Cần giải pháp căn cơ để hạn chế tình trạng NLĐ nhận BHXH một lần
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 08:37, 12/12/2021
Những năm gần đây, tình trạng NLĐ nhận BHXH một lần gia tăng, gây quan ngại cho việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội. Tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, vấn đề này cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Để trả lời nhiều câu hỏi chuyên sâu về vấn đề này ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) đã có những nhận định rất tổng quan và cụ thể.
"Theo số liệu của chúng tôi, số người nhận BHXH một lần ở nước ta luôn ở mức cao và có xu hướng gia tăng. Năm 2006 chỉ có 0.191 người nhận BHXH một lần (chiếm 3,82% số người tham gia BHXH), thì đến năm 2016 tăng lên 665.306 người (chiếm 4,7%) và năm 2020 là 897.000 người (chiếm 5,57%).
So với số người tham gia mới và quay trở lại tiếp tục tham gia BHXH, thì trước năm 2016, bình quân cứ 2 người tham gia thì có 1 người ra khỏi hệ thống BHXH bằng việc nhận BHXH một lần; còn những năm gần đây số nhận BHXH một lần gần bằng số tham gia mới. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên năm 2020 số người nhận BHXH một lần nhiều hơn số người mới tham gia BHXH.
Chế độ BHXH một lần nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu cấp bách của một bộ phận NLĐ mất việc làm, cuộc sống còn gặp khó khăn, bảo đảm ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, tình trạng NLĐ nhận BHXH một lần gia tăng đang đặt ra thách thức rất lớn cho mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW là “từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ và hướng tới BHXH toàn dân”.
Việc nhận BHXH một lần cũng đồng nghĩa với việc NLĐ tự rời bỏ hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia và hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất. Đây là thực trạng đáng báo động trong việc đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ, khiến họ không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già."
Nói về nguyên nhân tình trạng gia tăng số NLĐ nhận BHXH một lần dù biết rất rõ ràng sẽ mất đi cơ hội hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già. Ông Quảng cho biết:
"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NLĐ chọn nhận BHXH một lần. Trước tiên, phải kể đến điều kiện thu nhập, đời sống của NLĐ hiện nay còn quá khó khăn. Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, hầu hết NLĐ có thu nhập vừa đủ hoặc phải hết sức tằn tiện, phải làm thêm giờ mới có thể đủ trang trải cuộc sống, “ráo mồ hôi là hết tiền”, chỉ có trên % NLĐ làm việc có tích lũy. Cuộc sống quá khó khăn, nên khi phải nghỉ việc hầu hết NLĐ buộc phải lựa chọn nhận BHXH một lần để có khoản tiền lo sinh hoạt trước mắt. Đây là sự lựa chọn mà không phải NLĐ nào cũng mong muốn. Trong lúc đó, tình trạng nhiều DN tìm cách sa thải NLĐ trên 35 tuổi để giảm thiểu chi phí, khiến những NLĐ này khó tìm việc ở khu vực kinh tế chính thức.
Bên cạnh đó, phải thẳng thắn thừa nhận, hệ thống chính sách BHXH hiện nay của nước ta chưa linh hoạt, nên chưa thu hút được đông đảo NLĐ gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH. Theo quy định hiện hành, NLĐ muốn hưởng chế độ hưu trí phải có ít nhất 20 năm đóng BHXH và đảm bảo tuổi đời theo quy định; trong khi tuổi đời của số đông NLĐ khi nghỉ việc còn trẻ, nên họ không thể chờ đợi đóng đủ 20 năm để được hưởng chế độ hưu trí.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do NLĐ không nắm rõ quy định và lợi ích của các chế độ BHXH. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách về BHXH còn những hạn chế nhất định.
Thời gian qua, không ít cơ quan truyền thông, với mục đích vận động cho chính sách nâng tuổi nghỉ hưu, đã thông tin không chính xác về khả năng “mất cân đối quỹ BHXH” làm cho NLĐ không yên tâm, nên khi có cơ hội là muốn “hưởng trước cho chắc”. Ngoài ra, cũng phải kể đến các quy định pháp luật về BHXH một lần khá dễ dàng cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng số NLĐ nhận BHXH một lần."
Để đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục những tồn tại của chính sách BHXH, qua đó tăng tính hấp dẫn để NLĐ chủ động tham gia và gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH, trước hết cần phải hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH theo hướng đồng bộ, toàn diện. Bởi chế độ BHXH một lần có liên quan chặt chẽ đến các chế độ BHXH khác, nhất là chế độ hưu trí.
Vì vậy, hệ thống BHXH cũng phải được hoàn thiện theo hướng “linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế”; tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí; giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng- hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác; hoàn thiện chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH.
Bên cạnh đó, cần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện lao động cho NLĐ. Về tổng thể, việc này được coi là giải pháp căn cơ và mang tính bền vững nhất đúng theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC, LLVT và NLĐ trong DN.
Cùng với đó, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách BH thất nghiệp, chính sách việc làm. Cụ thể, cần chú trọng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ NLĐ và DN duy trì việc làm; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của NLĐ về chính sách BHXH; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về BHXH; cải cách TTHC nhằm tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHXH.