Tin vắn thế giới ngy 11/1: Chuyên gia WHO dự báo đại dịch COVID-19 sắp kết thúc
Chuyển động - Ngày đăng : 08:03, 11/01/2022
Chuyên gia của WHO dự báo đại dịch COVID-19 sắp kết thúc
Đặc phái viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) David Nabarro ngày 10/1 phát biểu trên kênh truyền hình Sky News (Anh) nhận định: “Tôi e rằng chúng ta đang chạy marathon, nhưng chưa thể nói rằng chúng ta đã đi gần đến đích. Chúng tôi thấy rằng sự kết thúc (của đại dịch) không còn xa nữa. Trước khi đạt được kết quả đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với một số đợt gia tăng đột biến (về số ca mắc mới COVID-19)”.
Theo chuyên gia của WHO, “virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục phát triển” và những biến thể mới sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Các đợt bùng phát có thể xảy ra sau mỗi 3-4 tháng do sự xuất hiện của các biến thể mới.
Chuyên gia cảnh báo làn sóng COVID-19 thứ ba tại Indonesia
Trong bối cảnh các trường hợp nhiễm biến thể Omicron tăng liên tiếp trong ba tuần qua, các chuyên gia Indonesia cảnh báo về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này. Các chuyên gia tại Indonesia cho rằng Omicron đã lây lan trong cộng đồng mạnh hơn dữ liệu chính thức, có thể dẫn đến làn sóng lây nhiễm thứ ba tại nước này.
Chuyên gia Mỹ nhận định COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu vào cuối năm 2022
Tiến sĩ Ezekiel Emanuel, chuyên gia từng làm việc tại một ban cố vấn về dịch bệnh COVID-19 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã đưa ra nhận định nêu trên vào ngày 9/1, bất chấp việc Mỹ liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao trong thời gian gần đây.
Anh mở chiến dịch tuyên truyền kêu gọi thai phụ tiêm vaccine ngừa COVID-19
Ngày 10/1, Anh bắt đầu tiến hành chiến dịch tuyên truyền mới trên các đài phát thanh và mạng xã hội nhằm hối thúc thai phụ chưa tiêm, hoặc tiêm chưa đủ liều cơ bản hoặc chưa tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 đi tiêm càng sớm càng tốt.
Campuchia kêu gọi nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19 tiêm mũi vaccine thứ 4
Ngày 10/1, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã kêu gọi những người thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao ở thủ đô Phnom Penh tiêm mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 trong bối cảnh chiến dịch tiêm mũi vaccine thứ 4 bắt đầu được triển khai tại nước này từ ngày 14/1 tới.
Pfizer nộp hồ sơ lên EMA xem xét cấp phép sử dụng thuốc điều trị COVID-19
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 10/1 đã tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép sử dụng thuốc điều trị COVID-19 có tên gọi Paxlovid do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ sản xuất.
EMA cho biết cơ quan này sẽ có đánh giá toàn diện về biệt dược này. Dự kiến, quy trình đánh giá sẽ diễn ra trong vài tuần.
Trung Quốc gấp rút phát triển vaccine mRNA phòng COVID-19
Trung Quốc đã tiêm 2,8 tỷ liều vaccine virus bất hoạt cho 1,2 tỷ người. Nhưng quyết định phong toả 13 triệu cư dân ở Tây An có thể cho thấy sự thiếu tin tưởng đối với các mũi tiêm nội địa. Lúc này cuộc đua phát triển vaccine mRNA đang được gấp rút tiến hành.
Mỹ siết chặt quy định tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong bối cảnh 40 bang tại Mỹ ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 lên tới ngưỡng đỉnh, nước này đã siết chặt quy định tiêm vaccine phòng virus SARS-CoV-2.
Theo đó, quy định của liên bang yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất hay doanh nghiệp có ít nhất 100 nhân viên phải tiêm vaccine chính thức có hiệu lực từ ngày 10/1 và những ai không muốn tiêm vaccine phải đưa ra kết quả xét nghiệm hàng tuần.
Indonesia cấp phép sử dụng 5 loại vaccine cho chương trình tiêm phòng tăng cường
Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) đã chính thức cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) các loại vaccine của các hãng Pfizer, Moderna (Mỹ), AstraZeneca (Anh-Thụy Điển), Sinovac và vaccine Zifivax (của Trung Quốc) trong chương trình tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19.
Phát biểu họp báo ngày 10/1, Giám đốc BPOM, bà Penny K Lukito, cho biết các loại vaccine trên có thể được sử dụng để tiêm cùng loại hoặc tiêm kết hợp. Cụ thể, vaccine của Sinovac, Pfizer, AstraZeneca được sử dụng cho người đã tiêm các mũi cơ bản cùng loại trước đó. Vaccine của Moderna có thể sử dụng cho người đã tiêm hai mũi cơ bản cùng loại này hoặc tiêm kết hợp, trong khi vaccine Zifivax do công ty Dược phẩm sinh học Anui Zhifei Longcom của Trung Quốc sản xuất chỉ được sử dụng để tiêm kết hợp.
Israel gia hạn quy định 'Thẻ Xanh'
Chính phủ Israel ngày 10/1 đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng các quy định về chứng nhận tiêm phòng COVID-19 (Thẻ Xanh) đến ngày 1/2 tới, đồng thời siết chặt việc kiểm tra tại các địa điểm công cộng trong nhà.
Theo đó, các trung tâm thương mại và cơ sở kinh doanh có diện tích trên 100 m2 sẽ chỉ được sử dụng tối đa 1/ sức chứa; diện tích dưới 100 m2 sẽ chỉ được tiếp nhận số khách hàng tương đương 1/7 sức chứa. Mọi người dân sẽ tiếp tục đeo khẩu trang bắt buộc trong không gian kín nơi công cộng.
Israel: Khuyến nghị lấy thêm mẫu dịch họng khi xét nghiệm nhanh COVID-19
Ngày 10/1, Giám đốc Dịch vụ y tế công thuộc Bộ Y tế Israel, Sharon Alroy-Preis khuyến nghị những người tự xét nghiệm COVID-19 nên lấy cả dịch họng và dịch mũi bằng các bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên để tăng khả năng phát hiện biến thể Omicron.
Thái Lan phát miễn phí 1 triệu bộ xét nghiệm nhanh
Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul ngày 10/1 đã chỉ thị các cơ quan y tế phát miễn phí các bộ dụng cụ tự xét nghiệm trên cả nước. Bộ trưởng Anutin cho biết các bộ xét nghiệm này sẽ được phân phối chủ yếu tại những cộng đồng đông dân cư, gần chợ và bến giao thông công cộng.
Đức thêm 40 quốc gia vào danh sách khu vực rủi ro cao
Trong số hàng chục quốc gia bị xếp vào khu vực có nguy cơ cao do COVID-19 có cả các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi như Thụy Điển, Luxembourg, Iceland, Estonia, Israel, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Argentina, Jamaica, Bahamas, Australia, Ghana, Kenya và Zambia...
Bắc Kinh yêu cầu người dân không đến gần các phương tiện của Olympic Mùa đông 2022
Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã kêu gọi người dân tránh xa tất cả các phương tiện của Thế vận hội mùa đông, thậm chí không giúp đỡ nếu có tai nạn xảy ra. Cụ thể, Cục Quản lý giao thông của thành phố Bắc Kinh thông báo tất cả người dân không may va chạm với phương tiện của đoàn xe chở vận động viên, huấn luyện viên và quan chức của Thế vận hội, không nên yêu cầu lái xe và hành khách xuống xe. Thay vào đó, họ phải đợi lực lượng chức năng đến hiện trường.
Tổng thống Nga: Khủng hoảng Kazakhstan bị sao chép từ ‘cách mạng Maidan’ Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định các vụ bạo loạn ở Kazakhstan là một hình thức gây hấn nhằm chống lại nhà nước này, tương tự chiến thuật từng được sử dụng ở Ukraine vào năm 2014.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ngày 10/1, Tổng thống Putin cho biết các binh sĩ của hiệp ước phòng vệ lẫn nhau này đang nỗ lực đảm bảo an ninh cho Kazakhstan, sau khi các nhóm vũ trang chiếm được một số cơ sở trọng yếu cũng như kiểm soát thành phố Almaty.
Tổng thống Kazakhstan tuyên bố ngăn chặn thành công âm mưu đảo chính
Ngày 10/1, trong bài phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các nước thuộc CSTO, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cáo buộc các tay súng có vũ trang đã tìm cách trà trộn vào nhóm biểu tình với mục đích làm suy yếu trật tự hiến pháp, phá hoại các cơ quan chính phủ và chiếm quyền. Theo nhà lãnh đạo Kazakhstan, đây là một âm mưu đảo chính.
Taliban lần đầu tiếp xúc với liên minh đối lập
Theo AP, các nhà cầm quyền Taliban của Afghanistan đã tiến hành hội đàm với lãnh đạo cấp cao của liên minh chống Taliban tại Iran vào cuối tuần qua.
Trong một video được công bố vào ngày 10/1, Ngoại trưởng được Taliban chỉ định Amir Khan Muttaqi cho biết trong cuộc họp, các lãnh đạo liên minh chống Taliban được thông báo họ có thể trở về Afghanistan và được cam kết đảm bảo an toàn. Người phát ngôn của Taliban, Bilal Karimi khẳng định Taliban đang cố gắng đảm bảo tương lai của đất nước dành cho tất cả mọi người.
Nước Anh hướng tới Đại lễ 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II
Làm bánh pudding và trồng cây là hai trong chuỗi hoạt động mà người dân Anh có thể tham gia hướng tới chào mừng Đại lễ Bạch kim (Jubilee) kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II, với đỉnh điểm là “ngày cuối tuần kỷ niệm bom tấn” vào tháng 6/2022.
Tòa án Myanmar ra phán quyết mới với bà Aung San Suu Kyi
Ngày 10/1, một tòa án quân sự tại Myanmar đã kết án 4 năm tù đối với bà Aung San Suu Kyi với cáo buộc bà phạm 3 tội danh.
Truyền thông địa phương đưa tin, tòa cho rằng bà Aung San Suu Kyi, 76 tuổi, phạm các tội gồm nhập khẩu và sở hữu bất hợp pháp các máy thu và phát vô tuyến cũng như vi phạm quy định phòng dịch COVID-19. Người phát ngôn của chính quyền quân sự tại Myanmar, Thiếu tướng Zaw Min Tun, đã xác nhận các thông tin trên.
Lãnh đạo cơ quan tình báo quốc phòng Đan Mạch bị bắt do nghi rò rỉ thông tin tuyệt mật
Ngày 10/1, kênh truyền hình DR của Đan Mạch đưa tin người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch, ông Lars Findsen đã bị tạm giam do dính líu đến vụ rò rỉ thông tin "tuyệt mật".
Theo DR, ông Findsen là một trong 4 nhân viên đương nhiệm và cựu nhân viên thuộc 2 cơ quan tình báo của Đan Mạch bị bắt hồi tháng 12/2021 vì làm rò rỉ thông tin tuyệt mật. Ba trong số những đối tượng này đã được thả sau đó, song vẫn đang nằm trong diện điều tra.
Chính phủ mới của Hà Lan nhậm chức
Ngày 10/1, chính phủ liên minh của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã nhậm chức với cam kết sẽ chi nhiều hơn cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và dịch COVID-19.
Lễ nhậm chức diễn ra sau khi 4 đảng trong liên minh cầm quyền đạt được thỏa thuận về thành lập chính phủ - tiến trình kéo dài 10 tháng kể từ khi diễn ra cuộc tổng tuyến cử vào tháng 3/2021.
LHQ thúc đẩy đối thoại giải quyết khủng hoảng chính trị tại Sudan
Phái bộ LHQ tại Sudan ngày 10/1 thông báo tiến trình tham vấn sẽ bắt đầu với mục tiêu triển khai đàm phán trực tiếp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kể từ sau vụ đảo chính xảy ra ở nước này hồi tháng 10/2021.
Đặc phái viên LHQ tại Sudan - ông Volker Perthestại tại buổi họp báo ở thủ đô Khartoum cho hay những cuộc thảo luận sẽ bắt đầu bằng hình thức tham vấn cá nhân, với mục tiêu chuyển hướng sang giai đoạn thứ hai của đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp giữa các bên tại Sudan.
Chính phủ Mali đáp trả các biện pháp trừng phạt của ECOWAS
Người phát ngôn Chính phủ Mali - ông Abdoulaye Maiga ngày 10/1 tuyên bố Bamako có quyền đáp trả “các biện pháp trừng phạt đáng tiếc” do Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) áp đặt đối với nước này. Ông Maiga xác nhận Mali đã quyết định triệu hồi đại sứ tại các quốc gia thành viên khác của ECOWAS, đồng thời đóng cửa biên giới trên bộ và trên không đối với các nước liên quan.
Thương hiệu xe sang Rolls-Royce đạt doanh số kỷ lục
Ngày 10/1, tập đoàn sản xuất ô tô hạng sang Rolls-Royce của Anh công bố mức doanh thu năm 2021 cao kỷ lục trong bối cảnh ngành ô tô ở Anh nói riêng và trên toàn cầu nói chung đang điêu đứng vì thiếu hụt chất bán dẫn do tác động của đại dịch COVID-19.
Lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính tăng lên mức kỷ lục trong năm 2021
Lượng khí CO2 và methane phát thải trong khí quyển đã lên mức cao kỷ lục trong năm 2021 - một trong những năm nóng nhất trong lịch sử và thực tế này một lần nữa nhấn mạnh đến vấn đề cấp thiết cần có hành động để tránh tái diễn tình trạng này.
Theo báo cáo của Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU - C3S) công bố ngày 10/1, năm 2021 là năm có nhiệt độ cao kỷ lục thứ 5, với nhiệt độ trung bình cao hơn nhiệt độ giai đoạn những năm 1850 đến 1900, khoảng 1,1 đến 1,2 độ C.
Bụi mịn bao phủ phần lớn Hàn Quốc
Ngày 10/1, bụi mịn đã bao trùm nhiều vùng của Hàn Quốc. Nhà chức trách cho biết nguyên nhân hiện tượng này là do áp suất khí quyển cao ở phía Tây khiến không khí bị ứ đọng.