TAND tỉnh Bắc Giang: Vượt qua kh khăn, hon thnh xuất sắc “nhiệm vụ kép”
Ta án địa phương - Ngày đăng : 19:40, /10/2021
Vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Theo đồng chí Lương Xuân Lộc, Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang, đất nước ta nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng bước vào năm 2021 với nhiều thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen. Những tháng đầu năm, trong khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức thi đua, tích cực triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước thì đại dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, diễn biến hết sức phức tạp.
Trong đó, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên bị dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào các khu công nghiệp, toàn tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề và phải quyết định tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp lớn, giãn cách, cách ly, phong tỏa dài ngày đối với hầu hết các địa phương trong tỉnh, chấp nhận những thiệt hại ngắn hạn về kinh tế để chống dịch.
Trong bối cảnh đó, công tác Tòa án ở tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Các luật sư, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng trong và ngoài tỉnh không thể đến Tòa án để làm việc, tham gia phiên tòa; sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành không còn thông suốt; TAND tỉnh Bắc Giang có cán bộ là F1 do tiếp xúc trực tiếp với F0, từ đó nhiều cán bộ công chức (CBCC) trở thành F2 phải thực hiện cách ly; tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án bị ảnh hưởng trầm trọng, khối lượng lớn công việc bị dồn lại vào cuối năm.
Trước tình hình đó, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh Bắc Giang hết sức trăn trở để làm sao tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh các phong trào thi đua, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc “nhiệm vụ kép” - vừa phòng, chống dịch hiệu quả, tuyệt đối không để cán bộ, công chức và người lao động nhiễm bệnh; vừa hoàn thành mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác đề ra trong năm 2021 theo chỉ đạo của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao.
Bằng quyết tâm rất lớn của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức Tòa án hai cấp, công tác Tòa án trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã về đích thành công.
Về công tác chuyên môn nghiệp vụ đã giải quyết 7.341/7.803 vụ, việc, đạt tỷ lệ 94,1%. Trong đó án hình sự giải quyết 1.703 vụ/1.735 vụ, đạt tỷ lệ 98,2%, vượt chỉ tiêu thi đua 8,2%; Các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động giải quyết 5.397/5.803 vụ, việc đạt tỷ lệ 93,0%, vượt chỉ tiêu thi đua 8,0%; Án Hành chính giải quyết được 75/99 vụ, đạt tỷ lệ 75,8%, vượt chỉ tiêu thi đua 10,8%.
Công tác tổ chức cán bộ; Công tác hành chính tư pháp được thực hiện nền nếp; Công tác cải cách tư pháp có nhiều đột phá. Việc chuẩn bị các điều kiện xây dựng Tòa án điện tử được chủ động, khẩn trương thực hiện. TAND tỉnh đã nghiệm thu đưa vào sử dụng hệ thống camera trực tuyến giám sát phiên tòa tại 5 Hội trường của Tòa án tỉnh để kết nối với toàn tỉnh; Đề xuất TANDTC về việc thí điểm xét xử trực tuyến án hành chính, tiến tới xét xử các loại án khác; Đã tổ chức rất thành công phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm do Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh giao (truyền hình trực tuyến tới 11 điểm cầu toàn tỉnh), thành phần tham dự có Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực các huyện, thành ủy, các chức danh tư pháp trong cơ quan tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện.
Đã xét xử 7 vụ án liên quan đến dịch bệnh Covid-19 với các bản án nghiêm minh, có tính răn đe cao. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh trong nhân dân địa phương.
Ngày 29/9/2021, TAND tỉnh Bắc Giang rất vinh dự được đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC và đồng chí Dương Văn Thái, UVBCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, đến thăm, làm việc và kiểm tra việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện xét xử trực tuyến.
Kết quả công tác của TAND hai cấp tỉnh Bắc Giang thời gian qua đã được đồng chí Chánh án TANDTC và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương. Thông qua công tác tòa án đã góp phần đảm bảo giữ gìn an ninh, trật tự, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Bài học kinh nghiệm
Cũng theo Chánh án Lương Xuân Lộc, để đạt được những kết quả nêu trên, đơn vị đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, cần tập trung cao, thường xuyên, kiên trì quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của TANDTC về công tác Tòa án năm 2021; nhất là Nghị quyết số 01-NQ/BCS ngày 4/1/2021 của Ban cán sự Đảng và Chỉ thị số 01/2021/CT-CA ngày 05/01/2021 của Chánh án TANDTC về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2021 và các văn bản lãnh đạo của Chính phủ, TANDTC và tỉnh Bắc Giang về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Căn cứ tình hình thực tiễn, đề ra các chương trình, kế hoạch trọng tâm công tác, trong đó xác định những giải pháp và khâu đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, rõ lộ trình, tiến độ, phân công rõ người, rõ việc, hết sức cụ thể.
Thứ hai, việc phát động các phong trào thi đua được thực hiện chủ động, nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ. Trong đó, đặc biệt coi trọng làm tốt công tác tư tưởng, xác định mục tiêu cao nhất của công tác thi đua để thể hiện bản lĩnh vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh, thi đua để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, qua đó nâng cao vị thế TAND, cơ quan thực hiện “Quyền tư pháp”.
Đã ban hành 01 nghị quyết, 01 chương trình, 8 kế hoạch và 20 văn bản khác nhau để lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, động viên công tác thi đua. Hình thức thi đua đa dạng, theo đợt, theo chuyên đề, cả ngắn hạn và dài hạn. Việc bình xét thi đua được thực hiện nghiêm túc, thiết thực, đúng đối tượng. Do đó, rất nhiều CBCC đã thực hiện ăn nghỉ tại cơ quan với phương châm làm việc “hết việc chứ không hết giờ”; TAND tỉnh đã xin phép cấp có thẩm quyền cho thực hiện cách ly F2 tại cơ quan, tổ chức xét xử vào các ngày nghỉ...
Thứ ba, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đến từng Thẩm phán, Thư ký và CBCC khác trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; hàng tuần nắm bắt tiến độ giải quyết từng vụ việc, đánh giá đâu là khâu yếu để có biện pháp chỉ đạo hiệu quả, sát với thực tiễn. Tập thể lãnh đạo, Ủy ban Thẩm phán thường xuyên hội ý bằng nhiều hình thức linh hoạt để thống nhất quan điểm, nhận thức, đồng hành, định hướng cho Thẩm phán khi gặp khó khăn trong quá trình giải quyết án.
Đối với những việc khó, phức tạp, lãnh đạo đơn vị phải gương mẫu, tiên phong tiếp nhận, giải quyết. Trường hợp cần thiết, lãnh đạo phụ trách lĩnh vực tự mình nghiên cứu từng hồ sơ, đề ra các yêu cầu chi tiết, cụ thể, giúp các Thẩm phán có kế hoạch thực hiện khoa học.
Thứ tư, cần hết sức coi trọng nhiệm vụ xây dựng khối đoàn kết trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Xác định rõ đây là yếu tố mang tính chất then chốt giúp cho các thành viên luôn thống nhất về ý chí, tạo ra động lực to lớn trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bằng nhiều giải pháp, phải luôn tập trung cao trong nhiệm vụ xây dựng sự đoàn kết, nhất trí, đồng sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Thường xuyên quan tâm sát sao đến tâm tư, tình cảm, đời sống của CBCC, người lao động. Kịp thời chia sẻ, động viên CBCC vượt qua khó khăn, giải tỏa tâm tư, định hướng tư tưởng; nhất là trong thời điểm dịch bệnh bùng phát phức tạp trên địa bàn tỉnh.
Cuối cùng là tích cực đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành theo hướng phân công, phân cấp hợp lý, đảm bảo rành mạch giữa quản lý, điều hành hoạt động nội bộ với hoạt động tố tụng. Khơi dậy và phát huy tính chủ động, năng động sáng tạo của cán bộ, công chức và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với từng đơn vị.
Tăng cường phối hợp có hiệu quả với các cơ quan hữu quan trong quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, cung cấp thông tin chính xác, khách quan về hoạt động của các Tòa án.