Những người mẹ đặc biệt của trẻ sơ sinh trong đại dịch Covid-19
Sức khỏe - Ngày đăng : :14, 22/09/2021
Khi TP.HCM vào những ngày khốc liệt nhất của đại dịch, ngày 25/8, Trung tâm H.O.P.E thuộc Bệnh viện Hùng Vương được thành lập, đặt tại Trường mầm non Họa Mi 2 (quận 5) từ ý tưởng của Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Đây là nơi chăm sóc những trẻ phải chào đời bất đắc dĩ để mẹ cách ly điều trị Covid-19 và không có người thân đón về nhà.
Ngay tầng trệt là 8 phòng học rộng hàng chục mét vuông của trường được chuyển đổi công năng làm phòng chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ là F0. Mỗi phòng do 2 hoặc 4 bảo mẫu phụ trách, chăm sóc từ 12- bé. Bên trong phòng có trang bị nôi cho bé nằm, bàn tắm cho bé.
Trong số gần 50 bé tại đây, có những bé may mắn được sinh đủ ngày đủ tháng, song những bé kém may mắn hơn do mẹ mắc Covid-19 trở nặng thì bắt buộc phải sinh thiếu ngày, thiếu tháng.
Việc chăm sóc các bé ở đây cực kỳ vất vả, nhưng với bàn tay của những bảo mẫu các bé được chăm sóc, nâng niu chẳng khác nào như chính người mẹ thứ 2 của trẻ. Đây là sự bù đắp cho những thiếu thốn, mất mát mà các bé đã phải xa mẹ, xa gia đình khi mới chào đời.
Bảo mẫu do bệnh viện tuyển dụng dựa trên nhóm bảo mẫu tình nguyện. Trước khi bắt đầu công việc, các bảo mẫu được tập huấn, huấn luyện về cách chăm sóc con trẻ như cách phòng chống sặc sữa, cách cho bé bú, chăm sóc, ru ngủ, tắm…
Các bảo mẫu ở đây xuất thân từ nhiều ngành nghề như giáo viên mầm non, sinh viên, nhân viên văn phòng… Đa phần họ còn rất trẻ và đều dành tình thương yêu vô bờ bến cho các “thiên thần” nhỏ.
Hàng ngày, các bảo mẫu luôn tay, hết tắm cho bé lại đến cho bé bú, vệ sinh, vỗ về khi các bé quấy khóc, theo dõi các biểu hiện khác thường của bé. Cứ thế, mọi việc diễn ra liên tục 12 tiếng mỗi ca, không một chút nghỉ ngơi.
Nguyễn Thị Thu Hằng (26 tuổi) là một trong những tình nguyện viên làm việc ở đây ngay từ đầu. Cô vốn là tiếp viên hàng không nhưng công việc gián đoạn suốt mấy tháng nay. Mặc dù còn độc thân, chưa có kinh nghiệm chăm sóc em bé nhưng cô cùng nhiều tình nguyện viên trẻ khác đã tiếp nhận công việc một cách đầy nhiệt huyết.
"Mỗi ca trực 14 tiếng. Như ca trực này sẽ từ 5h tối tới 7h sáng hôm sau. Các bé còn nhỏ nên luôn phải có người cho bú, thay tã liên tục", Hằng cho biết.
Quỳnh Hoa, một tình nguyện viên tâm sự: "Nhìn các bé chưa được đặt tên, chân vẫn còn đeo thẻ nhận diện được bệnh viện gắn từ lúc mới sinh với thông tin của mẹ, ai cũng thấy thương ghê lắm. Sau vài ngày "làm quen", các "mẹ" căn cứ theo hình thức và tính nết của mỗi bé để đặt các "biệt danh" dễ nhận diện và cũng dựa vào đó có cách thức, chế độ chăm sóc phù hợp".
PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, thời gian qua nhiều sản phụ mắc Covid-19 phải cách ly tập trung, các bé sơ sinh chào đời mà không có người thân chăm sóc. Nhiều thai phụ còn chưa nhìn thấy mặt con.
Vì vậy, Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã kết nối yêu thương bằng cách chụp hình bé, gắn lên thiệp chuyển đến để mẹ vui và là nguồn động lực giúp mẹ sớm khỏi bệnh.
"Chúng tôi cùng các hộ sinh, bảo mẫu đang ngày đêm chăm sóc, nuôi dưỡng các bé bằng tất cả sự yêu thương, để bù đắp phần nào sự thiệt thòi của các bé khi phải xa vòng tay mẹ, xa bầu sữa mẹ nóng ấm khi vừa chào đời.
Những giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ khi nhận được tấm thiệp có hình ảnh của con cũng khiến cho đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi rưng rưng. Chúng tôi cảm nhận hơn ý nghĩa sâu sắc của việc mình đang làm", bác sĩ Tuyết chia sẻ.