Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chậm ban hnh văn bản chưa nghiêm túc

Chính trị - Ngày đăng : 09:53, 14/09/2021

Tại phiên họp thứ ba của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hong Thanh T ng đánh giá, việc xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai thi hnh, ban hnh văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hnh chưa nghiêm túc, chưa bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ.
viec-xem-xet-trach-nhiem-lanh-dao-dung-dau-trong-viec-ban-hanh-cham-van-ban-chua-duoc-xem-xet-nghiem-tuc.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ ba, chiều 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Tham dự Phiên họp còn có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính và một số cơ quan đại diện Chính phủ, đại diện cơ quan, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội….

69 văn bản trái pháp luật, 55 văn bản quy định chi tiết ban hành chậm

Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, công tác xây dựng luật, pháp lệnh để triển khai thi hành Hiến pháp tiếp tục Chính phủ được quan tâm thực hiện. Tính từ ngày 1/10/2020 đến ngày 26/8/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 99 văn bản quy định chi tiết; đến nay, đã ban hành 91/99 văn bản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ còn có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 55 văn bản quy định chi tiết 5 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Cũng trong khoảng thời gian trên, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.393 văn bản, phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung, 5 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Báo cáo cũng thẳng thắn nêu việc ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết vẫn chưa được thực hiện triệt để, vẫn còn tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết đã đạt những kết quả tích cực. Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện, công tác tổ chức thực thi pháp luật ngày càng được coi trọng. Về cơ bản, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật được Chính phủ, các Bộ, ngành, cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả; Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành.

Về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, trong năm qua, mặc dù thời gian tính số liệu văn bản quy định chi tiết được ban hành của năm 2021 ngắn hơn so với năm 2020 nhưng số văn bản được ban hành lại nhiều hơn là văn bản; số văn bản nợ cũng có xu hướng giảm dần qua các năm và giảm tích cực hơn so với năm 2020, tuy nhiên tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chỉ rõ, trong số những văn bản quy định chi tiết đã ban hành, có 36 văn bản được ban hành đúng thời hạn (chiếm 39,56%) và 55 văn bản ban hành chậm (chiếm 60,44%); trong đó, văn bản chậm ban hành lâu nhất là 1 năm 5 tháng, văn bản chậm ban hành ít nhất là 4 ngày, số văn bản chậm nhiều nhất là Nghị định (35/55 văn bản); cơ quan chậm ban hành thông tư nhiều nhất là 7 văn bản.

“Có những luật được ban hành và có hiệu lực từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn nợ ban hành văn bản quy định chi tiết. Còn tình trạng giao quy định chi tiết nhưng lại ủy quyền tiếp”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết.

Ủy ban Pháp luật cũng đánh giá vấn đề xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai thi hành, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa nghiêm túc, chưa bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ. Báo cáo chưa chỉ ra cụ thể việc xem xét xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu đã thực hiện như thế nào.

Đối với 5 luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, 2022, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi Luật có hiệu lực được thực thi nghiêm túc.

Cần nêu rõ một số tiêu chuẩn, đánh giá, xếp loại bộ, ngành trong ban hành văn bản

Phát biểu tại phiên họp, liên quan việc kiểm tra theo thẩm quyền, phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với những văn bản chưa đúng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần làm rõ, có sự đánh giá tác động đối với lĩnh vực đó ra sao, nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đồng thời cũng cần nêu rõ một số tiêu chuẩn, đánh giá, xếp loại, bộ ngành nào ban hành đúng thời hạn, ban hành nhanh, bộ, ngành nào là điển hình tiên tiến, chỗ nào còn chậm....

Giải trình về công tác kiểm tra văn bản, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Bộ Tư pháp đã tập hợp từ các địa phương và những vấn đề theo thẩm quyền của Bộ Tư pháp, đồng thời ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp.

Phát biểu kết luận phiên họp liên quan nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cơ bản, Ủy ban Pháp luật và các Ủy ban của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ có nhiều chuyển biến tích cực trong năm qua trong việc thực hiện, tổ chức, thi hành pháp luật, đồng tình với các nội dung và kiến nghị của Chính phủ đã nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy định chi tiết nhanh hơn, kịp thời hơn, quan tâm đến việc nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản để kịp thời phát hiện và sớm có biện pháp khắc phục đối với những văn bản pháp luật ban hành mà nội dung chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị sau phiên họp Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp thống nhất đề cương trình bày, đảm bảo tính thống nhất. Thời gian tới, đề nghị Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp cùng với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, VKSNDTC, TANDTC rà soát lại việc thực hiện Nghị quyết 67/2013/QH13 để có cách làm hợp lý, đảm bảo công tác thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội.

Ngọc Mai