Tin vắn thế giới ngy 18/9: Mỹ tổ chức hội nghị thượng đỉnh COVID-19 ton cầu vo ngy 22/9
Chuyển động - Ngày đăng : 07:48, 18/09/2021
Mỹ tổ chức hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu vào tuần tới
Ngày 17/9, Nhà Trắng thông báo sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu theo hình thức trực tuyến vào ngày 22/9, cùng thời điểm diễn ra hội nghị của Đại hội đồng LHQ.
Theo Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki, tại hội nghị, Mỹ sẽ kêu gọi các nước đưa ra "tham vọng lớn hơn" về một loạt chủ đề như nỗ lực tiêm chủng cho thế giới, tăng nguồn cung cấp oxy và các thiết bị bảo hộ y tế.
Bầu cử Duma Quốc gia Nga: Tổng thống Putin bỏ phiếu trực tuyến
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov ngày 17/9 cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã bỏ phiếu trực tuyến trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga. Sau khi bỏ phiếu, ông Putin đã có những phát biểu trước người dân Nga.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cũng đã bỏ phiếu trực tuyến, thực hiện quyền công dân từ văn phòng của mình. Theo ông Mishustin, việc bỏ phiếu là quan trọng đối với tất cả mọi người.
Nga khẳng định cần hợp tác với Taliban
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/9 khẳng định Moscow cần hợp tác với chính quyền Taliban ở Afghanistan. Tuyên bố trên được nhà lãnh đạo Nga đưa ra tại hội nghị của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).
Trung Quốc kêu gọi SCO không cho phép thế lực bên ngoài can thiệp công việc nội bộ
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 17/9 đã kêu gọi các nước thành viên SCO không cho phép thế lực bên ngoài can thiệp công việc nội bộ với bất kỳ lý do gì.
Phát biểu trên được ông Tập Cận Bình đưa ra tại cuộc họp thượng đỉnh SCO lần thứ 21 tổ chức ở Tajikistan theo hình thức trực tuyến.
Pháp triệu hồi các đại sứ tại Mỹ, Australia để tham vấn, Mỹ lấy làm tiếc
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 17/9 thông báo nước này đã triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Australia để tham vấn sau khi Canberra từ bỏ thỏa thuận mua các tàu ngầm của Pháp trị giá khoảng 40 tỷ USD để chuyển sang các tàu của Mỹ.
Cùng ngày, Nhà Trắng đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc Pháp triệu hồi Đại sứ tại Mỹ để tham vấn, đồng thời khẳng định Mỹ muốn giải quyết căng thẳng thông qua đường ngoại giao.
UNHCR: Hoạt động ứng phó COVID-19 đứng đầu danh sách thiếu kinh phí
Báo cáo công bố ngày 17/9 của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho thấy công tác ứng phó đại dịch COVID-19 là hoạt động khẩn cấp thiếu kinh phí nhất của cơ quan này trong năm 2021.
Theo báo cáo trên, tính đến ngày 31/8 vừa qua, quỹ tài chính dành cho các nỗ lực ứng phó đại dịch COVID-19 mới chỉ thu hút được một khoản viện trợ trị giá 307,3 triệu USD - chỉ bằng 1/3 so với tổng số tiền kêu gọi là 9 triệu USD.
FDA Mỹ đánh giá dữ liệu liên quan tiêm liều tăng cường vaccine phòng COVID-19
Ngày 17/9, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đã triệu tập một ủy ban gồm các chuyên gia độc lập để đánh giá việc tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech.
Hãng Pfizer đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng liều vaccine tăng cường cho những người từ 16 tuổi trở lên. Ủy ban các chuyên gia độc lập của FDA đã được yêu cầu cân nhắc các yếu tố về tính an toàn và hiệu quả để ra quyết định liệu có cho phép tiêm vaccine liều tăng cường cho người trên 16 tuổi sau ít nhất 6 tháng sau mũi thứ hai hay không.
Giới khoa học Trung Quốc nghiên cứu về liều tăng cường của vaccine do Sinopharm sản xuất
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy mũi tiêm thứ 3 của vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm có thể giúp phục hồi mức độ kháng thể trong cơ thể người được tiêm, sau khi lượng kháng thể này bị giảm xuống vài tháng sau mũi tiêm thứ 2.
Sinopharm khẳng định vaccine của hãng an toàn với trẻ em từ 3 tuổi trở lên
Hãng dược Sinopharm (Trung Quốc) vừa công bố dữ liệu mới cho thấy vaccine phòng COVID-19 của hãng này an toàn đối với trẻ em từ 3 tuổi trở lên.
Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 được công bố trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases số ra trong tuần này, vaccine ngừa COVID-19 do Sinopharm phát triển an toàn đối với những trẻ em tham gia thử nghiệm từ 3-17 tuổi. Trung Quốc hiện đã cho phép sử dụng loại vaccine này cho nhóm trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Philippines không khuyến nghị sử dụng thuốc ivermectin trong điều trị COVID-19
Bộ Y tế Philippines không khuyến nghị sử dụng thuốc ivermectin để điều trị COVID-19 do thiếu dữ liệu chứng minh thuốc có tác dụng điều trị bệnh này.
Thông tin trên được Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire đưa ra ngày 17/9 sau khi Tổ chức Phát triển nghiên cứu ivermectin (BIRD) của Anh gửi thư kêu gọi chính phủ nước này sử dụng thuốc chống ký sinh trùng như một biện pháp dự phòng và điều trị sớm COVID-19.
Ấn Độ lập kỷ lục tiêm vaccine hơn 20 triệu mũi/ngày
Đây là một bước tiến quan trọng cho chương trình chủng ngừa COVID-19 của nước này nhân dịp sinh nhật của Thủ tướng Narendra Modi (17/9/1950).
Theo dữ liệu trên cổng Co-WIN, nền tảng để triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19 của Ấn Độ, tính đến 19h (giờ địa phương) ngày 17/9, nước này đã tiêm tổng cộng 22,17 triệu mũi. Con số vẫn đang tiếp tục tăng lên cho đến cuối ngày và rất có thể sẽ đạt mốc 25 triệu mũi.
Anh nghiên cứu thử nghiệm tiêm kết hợp vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em
Anh sẽ tiến hành nghiên cứu phản ứng miễn dịch của trẻ em thông qua việc tiêm kết hợp các loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau nhằm tìm ra cách thức tiếp cận tốt nhất mũi 2 vaccine ngừa COVID-19 cho thanh, thiếu niên do có những báo cáo trước đó về nguy cơ nhỏ mắc viêm cơ tim.
Nghiên cứu, mang tên Com-COV3, sẽ thử nghiệm các loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau cho trẻ từ 12-16 tuổi và quan sát phản ứng miễn dịch cũng như các tác dụng phụ nhẹ hơn ở trẻ.
Nghiên cứu mới về tình trạng 'COVID kéo dài' ở Anh
Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) mới đây đã tiến hành cuộc nghiên cứu khảo sát đối với 27.000 người mắc COVID-19. Theo đó, 3 phương pháp đã được sử dụng để ước tính mức độ phổ biến của những triệu chứng kéo dài sau khi mắc bệnh, hay còn được gọi là “COVID kéo dài” (Long COVID).
Singapore đưa ra tiêu chuẩn mới về nơi cư trú của lao động nước ngoài
Singapore ngày 17/9 thông báo tiêu chuẩn mới cho khu nhà ở của lao động nhập cư, với mục tiêu giảm nguy cơ lây lan các căn bệnh truyền nhiễm và cải thiện điều kiện sinh hoạt sau khi các cơ sở cư trú này hứng chịu một đợt dịch COVID-19 lớn trong năm 2020.
Bộ Nhân lực Singapore công bố các tiêu chuẩn mới gồm mật độ có giới hạn, có nhà vệ sinh riêng, thông gió tốt hơn và phân chia các khu vực chung. Người cư trú cũng sẽ có phòng ở rộng hơn và có wifi. Trong khi các yêu cầu này áp dụng cho các cơ sở mới, chính quyền cũng đang xem xét lại cách thức cải thiện các khu nhà ở hiện có.
Thụy Sĩ áp dụng quy định mới với du khách chưa tiêm phòng
Ngày 17/9, Chính phủ Thụy Sĩ thông báo những du khách chưa được tiêm phòng COVID-19 hoặc chưa từng nhiễm COVID-19 chỉ được phép nhập cảnh khi có kết quả xét nghiệm âm tính.
Biện pháp này sẽ được áp dụng từ ngày 20/9 trong bối cảnh Thụy Sĩ đang nỗ lực ngăn chặn số ca mắc mới gia tăng.
Campuchia lên kế hoạch đón du khách quốc tế
Ngày 17/9, để nhanh chóng hồi phục ngành du lịch, tạo công việc làm cho hàng chục nghìn lao động, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã yêu cầu Bộ Du lịch nước này cân nhắc mở cửa trở lại cho du khách quốc tế đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 nhập cảnh vào Campuchia với thời gian cách ly 7 ngày.
Nhà khoa học phát hiện ra virus Ebola khẳng định thế giới đã kiểm soát được căn bệnh này
Virus Ebola đã bị đánh bại, vaccine và thuốc điều trị đã kiểm soát căn bệnh gây chết người này. Đây là tuyên bố của Giáo sư Jean-Jaques Muyembe, người lần đầu tiên phát hiện virus Ebola hơn 40 năm trước.
Bỉ thông báo mở phiên tòa xét xử liên quan loạt vụ khủng bố ở Brussels năm 2016
Ngày 17/9, các công tố viên liên bang của Bỉ cho biết 10 đối tượng bị cáo buộc liên quan đến loạt vụ đánh bom ở Brussels hồi tháng 3/2016 khiến 32 người thiệt mạng sẽ phải ra hầu tòa. Hiện 6 đối tượng trong số này đang bị xét xử ở Pháp do dính líu tới vụ tấn công khủng bố ở Paris vào tháng 11/20
Trong thông báo trên Twitter, người phát ngôn Văn phòng công tố viên liên bang của Bỉ Eric Van Duyse nêu rõ Tòa xét xử lưu động ở Brussels đã yêu cầu 10 đối tượng trên hầu tòa. Phiên tòa tại Bỉ dự kiến diễn ra vào tháng 9/2022 và kéo dài một năm. Đây sẽ là phiên tòa hình sự lớn nhất trong lịch sử nước này.
Tòa án Nam Phi bác đơn kháng cáo án tù của cựu Tổng thống J.Zuma
Ngày 17/9, Tòa án Hiến pháp Nam Phi đã ra phán quyết bác bỏ đơn kháng cáo của cựu Tổng thống Jacob Zuma vì ông không hợp tác trong cuộc điều tra tham nhũng.
Hồi tháng 7, ông Zuma, người đang hồi phục trong bệnh viện sau khi trải qua cuộc phẫu thuật, đã nộp đơn kháng cáo lên tòa án yêu cầu hủy bỏ án phạt tháng tù vì cho rằng phán quyết này là không thể chấp nhận và việc ngồi tù sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, cũng như tính mạng của ông. Tuy nhiên, trong phán quyết được đa số thẩm phán ủng hộ, Tòa án Hiến pháp Nam Phi đã bác bỏ những lập luận trong đơn kháng cáo của ông Zuma.
Bầu cử Duma Quốc gia Nga: Số cử tri bỏ phiếu trực tuyến ở mức rất cao
Ngày 17/9, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử trung ương Nga (SIK), ông Nikolai Bulaev, cho biết số cử tri bỏ phiếu trực tuyến cao hơn so với đăng ký ban đầu và hiện cơ quan này chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nghiêm trọng nào trong cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga.
Tin tặc tấn công hệ thống bỏ phiếu trực tuyến cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga
Hệ thống bỏ phiếu trực tuyến của Duma Quốc gia Nga đã bị tấn công DDoS từ các IP của Mỹ, Đức và Ukraine.
Theo Sputnik, Bộ Phát triển Kỹ thuật số, Truyền thông và Truyền thông Đại chúng của Nga cho biết hệ thống bỏ phiếu trực tuyến của nước này đã bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) từ các địa chỉ IP được đăng ký ở Mỹ, Đức và Ukraine.
Google và Apple gỡ ứng dụng có nguy cơ can thiệp bầu cử Nga
Ngày 17/9, điện Kremlin đánh giá việc các hãng công nghệ Google và Apple gỡ bỏ ứng dụng của nhân vật đối lập Alexei Navalny liên quan cuộc bầu cử tại Nga thể hiện sự tuân thủ luật pháp nước này.