Thủ tướng: Kiên trì phấn đấu, khng để nền kinh tế bị đổ gãy
Chính trị - Ngày đăng : 22:20, 01/04/2020
Thủ tướng: Tiếp tục quyết liệt, kiên trì phấn đấu, không để nền kinh tế bị đổ gãy
Khóa chặt nguồn lây bên ngoài, khoanh chặt ổ dịch bên trong
Nhắc lại chủ trương cách ly trong xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh đây không phải là chuyện “ngăn sông, cấm chợ”, không phải ngăn cấm giao thông, không phải hạn chế sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cần thiết, không phải là dừng các công trình xây dựng mà quan trọng là bảo đảm an toàn cho công nhân, người lao động. Nhắc tới việc vận dụng cho đúng các biện pháp trong Chỉ thị 16, Thủ tướng yêu cầu thực hiện quyết liệt Chỉ thị này.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần lớn của Chính phủ là xác định cần làm quyết liệt hơn nữa để cố gắng, trong vòng 1 tháng tới không để dịch lây lan, bùng nổ.
"Cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng đoàn kết, muôn người như một"; triển khai các chủ trương, biện pháp mà Đảng, Nhà nước đã đề ra trong phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng nói và nhấn mạnh cần tiếp tục “khóa chặt bên ngoài," trừ những trường hợp đặc biệt.
Đi liền với đó là “khoanh lại ổ dịch bên trong” để phát hiện rốt ráo, tìm dấu vết; tiến hành cách ly nghiêm túc, đủ thời gian; điều trị tốt, hạn chế tối đa tử vong do dịch bệnh.
Chỉ đạo trong quý 2, nhiệm vụ hàng đầu là công tác an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu các lực lượng liên quan chú ý bảo đảm an ninh trật tự cho cuộc sống của người dân.
Về tình hình kinh tế xã hội tháng Ba và quý 1/2020, Thủ tướng nhận xét một số địa phương có thành tích tốt hơn như Hải Phòng, Hà Nội, tuy nhiên có địa phương đạt quá thấp như thành phố Hồ Chí Minh. Vấn đề này cần nỗ lực khắc phục trong thời gian tới.
"Tiếp tục quyết liệt, kiên trì phấn đấu, không để nền kinh tế bị đổ gãy," để đạt mức tăng trưởng cần thiết đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng định hướng và gợi ý đẩy mạnh các công cụ kinh tế cần áp dụng trong thời gian này như kích thích tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí và giảm chi tiêu công...
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo có mức hỗ trợ phù hợp cho người lao động, người nghèo, nhất là người yếu thế, mất việc. Như “một chiếc lò xo bật lên," chuẩn bị tinh thần "gánh vác thời cơ, biến nguy thành cơ” để tăng trưởng trong thời gian sớm nhất.
Hỗ trợ 6 nhóm đối tượng trong 3 tháng
Tại cuộc họp, Thủ tướng hoan nghênh EVN và Bộ Công Thương có phương án giảm giá điện và đề nghị tiếp tục giảm giá các mặt hàng thiết yếu khác; không được tăng giá trong thời điểm này.
Về nông nghiệp, Thủ tướng nêu rõ trong thời gian dịch bệnh, an ninh lương thực, bảo đảm lương thực hằng ngày phục vụ cho người dân cần đặt lên hàng đầu. Xuất khẩu lương thực phải có sự kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm trong nước không thiếu lương thực, đồng thời giải quyết vấn đề giá cả cho người nông dân.
Về công nghiệp và xây dựng, Bộ Công Thương tập trung thúc đẩy, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án công nghiệp quy mô lớn. Phát triển mạnh mẽ thị trường thương mại trong nước; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối, bán lẻ, không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà "ngăn sông, cấm chợ", những hành vi vi phạm phải xử lý nghiêm khắc.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương chuẩn bị, xây dựng, trình Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh tại kỳ họp thứ 10 năm 2020, hạn chế việc xin lùi, hoãn, rút ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đẩy mạnh hình thức học trực tuyến và sớm công nhận loại hình đào tạo này; đồng thời thông qua phương án giảm thiểu chương trình học năm nay phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án báo cáo Thủ tướng, Chính phủ về vấn đề này, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất phương án thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp.
Về thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19 và các biện pháp ứng phó dịch. Cùng với cập nhật diễn biến của dịch, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cổ vũ việc thực hiện các nhiệm vụ KT-XH, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tạo đồng thuận xã hội.
Về gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ thống nhất cao dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Thủ tướng ký ban hành theo thẩm quyển.
Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc hỗ trợ: Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19. Không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng. Bảo đảm nguyên tắc cả người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn, trong đó Chính phủ hỗ trợ một phần với mức phù hợp trong khả năng, nguồn lực. Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Về nội dung hỗ trợ, Thủ tướng đề nghị tính toán việc hỗ trợ 6 nhóm đối tượng trong 3 tháng với các mức nêu trong dự thảo Nghị quyết chặt chẽ hơn nhưng phải đúng nguyên tắc hỗ trợ nêu trên.
Về tài chính ngân sách, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền ban hành các giải pháp về mức thuế, phí, lệ phí, lãi suất. Cùng với đó là đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, giảm thiểu chi phí hội nghị, công tác nước ngoài…và đảm bảo đủ kinh phí phòng, chống dịch.
Đối với giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu xử lý hành chính hoặc chuyển vốn đối với những dự án không giải ngân đúng hạn.
Về vấn đề lương thực, cần đảm bảo diện tích sản lượng, cân đối hợp lý giữa các vùng miền; xây dựng kịch bản sản xuất nông nghiệp. Xuất khẩu lương thực phải đảm bảo có kiểm soát chặt chẽ, sao cho đảm bảo trong nước không bao giờ thiếu lương thực nhưng cũng giải quyết vấn đề giá cho người dân.
Cho rằng thị trường bất động sản còn nhiều tiềm năng, là nguồn thu quan trọng của ngân sách, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ, hỗ trợ thị trường, nhất là phân khúc nhà ở xã hội đang có nhu cầu lớn.