5 nội dung Quốc hội đề nghị các thnh viên Chính phủ lưu ý thực hiện
Chính trị - Ngày đăng : 13:29, 11/11/2021
Kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sáng nay, Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu và kết luận 5 nội dung và đề nghị các thành viên Chính phủ lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vấn đề lao động việc làm, vấn đề xã hội nói chung, nhất là trong điều kiện bị tác động nặng nề do Covid-19, những định hướng, giải pháp để giảm thiểu thiệt hại; hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển thị trường lao động, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là những vấn đề bức thiết, thu hút sự quan tâm sâu sắc của đại biểu Quốc hội, nhân dân và cử tri cả nước.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chiều qua và sáng nay đã có 32 đại biểu đăng ký chất vấn, 1 ý kiến tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, cơ bản bám sát nội dung chủ đề đã đặt ra, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng và trách nhiệm rất cao đối với đồng bào và cử tri cả nước.
Các đại biểu nêu câu hỏi chất vấn đúng và trúng, nội dung ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống mà người dân, lao động và người sử dụng lao động đang rất quan tâm. Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nắm chắc tình hình, thực trạng, vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, đã trả lời đầy đủ, thẳng thắn và thỏa đáng, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể cho thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư đã tiếp thu, giải trình thêm những ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm qua phần chất vấn đã tập trung và làm rõ thêm những vấn đề cơ bản sau đây.
Thứ nhất, dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát từ ngày 27.4 đến nay đã tác động nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế, việc làm và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó có phần trách nhiệm quản lý nhà nước, hơn 1,3 triệu người dân đã nhiều đợt rời bỏ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam về quê.
Quốc hội đề nghị Chính phủ, các thành viên Chính phủ cần phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đồng thời có giải pháp tổng thể để phục hồi, phát triển thị trường lao động trong cả nước, chú trọng giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm, giải quyết việc làm cho người lao động của các tỉnh, thành khác trong cả nước khi mà người lao động đã trở về quê.
Thứ hai, tiếp tục đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ lao động và người lao động bảo đảm cho mọi người được tiếp cận thuận lợi nhất, nhanh nhất. Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các gói hỗ trợ thiết thực, khả thi đặt trong tổng thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó lưu ý các vấn đề về bình đẳng giới, hỗ trợ người lao động nữ, lao động nhập cư, lao động tự do trong khu vực phi chính thức là những người yếu thế trong xã hội. Lưu ý các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra trong việc thích ứng và thực hiện một số các mô hình sản xuất trong điều kiện đại dịch như những ý kiến đại biểu đã nêu.
Thứ ba, tăng cường công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là bảo trợ xã hội đối với trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, tuyệt đối không để các em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Tiếp tục tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em, nâng cao trách nhiệm, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác trợ giúp xã hội và công tác thiện nguyện.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các địa phương khẩn trương làm rõ vấn đề dư luận quan tâm và dị nghị, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân nếu có sai phạm và tiêu cực trong lĩnh vực này, đồng thời tiếp tục hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Thứ tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc như đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chính sách xã hội hóa về bảo trợ xã hội, tình trạng người lao động bán sổ bảo hiểm xã hội, chính sách tiền lương đối với những nhóm đối tượng có mức lương thấp, nghỉ hưu trước năm 1995, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… đặt trong bối cảnh tác động nặng nề của dịch Covid-19.
Thứ năm, đề nghị Chính phủ trước thực trạng lao động hiện nay do tác động của đại dịch Covid-19 chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu tổng thể việc sắp xếp, phân bố lại dân cư, lao động trong phạm vi cả nước gắn với xây dựng, bảo đảm nhà ở, cơ sở vật chất, các thiết chế y tế, giáo dục, văn hóa cho người lao động nhằm phát triển thị trường lao động bền vững, tiếp tục củng cố quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.