MB dự toán giảm 1.000 tỷ đồng tiền lãi trong 5 tháng cuối năm, hỗ trợ khách hng vượt qua thách thức đại dịch
Ti chính - Ngân hng - Ngày đăng : 12:37, 25/08/2021
Đại dịch Covid-19 gây ra những khó khăn rất lớn cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp và người dân. Tại MB, Ngân hàng có chính sách hỗ trợ như thế nào đối với các chủ thể bị ảnh hưởng của Covid, thưa ông?
Đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid, ngay từ đầu năm 2021, MB đã thực hiện các chính sách miễn giảm lãi. Cùng với đó, chúng tôi thực hiện gia hạn trả nợ gốc, lãi theo Thông tư 03/NHNN cho các khách hàng này. Ngay từ khi đại dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, MB đã nhanh chóng thực hiện các chương trình miễn giảm lãi, gia hạn nợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch, theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Trong 5 tháng cuối năm 2021, MB giảm 1.000 tỷ đồng lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đến giữa tháng 8, MB đã giảm 400 tỷ đồng số tiền lãi lũy kế đến cuối năm. Cuối tháng 8, MB giảm thêm 300 tỷ đồng nữa. Số tiền 300 tỷ đồng còn lại sẽ được MB giảm trong các tháng còn lại của năm 2021.
Mức lãi suất hỗ trợ cụ thể giảm cho khách hàng của MB là như thế nào, thưa ông?
Đối với lãi suất hỗ trợ cho khách hàng, MB giảm từ 0,5%-1,5%, tùy theo nhóm khách hàng và mức độ khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch. Tại mức lãi suất này, có khoảng 70.000 tỷ đồng dư nợ đối với khách hàng cá nhân được hưởng chính sách giảm.
Cùng với việc giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hành, chúng tôi cũng xây dựng các gói lãi suất cũng như các sản phẩm cho vay mới và với lãi suất thấp hơn 0,5-1,5% so với biểu lãi suất thông thường trước đây của MB. Với các sản phẩm, dịch vụ mới, MB giảm lãi suất cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
Xin ông chia sẻ, để được tiếp cận mức lãi suất giảm từ MB, các khách hàng cần đáp ứng các thủ tục, điều kiện gì?
Trước hết, về nhóm khách hàng, MB giảm lãi suất cho các nhóm khách hàng ưu tiên theo định nghĩa của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Quân đội. Đối với các khách hàng cũ, chúng tôi thực hiện giảm ngay cho các nhóm khách hàng ưu tiên. Chúng tôi thông báo đến những khách hàng được giảm lãi suất bằng văn bản cùng với việc nhắn tin tới khách hàng. Khách hàng không cần ký kết các văn bản và đề nghị gì với MB.
Đối với các khách hàng giải ngân mới, thuộc đối tượng ưu tiên của MB, chúng tôi sẽ áp dụng biểu lãi suất mới để đảm bảo khách hàng được giảm 0,5%-1% so với trước. Chúng tôi cũng thực hiện cách thông tin đến khách hàng bằng văn bản và tin nhắn. Các thủ tục diễn ra rất đơn giản, chúng tôi thông báo tới khách hàng để tự đồng giảm trên hệ thống.
Với các khách hàng thuộc diện được cơ cấu nợ, MB hỗ trợ họ như thế nào, thưa ông?
Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 diễn ra trên diện rộng, đã ảnh hưởng đến cả các khách hàng được thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư 03/NHNN và những khách hàng chưa thực hiện cơ cấu theo Thông tư 03. Chuỗi sản xuất của một số ngành, lĩnh vực đang tạm thời bị gián đoạn, đặc biệt là những lĩnh vực như du lịch hay các lĩnh vực sản xuất có nhiều người lao động bị mắc Covid. Do đó, toàn bộ dòng tiền của rất nhiều chủ thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch, theo đó, việc cơ cấu giãn thời gian trả nợ gốc và lãi cho cả khách hàng đã được cơ cấu và chưa được cơ cấu là vô cùng cần thiết.
Tại MB, chúng tôi tuân thủ theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch gây ra nhiều khó khăn hơn, theo chúng tôi, việc giãn thời gian trả nợ gốc và lãi theo dự thảo Thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết và phù hợp, nhằm giúp cho nhiều chủ thể phục hồi sản xuất, quay vòng vốn để từ đó, phù hợp với thời hạn của các khoản vay cũ và mới mà khách hàng cần thanh toán khi đến hạn.
Để bảo vệ an toàn cho Nhân dân, Chính phủ chỉ đạo nhiều tỉnh, thành, địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. MB có giải pháp gì để duy trì dòng chảy tín dụng đến các khách hàng khi mà không thể tiếp xúc, không thể thẩm định trực tiếp các dự án, phương án kinh doanh, thưa ông?
Trong bối cảnh hiện hành, MB nói riêng và các ngân hàng nói chung đều gặp khó khăn trong hoạt động tín dụng đối với các chủ thể nói chung trên những địa bàn có giãn cách xã hội. Khó khăn đầu tiên là làm thế nào để có thể tiếp xúc, thẩm định khách hàng cũng như ký kết các văn kiện tín dụng, văn kiện tài sản đảm bảo? Để hỗ trợ cho khách hàng và duy trì dòng tín dụng trong bối cảnh giãn cách, MB đã thực hiện thỏa thuận với khách hàng, thực hiện chuyển dịch từ tiếp xúc trực tiếp sang nhận hồ sơ thông qua các kênh giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, MB cũng nâng cấp hai nền tảng dành cho khách hàng là App MBBank (đối với khách hàng cá nhân) và Biz MBBank (đối với khách hàng doanh nghiệp) để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận dòng vốn tín dụng từ Ngân hàng trên hai nền tảng online này.
Trước khó khăn người dân tại Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn với doanh nghiệp, cá nhân tại khu vực này. Vậy MB đã triển khai chỉ đạo trên như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi luôn xác định ngành lúa gạo là một trong những ngành chủ lực của Quốc gia, nên tại MB đây là ngành được ưu tiên hỗ trợ phát triển không chỉ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn ở các tỉnh sản xuất nông nghiệp, lúa gạo nhiều. Tính đến nay, MB đã giải ngân được khoảng 4.500 tỷ đồng cho khách hàng kinh doanh lúa gạo. Chúng tôi dự kiến trong thời gian sắp tới sẽ giải ngân khoảng 2000 tỷ đồng nữa để hỗ trợ cho nhóm khách hàng kinh doanh lúa gạo, với mức lãi suất ưu đãi của MB giảm so với các sản phẩm cho vay thông thường từ 0,5%-1%.
Cùng với đó, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với nhiều khách hàng để đưa công nghệ thanh toán vào các hoạt động nghiệp vụ. Trên các nền tảng App MBBank và Biz MBBank, chúng tôi đang và sẽ hỗ trợ khách hàng trong việc thanh toán thu mua lúa gạo trực tuyến, đảm bảo hạn chế việc tiếp xúc giữa ngân hàng với khách hàng và giữa khách hàng với ngân hàng. Giải pháp này hạn chế rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng trong bối cảnh xã hội phải thực hiện giãn cách trên diện rộng như hiện nay.