Trạm y tế lưu động - “Cánh tay nối di” chăm sc F0 tại nh
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:23, 01/09/2021
Nhận cuộc gọi báo động ca F0 45 tuổi lên cơn khó thở, bác sĩ Nguyễn Duy Tân - Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) ôm bình oxy cùng điều dưỡng trạm y tế lưu động phường 1, quận 6 phóng xe máy đến căn nhà trên đường Bình Tây - nơi có 6 F0 cùng gia đình.
Sau khoảng 20 phút được thở oxy với tốc độ 10 lít/phút, chỉ số SpO2 của ông từ 60% lên hơn 90%, rồi dao động ở mức 92%.
"Cảm ơn các bác sĩ, tôi khoẻ rồi. Chúng tôi cần gì đã có anh chị giúp nên đừng đưa tôi vào viện", ông ngước nhìn các nhân viên y tế, nói.
Sau khi hướng dẫn cả gia đình tập thở, kiểm tra lại các chỉ số sức khoẻ, anh Tân và ê kíp thở phào bởi tình trạng bệnh nhân có thể tiếp tục theo dõi tại nhà.
3 thành viên Tổ quân y cơ động do bác sĩ Tân phụ trách, chi viện Trạm y tế lưu động của phường 1, quận 6 từ sáng 23/8, ngay sau khi từ Hà Nội đặt chân đến TP.HCM. Họ là một trong số 451 tổ quân y cơ động, thuộc đoàn gần 1.400 cán bộ, học viên Học viện Quân y chi viện TP phòng chống dịch.
Buồi chiều ngày cuối tháng 8, sau khi nhận được điện thoại của một người phụ nữ thông báo mình đang khó thở, anh Huỳnh Ngọc Anh - nhân viên chống dịch tại Trạm y tế lưu động phường Linh Trung và anh Nguyễn Tuấn Anh - tình nguyện viên vận chuyển F0 tức tốc lên đường.
Đến nơi, bệnh nhân là bà N.T.M. (63 tuổi) đang có dấu hiệu chóng mặt, khó thở. Gia đình bà M. có 3 F0 vừa được phát hiện trong đợt test nhanh tại phường nhưng người nhà trở nặng và đã được nhập viện cấp cứu nên còn mỗi bà nằm ở nhà.
Sau khi bác sĩ của trạm y tế lưu động khám cho bà M. xong, xe chuyển bệnh nhanh chóng có mặt. Bệnh nhân bị liệt, lại suy yếu, không đi lại được nên 2 nhân viên trạm phải bế bệnh nhân len lỏi từ cuối dãy trọ gần 40m ra tận hẻm để cho lên ô tô.
Theo bác sĩ Trương Nguyễn Đoan Hạnh - Phó trưởng trạm y tế phường Linh Trung, phụ trách Trạm y tế lưu động đặt tại Trung tâm cách ly phường Linh Trung, trạm bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 23/8. Do TP Thủ Đức có 32 cơ sở thu dung, số F0 điều trị tại nhà rất ít nên chủ trương của TP Thủ Đức là lập các trạm y tế lưu động trong những khu thu dung này.
Trên địa bàn phường Linh Trung hiện nay chỉ có 17 F0 tại nhà nên trạm lưu động vừa hỗ trợ F0 tại nhà, vừa chăm sóc luôn cho F0 trong khu cách ly tạm thời. Ngoài lực lượng được phân bổ theo quy định, trạm y tế lưu động hiện còn có sự hỗ trợ của 1 bác sĩ và 2 học viên Học viện quân y vừa được chi viện, kịp thời hỗ trợ cho các F0.
Bác sĩ Hạnh cho biết: "Có thể có những diễn biến rất bất ngờ, có thể trước đó họ không có bệnh nền gì nhưng suy hô hấp rất nhanh, chiếm khoảng 10%. Những ca đó trạm y tế lưu động xử lý tại chỗ cho thở oxy, cho đánh giá dấu hiệu sinh tồn rồi làm hồ sơ chuyển viện nhanh".
PGS.TS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp như hiện nay với số ca mắc trong cộng đồng tăng cao, F0 phải điều trị tại nhà nhiều thì việc thành lập các trạm y tế lưu động là vô cùng cần thiết. Trạm y tế lưu động có 2 chức năng chính là quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn (bên cạnh trạm y tế có sẵn) và quản lý các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà.
Cán bộ y tế có số điện thoại danh sách F0. Mỗi ngày cán bộ trạm y tế lưu động gọi hỏi thăm sức khỏe, sàng lọc được nguy cơ và đến nhà thăm khám, trao túi thuốc sử dụng tại nhà. Nếu F0 cần thở ô xy, theo dõi sát hơn sẽ được đưa về Trạm y tế lưu động, nếu nặng hơn nữa thì chuyển lên khu cách ly, điều trị.
"Mô hình này sẽ giúp chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà tốt hơn. Mỗi phường, xã đều phải lập một trạm y tế lưu động, mỗi trạm quản lý 50-100 F0. Trường hợp số F0 lớn hơn, có thể tăng thêm trạm. Các F0 đều có số liên lạc của bác sĩ, điều dưỡng và được hỏi thăm sức khỏe, sàng lọc yếu tố nguy cơ, được thăm khám trực tiếp tại nhà. TP.HCM đã lập 400 trạm y tế lưu động với nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho trên 180.000 ca F0 tại nhà", lãnh đạo Sở Y tế thông tin.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về việc xây dựng kế hoạch triển khai các trạm y tế lưu động. Theo đó, mỗi. Mỗi trạm y tế lưu động phải bố trí 1 phòng khám bệnh thông thường, khu vực lấy mẫu xét nghiệm, khu vực hành chính, khu vực lưu trữ thuốc, khu vực để bình oxy, trang thiết bị... và nơi nghỉ ngơi cho nhân viên.
Sở Y tế cũng yêu cầu mỗi trạm y tế lưu động cần trang bị tối thiểu 2 bình oxy, dụng cụ thở oxy, thiết bị đo Sp02, dụng cụ cấp cứu cơ bản, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, test kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 và các dụng cụ khám chữa bệnh cơ bản khác. Ngoài ra, phải trang bị đủ túi thuốc cấp cứu lưu động, cơ số túi thuốc chăm sóc tại nhà cho F0, cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác.
Là một F0 tự điều trị tại nhà hơn 1 tuần nay, anh N.T.C. ngụ tại TP Thủ Đức cho biết, 3 ngày đầu khi phát hiện mình dương tính với Covid-19 bằng test nhanh, anh vô cùng hoang mang. Anh càng hoang mang và lo sợ hơn khi tình trạng bản thân có dấu hiệu chuyển nặng như tức ngực, khó thở.
Tuy vậy, rất may là chỉ sau 1 ngày, nhờ được tiếp cận với trạm y tế lưu động của phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, anh đã được các bác sĩ tư vấn theo dõi điều trị tại nhà rất kỹ lưỡng.
"Họ không chỉ thường xuyên thăm khám qua điện thoại, ứng dụng video call của Zalo, mà còn thường xuyên tư vấn cho tôi cách tự chăm sóc bản thân tại nhà, cách uống thuốc, tập thở, hoạt động mỗi ngày để nâng cao sức khỏe.
Hiện sau 3 ngày được tiếp cận mô hình trạm y tế lưu động và được chăm sóc y tế trực tiếp lẫn gián tiếp, sức khỏe của tôi đã ổn định, nồng độ virus trong cơ thể cũng đã dần thấp xuống", anh C. nói.
Đại diện cho cơ quan được Bộ trưởng Bộ Y tế giao hỗ trợ TP.HCM thiết lập và vận hành các Trạm Y tế lưu động, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhấn mạnh, trong bối cảnh số F0 ngày càng tăng thì các cơ sở điều trị sẽ bị áp lực, quá tải nên triển khai chăm sóc F0 tại nhà là cần thiết.
"Nhiệm vụ của các trạm này là quản lý, hỗ trợ, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, sớm phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng để có biện pháp chuyển lên tuyến trên kịp thời, hạn chế tối đa tử vong. Các trạm này cũng triển khai mạnh mẽ việc xét nghiệm Covid-19 tại cộng đồng, đặc biệt là test nhanh ở các "vùng đỏ", "vùng cam" để sớm phát hiện F0 quản lý cho tốt. Các trạm này cũng triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, đây cũng có thể xem là điểm tiêm chủng hiệu quả", ông Nguyễn Hoàng Long nói.
Theo ông Long, các trạm này phải truyền thông mạnh mẽ đến từng người dân về Covid-19, hướng dẫn cho họ cách phòng tránh và các thắc mắc khác của người dân. Các trạm lưu động này cũng chịu trách nhiệm khám bệnh, sơ cấp cứu các bệnh thông thường khác để bảo đảm người dân trong vùng dịch vẫn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản kịp thời.
Nội dung: Thảo Nguyên - Anh Dũng - Văn Đạo
Trình bày: Thảo Nguyên