Hội đồng thẩm định sẽ phải chịu trách nhiệm trong quá trình thẩm định sách giáo khoa
Giáo dục - Ngày đăng : :40, 11/11/2021
Mở đầu buổi chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) đã hỏi về các bộ sách giáo khoa Khoa học tự nhiên, Tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có một số bài học thiếu tính khoa học, thiếu tính giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, liên quan đến các sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 6, khi có các ý kiến hội đồng chuyên môn của Bộ đã trao đổi với các tác giả và đã tiến hành kịp thời việc điều chỉnh, sửa chữa nội dung và các nội dung đó đã được điều chỉnh trước khi sách được in và chuyển đến tay cho học sinh.
“Còn về lâu dài, Bộ đang tiến hành điều chỉnh quy trình, điều kiện để đảm bảo cho sách giáo khoa trong thời gian sắp tới có chất lượng ngày càng cao hơn”, bộ trưởng cho biết.
Còn theo ý kiến của đại biểu Trần Công Phàn (Đoàn tỉnh Bình Dương), về vấn đề giải pháp đối với các vấn đề của sách giáo khoa, Bộ trưởng Sơn cho hay: “Lúc này quan trọng nhất là chúng ta làm gì để tăng cường chất lượng của các bộ sách giáo khoa trong thời gian sắp tới.
Để có được một bộ sách giáo khoa thực sự chất lượng cần rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố về con người soạn là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Tiếp đó là quy trình biên soạn, là việc tổ chức thẩm định, là việc dạy thực nghiệm, là việc lấy ý kiến của các đối tượng liên quan khác nhau. Hiện Bộ GDĐT đang làm rất ráo riết".
Thời gian vừa qua là sửa đổi Thông tư 33, thông tư quan trọng quy định về biên soạn và thẩm định xuất bản sách giáo khoa. Văn bản này đang gửi lấy ý kiến trên mạng. Trong đó chủ trương là không đợi các tác giả, các nhóm, các nhà xuất bản mang bản mẫu đến thì bộ tổ chức thẩm định mà bộ chủ trương là có giám sát, đồng hành cùng các nhóm tác giả ngay từ đầu.
“Mặc dù xã hội hóa sách giáo khoa nhưng cần có sự giám sát toàn bộ quá trình, sự đồng hành của lực lượng quản lý chứ không chỉ phó thác cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả.
Bộ cũng sẽ nâng cao các yêu cầu, các tiêu chuẩn của các thầy cô, các nhà khoa học khi tham gia biên soạn sách. Các tổ chức, cá nhân cần phải đăng ký trước cũng giống như đăng ký kinh doanh”, Bộ trưởng Sơn nói.
Hội đồng thẩm định cũng sẽ có thêm một yêu cầu, toàn bộ Hội đồng thẩm định sẽ được ghi tên vào các cuốn sách giáo khoa và phải cùng chịu trách nhiệm.
Đồng thời, lực lượng quản lý cần phải theo sát, giám sát và hỗ trợ toàn bộ chứ không phó thác cho các tổ chức và cá nhân trong quá trình làm thì mới có thể tăng cường chất lượng của sách giáo khoa.
Cũng trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu liên quan đến vấn đề biên soạn sách giáo khoa, Bộ trưởng Sơn cho hay: “Sách giáo khoa chúng ta đang biên soạn và sử dụng để phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, so với sách giáo khoa trong chương trình cũ trước đây là có sự khác nhau về tính chất, về cách thức sử dụng”.
Sách giáo khoa bây giờ được xem là học liệu. Tuy nhiên quan điểm của Bộ thì bất kỳ tài liệu nào dù là học liệu mà được đưa vào giảng dạy trong nhà trường cũng phải đạt chuẩn mực của tính khoa học và tính sư phạm, dẫu đó là pháp điển hay là tài liệu thì cũng đều cần phải chuẩn mực.
“Chủ trương của chúng tôi là cố gắng để có các sản phẩm sách giáo khoa tốt nhất”, Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng nói thêm: “Còn việc tài liệu đó về mặt khoa học đúng sai thì trách nhiệm thuộc về Hội đồng thẩm định quốc gia. Tuy nhiên trong Thông tư 33 trước, không nêu tỷ lệ thực nghiệm là bao nhiêu phần trăm, mà chỉ nêu trong hồ sơ đệ trình nộp có mô tả minh chứng về việc thử nghiệm.
Trong việc sửa Thông tư 33 để nhằm tăng cường chất lượng, chúng tôi có nêu cụ thể tối thiểu là 10%, %, 20% cho các sách giáo khoa với các dung lượng đặc điểm khác nhau. Việc này còn đang để xin ý kiến và ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu tôi nghĩ cũng là một trong các ý kiến quan trọng, chúng tôi sẽ xem xét trong quá trình hoàn thiện thông tư này trước khi ký ban hành”.