Vận tải đường bộ bão ha, logistics sẽ phụ thuộc đường sắt?
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 10:27, 01/11/2021
Trong những năm qua, khối lượng hàng hóa luân chuyển của ngành Đường sắt đã tăng lên đạt khoảng gần 4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tỷ trọng ngành này chỉ chiếm 0,3% trong toàn bộ hệ thống vận tải cả nước, con số này còn thấp so với các nước trên thế giới.
Mặc dù hệ thống đường sắt Việt Nam có lịch sử hơn 100 năm, nhưng hiện tại không có tuyến kết nối với các cảng biển quốc tế thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển các dịch vụ vận tải logistics kèm theo.
Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20,9% GDP, đến nay tỷ lệ này đã giảm xuống còn 16 - 17%, mức cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Điều này ảnh hưởng trực tiếp lên giá thành sản phẩm và năng lực cạnh tranh quốc gia, gây nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế liên vùng.
Đường sắt trong các năm qua không được chú trọng đầu tư, không có kinh phí để nâng cấp, xây dựng mới, nguồn kinh phí đầu tư cho ngành chỉ đủ duy trì trạng thái hiện có. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng lạc hậu, từ công nghệ vận hành tàu, cho đến hệ thống nhà ga, điểm tập kết hàng hóa… khiến vận tải đường sắt không thể cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác, dù giá rẻ.
Với ưu điểm là tiện lợi, cơ động và khả năng thích nghi cao với điều kiện địa hình và hiệu quả kinh tế cao nên vận tải đường bộ được lựa chọn nhiều. Vận tải bằng đường bộ có thể chủ động mọi mặt về thời gian, nhưng cũng phải hạn chế lượng hàng cũng như kích thước hàng hóa vận chuyển sao cho đúng tiêu chuẩn được phép.
Kết hợp với vị thế địa hình trải dài và hẹp bề ngang như ở nước ta, theo các chuyên gia vận tải đường bộ chỉ nên đóng vai trò kết nối, phụ trợ. Còn xương sống trong vận tải hàng hóa vẫn cần phát triển lĩnh vực đường sắt, đường biển….
Tuy nhiên, nếu không khai thác được hạ tầng giao thông đường sắt hiệu quả, khó có thể phát triển các ngành công nghiệp nặng, cũng như các ngành công nghiệp khác. Ngành Đường sắt được đầu tư phát triển sớm ngày nào thì sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội sớm ngày đó.
Khi đường sắt phát triển đồng bộ và có liên kết với các loại hình vận tải khác, đường bộ sẽ chỉ còn đóng vai trò kết nối ở các chặng ngắn, sẽ giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng, cắt giảm tối đa thời gian luân chuyển hàng hóa. Điều này giúp cho hệ thống logistics như hệ thống kho bãi, thu gom hàng hóa, các dịch vụ khách hàng… sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc vào đường bộ, dần bám theo trục xương sống là đường sắt.