Bộ Cng Thương kết nối cung cầu, phân phối hng ha giữa các v ng miền

Kinh tế - Ngày đăng : 16:10, 03/09/2021

Bên cạnh các giải pháp đảm bảo thuận lợi cho lưu thng hng ha, Bộ Cng Thương cn đẩy mạnh kết nối cung cầu để vừa tiêu thụ nng sản cho các địa phương, vừa cung ứng kịp thời hng ha đến v ng dịch.

Bộ Công Thương cho biết Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, nhất là vùng có dịch. Đồng thời, ổn định cung cầu, giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động thương mại dịch vụ. Vì thế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đã giảm so với cùng kỳ.

Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính đạt 279,8 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 9,9 nghìn tỷ đồng, giảm 8% và giảm 25,3%.

Bởi vậy, tính chung 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.044,5 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2%.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2021 ước tính đạt 2.499,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,1% tổng mức và giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn về các vấn đề có liên quan đến lưu thông hàng hóa thiết yếu. Điều này nhằm mục tiêu không để bị đứt, gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, nhất là người dân trong vùng dịch.

Thế nhưng, khi một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã xuất hiện tình trạng một số địa phương còn lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị.

Do cách hiểu cũng như tổ chức triển khai thực hiện các văn bản nêu trên tại một số địa phương khác nhau nên xảy ra tình trạng, một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống của người dân gặp khó khăn. Thậm chí, ách tắc khi lưu thông trên địa bàn, địa phương hoặc giữa các địa phương với nhau.

Để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương đã có các văn bản đề nghị các địa phương rà soát, tuân thủ và thực hiện thống nhất, xuyên suốt theo đúng các chỉ đạo của Chính phủ; không đặt ra bất kỳ điều kiện nào của riêng làm cản trở lưu thông vật tư, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất và các hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.

Bên cạnh các giải pháp đảm bảo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương còn đẩy mạnh kết nối cung cầu để vừa tiêu thụ nông sản cho các địa phương, vừa cung ứng kịp thời hàng hóa đến các vùng khó khăn, vùng dịch bệnh.

Đơn cử, nông sản của 18 tỉnh, thành phía Nam được Viettel Post thu mua tiêu thụ qua các bưu cục và sàn thương mại điện tử Vỏ Sò thông qua sự hỗ trợ kết nối của Tổ công tác đặc biệt phía Nam Bộ Công Thương với các Sở Công Thương địa phương. Đây là nội dung thống nhất trong hội nghị trực tuyến kết nối nguồn hàng nông sản tại 18 tỉnh, thành phía Nam cho Viettel Post mới đây.

Hiện nay, nông sản cần tiêu thụ tại 18 tỉnh, thành phía Nam là rất lớn, trong khi đó nguồn hàng cung ứng cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận lại đang thiếu hụt do ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19. Chính vì thế, Viettel Post sẽ kết nối với Sở Công Thương 18 tỉnh, thành để thu mua, tiêu thụ lượng nông sản này cho bà con.

Ngoài ra, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương còn kết hợp với Vincommerce, Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ và các cơ quan chức năng của Bình Dương tạo ra các gói an sinh xã hội, nhằm chia sẻ vất vả cùng người dân Bình Dương cũng như các hợp tác xã, nông dân sản xuất.

Sẽ có trên 700.000 gói an sinh được cung ứng cho người dân vùng dịch khó khăn của Bình Dương, gồm hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực thực phẩm, nông sản miền Tây.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các địa phương khẩn trương thực hiện quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đếm năm 2030.” Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương.

Mặt khác, Bộ sẽ chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương đối với hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số; hỗ trợ và đôn đốc các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước. Từ đó, nhanh chóng tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp thu hoạch ở các địa phương.

Ngoài ra, Bộ còn xây dựng kế hoạch triển khai Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hướng dẫn các địa phương xây dựng đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại tại địa phương.

Đặc biệt, Bộ sẽ hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến; hỗ trợ vận chuyển, thanh toán trực tuyến.

Đồng thời, ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia các Chương trình ngày mua sắm trực tuyến, gian hàng Việt trực tuyến quốc gia; quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử. Cùng đó, hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn ở các địa phương trên các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín.

Minh Khang