Việt Nam tiếp tục được bầu vo Hội đồng chấp hnh UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025
Chính trị - Ngày đăng : 07:40, 18/11/2021
Ngày 17/11, trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 tại Paris (Pháp), Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021-2025
Với số phiếu rất cao, 163/178, tương đương với 92%, đây là lần thứ năm Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO
Theo ông Mai Phan Dũng, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, thuộc Bộ Ngoại giao, đồng thời là trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41, việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO.
Ông Mai Phan Dũng cho biết đây là kết quả của đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, đồng thời là kết quả của quá trình triển khai bài bản và đồng bộ kế hoạch ứng cử trong những năm vừa qua.
Trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 cho rằng việc trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành là cơ hội tốt để Việt Nam thể hiện “trách nhiệm kép” trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, tận dụng các ý tưởng, sáng kiến của UNESCO phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước một cách bền vững, đồng bộ và toàn diện. Đồng thời, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp thực chất vào các vấn đề quốc tế mà UNESCO đang quan tâm thúc đẩy.
Việt Nam đã từng là thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 1978-1983, 2001-2005, 2009-2013 và nhiệm kỳ 20-2019.
Ông Mai Phan Dũng cho biết trong nhiệm kỳ 2021-2025 này, Việt Nam sẽ đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO trên 5 lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thông tin truyền thông, đồng thời khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam tại UNESCO nói riêng và trên trường quốc tế nói chung, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng, trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Thời gian qua, Việt Nam đã được bầu vào nhiều vị trí quan trọng của Liên hợp quốc, ASEAN, UNESCO… Chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng cử, bầu cử tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Đây là kết quả của quá trình triển khai bài bản, đồng bộ kế hoạch ứng cử trong nhiều năm qua của Việt Nam; là nỗ lực, quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao với các bộ, ngành liên quan cũng như sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan trong và ngoài nước.
Việc Việt Nam trúng cử thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế; là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với những đóng góp của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO.
UNESCO là một trong các tổ chức chuyên môn quan trọng của Liên hợp quốc, phụ trách hợp tác về giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin-truyền thông.
Đây đều là những lĩnh vực nền tảng gắn liền với sự phát triển quốc gia và góp phần vào gìn giữ hòa bình trong khu vực và trên thế giới.
Trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành là cơ hội tốt để Việt Nam thể hiện “trách nhiệm kép” của Việt Nam trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, tận dụng các ý tưởng, sáng kiến của UNESCO phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước một cách bền vững, đồng bộ và toàn diện.
Đồng thời, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp thực chất vào các vấn đề quốc tế mà UNESCO đang quan tâm thúc đẩy.
Hội đồng Chấp hành gồm 58 thành viên, là cơ quan điều hành quan trọng của UNESCO, chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và ngân sách của tổ chức, bỏ phiếu chọn ứng cử viên Tổng Giám đốc UNESCO để Đại hội đồng UNESCO thông qua.
Được thành lập vào tháng 11/1945 và chính thức đi vào hoạt động năm 1946, UNESCO là một trong những tổ chức chuyên môn lớn nhất của LHQ, có nhiệm vụ thắt chặt sự hợp tác giữa các nước trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa nhằm đảm bảo hòa bình và tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, theo tinh thần Công ước của tổ chức này.
Hiện UNESCO có 193 quốc gia thành viên và 11 thành viên liên kết.
Ngoài trụ sở chính tại Paris (Pháp), UNESCO còn có hơn 50 văn phòng, viện hay trung tâm trực thuộc tại nhiều nơi trên thế giới.