 01 nội dung vào Chỉ thị số 3033/CT-CHK. Theo đó, Người khai thác tàu bay cần chấp hành nghiêm túc các chỉ thị về phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện tiêm phòng vắc xin đầy đủ, ưu tiên nhóm nhân viên tuyến đầu thường xuyên tiếp xúc với hành khách và có nguy cơ lây nhiễm cao như người lái tàu bay, tiếp viên hàng không, nhân viên kỹ thuât.
Thông tin nữa từ Cục Hàng không Việt Nam, kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2021, chỉ thực hiện xếp lịch bay cho người lái tàu bay khi đã được tiêm đầy đủ Vắc xin Covid-19 (hai mũi). Chỉ thực hiện xếp lịch bay cho tiếp viên hàng không khi đã được tiêm phòng Vắc xin Covid-19 đầy đủ 02 mũi đối với tiếp viên hàng không kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2021.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng
Sau khi Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về một số khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 đối với hành khách và phương tiện đến/đi các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam, Bộ đã có văn bản số 8272/BGTVT-VT và văn bản số 8573/BGTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các chốt kiểm soát người ra/vào địa phận của địa phương mình tạo điều kiện thuận lợi cho người có vé máy bay đi nước ngoài được đến cảng HKQT để thực hiện chuyến bay khi đáp ứng đầy đủ quy định và các mẫu xác nhận.
Theo đó, trong quá trình di chuyển từ nơi xuất phát đến cảng HKQT để thực hiện chuyến bay đi nước ngoài, người có vé máy bay đi nước ngoài cần tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc sau: Khi các cơ quan chức năng kiểm tra tại các chốt kiểm soát: xuất trình hộ chiếu (kèm visa còn hiệu lực); vé máy bay (bằng giấy hoặc điện tử) trong đó gồm có Code vé máy bay, thời gian bay, ngày bay, số hiệu chuyến bay; giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực bằng phương pháp RT-PCR; thực hiện khai báo y tế và thực hiện nghiêm biện pháp 5K theo quy định của Bộ Y tế; Đảm bảo tối đa 04 người đi 01 xe bao gồm: 01 hoặc 02 lái xe và 02 người có vé máy bay ra nước ngoài trên cùng 01 chuyến bay”.
Tại trong nước thì hiện nay, thành phố Hà Nội đã xem xét ưu tiên “luồng xanh” đối với phương tiện đón/đưa khách từ các địa phương khi vào Hà Nội để đến cảng HKQT Nội Bài. Do vậy, nhằm duy trì hoạt động vận chuyển hàng không thông suốt trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Cục HKVN đề xuất Bộ GTVT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thống nhất áp dụng việc xác nhận giấy tờ cho phép các phương tiện đường bộ, người đưa/đón hành khách đi máy bay khi đến/đi qua các địa phương để đến các cảng hàng không, sân bay theo các nội dung thống nhất.
Cụ thể như: cấp xác nhận (UBND xã, phường…); nội dung xác nhận (họ tên, giấy tờ tùy thân (chứng minh thư/ căn cước công dân/ hộ chiếu/chứng minh quân đội) của lái xe và người đi cùng); thông tin phương tiện đường bộ (biển số xe); thông tin hành khách đi máy bay (họ tên, giấy tờ tùy thân); thông tin chuyến bay (hành trình bay, thời điểm đi hoặc đến cảng hàng không, sân bay kèm theo vé máy bay của hành khách); hành trình di chuyển và thời điểm dự kiến đến, đi và qua các địa phương để kết nối đến cảng hàng không, sân bay; yêu cầu đối với người lái xe và người đón/đưa hành khách đi máy bay (có giấy xét nghiệm âm tính với SAR-CoV-2 được cấp trong vòng 3 ngày và mang theo bản chính trong suốt hành trình di chuyển, luôn bật và sử dụng ứng dụng Bluezone, luôn thực hiện thông điệp 5K).
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo và đề xuất Bộ Giao thông vận tải sớm trao đổi với UBND thành phố Hà Nội để có hướng dẫn về đi/đến Cảng HKQT Nội Bài từ các điểm trong thành phố đối với đối tượng là nhân viên hàng không làm việc cho các hãng hàng không nước ngoài có chuyến bay đến Cảng HKQT Nội Bài. Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho nhân viên các hãng hàng không nước ngoài làm việc tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Thời gian qua, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đều đã có những bước phát triển nhanh, hứa hẹn có thể vươn tầm thành các hãng hàng không quốc tế lớn. Tuy nhiên, muốn vậy, các hãng này cần được tiếp sức để vượt qua những khó khăn hiện tại do Covid-19. Với sự chủ trì của Chính phủ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ, cùng sự cam kết của các hãng hàng không trong việc nâng tầm dịch vụ, tạo động lực cho phát triển đất nước, bức tranh ngành hàng không có thể sẽ có nhiều thay đổi tích cực sau khi đại dịch được kiểm soát.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)