“Tái khởi động du lịch” - sự hồi sinh của ngnh du lịch
Kinh tế - Ngày đăng : 08:00, 07/10/2021
An toàn khi mở cửa
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm các doanh nghiệp du lịch gặp vô vàn khó khăn, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, nhiều lao động rời bỏ ngành. Các dự báo hiện nay đều khẳng định, ngành du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng cần nhiều thời gian hơn để phục hồi sau Covid-19, so với những cuộc khủng hoảng trước. Ở thời điểm hiện tại, dịch bệnh Covid-19 ở trong nước cũng như quốc tế vẫn diễn biến phức tạp vì thế ngành du lịch cần bám sát thực tiễn để dự báo các kịch bản, đề ra các kế hoạch thực sự hiệu quả để phục hồi nền công nghiệp không khói.
Nhiều giải pháp kích cầu để du lịch hồi sinh, trong đó hình thức du lịch số đã được các DN đẩy mạnh, và du lịch Việt Nam cũng đang có những sự chuẩn bị để phát triển ngành du lịch khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Không thể phủ nhận việc các DN ngành du lịch đẩy mạnh du lịch số đã đem lại những lợi ích thực tế, đem đến nhiều cơ hội, bao gồm cho cả ngành du lịch nước nhà. Nhưng du lịch số dù hấp dẫn đến đâu cũng không thể thay thế được du lịch thực tế.
Một số nước trên thế giới đã mở cửa du lịch, vì vậy mà ngành du lịch đã bắt đầu phục hồi và bước đầu tăng trưởng. Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) cho biết, hoạt động du lịch trên toàn cầu đã tăng mạnh trong tháng 7/2021 nhờ việc triển khai rộng rãi các chương trình tiêm chủng và nới lỏng hạn chế đi lại. Tuy nhiên, lượng du khách vẫn giảm nhiều so với mức trước đại dịch. Theo báo cáo của UNWTO, khoảng 54 triệu du khách đã thực hiện các chuyến du lịch quốc tế trong tháng 7/2021, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, khi đại dịch COVID-19 trong giai đoạn bùng phát ban đầu. Con số này tăng 58% so với mức tương ứng được ghi nhận vào tháng 7/2020, nhưng vẫn giảm 67% so với mức 164 triệu được ghi nhận vào tháng 7/2019.
Tại Việt Nam, xác định chung sống với dịch bệnh, cùng với đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, du lịch cũng cần từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả du lịch nội địa và quốc tế. Ngày 5/10/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị với các địa phương về "Tái khởi động du lịch". Hội nghị được thực hiện trực tuyến với 13 Sở Du lịch; 12 Sở VHTTDL của 25 địa phương. Hội nghị nhằm tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa Trung ương và địa phương trong quản lý, phục hồi, phát triển du lịch; đặc biệt khi toàn ngành đang chuẩn bị để có thể "Tái khởi động du lịch" trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, sự tích cực, chủ động của các địa phương trọng điểm về phát triển du lịch, trong thời gian gần đây đã khởi động nhiều hoạt động nhằm tái khởi động ngành du lịch. Xác định chung sống với dịch bệnh, cùng với đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, du lịch cũng cần từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả du lịch nội địa và quốc tế. Cần có sự chung tay, nỗ lực chung của các doanh nghiệp, điểm đến, địa phương và cùng với khởi xướng, định hướng của Bộ VHTTDL trong việc: đảm bảo an toàn dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và tái khởi động du lịch.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho cho biết: “Việc chuẩn bị tái khởi động du lịch, thực hiện lộ trình mở cửa an toàn, khôi phục lại hoạt động du lịch với phương châm an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn”. Theo lộ trình, việc tái khởi động du lịch nội địa, trong tháng 10/2021, các địa phương tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19, quy trình đón và phục vụ khách du lịch, tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn. Chuẩn bị phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro.... Xác định điểm đến an toàn; kết nối các điểm đến an toàn và triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông. Triển khai đón khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch. Đánh giá hiệu quả, quy trình bảo đảm an toàn, đúc rút kinh nghiệm.
Tín hiệu vui từ du lịch ở nhiều địa phương
Là địa phương tiên phong trong tái khởi động du lịch nội tỉnh (từ 21/9), Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo an toàn du lịch. Theo ông Phạm Ngọc Thủy (Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh): “Năm 2021 là năm khó khăn của du lịch địa phương. Cuối năm 2020, Sở Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế miễn phí vé tham quan các điểm du lịch như Vịnh Hạ Long, Yên Tử… Tỉnh Quảng Ninh tranh thủ tối đa mọi cơ hội phục hồi hoạt động du lịch, vì vậy bất kỳ thời gian nào có điều kiện là sẽ khôi phục hoạt động du lịch. Từ 21/9 đã khởi động lại du lịch nội tỉnh và đã có lộ trình phục hồi, thu hút khách ngoại tỉnh”.
Tỉnh Ninh Bình cũng đã đảm bảo các tiêu chí an toàn chuẩn bị đón khách du lịch, khôi phục các hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Hiệp hội Du lịch Ninh Bình và Trung tâm Thông tin, Xúc tiến Du lịch (Sở Du lịch) phối hợp tổ chức Chương trình khảo sát các khu điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đảm bảo các tiêu chí an toàn để lựa chọn đề xuất đón khách nội địa giai đoạn 1 (quý IV năm 2021).
Sau nhiều tháng "đóng băng" do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, du lịch Bình Thuận đang tính đến việc mở cửa đón khách trở lại phù hợp với trạng thái bình thường mới. Tại Bình Thuận, hiện ngành "công nghiệp không khói" cũng rất quyết tâm để từng bước khôi phục hoạt động sau một thời gian tạm dừng đón khách và gánh chịu nhiều thiệt hại do tác động tiêu cực của dịch bệnh… Mới đây, sở chức năng đã dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn phòng chống dịch Covid - 19 trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để chuẩn bị các điều kiện mở lại một số hoạt động. Đồng thời tiến hành lấy ý kiến góp ý từ một số sở ngành, địa phương liên quan, tiến tới tham mưu cấp thẩm quyền ra quyết định ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn Bình Thuận.
Tỉnh Đồng Tháp cũng chuẩn bị kế hoạch tái khởi động hoạt động du lịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các khu di tích, điểm du lịch, điểm tham quan cộng đồng và các cơ sở lưu trú du lịch hoạt động trở lại. Tỉnh xác định từng bước giảm thiểu thiệt hại, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lấy lại đà tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Du lịch Việt Nam đang từng bước tái khởi động hoạt động du lịch tại nhiều địa phương, đó là những tín hiệu vui từ ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của đất nước: tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành, các lĩnh vực khác, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại; phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng xanh, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường…Bên cạnh đó, du lịch cũng cần chú trọng đến phát triển du lịch văn hóa gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.