Quý I/2022, ngnh thép nhập siêu 800 triệu USD
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 13:49, 23/04/2022
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa công bố Báo cáo về tình hình thị trường thép Việt Nam quý I/2022 với nhiều thông tin tích cực về hoạt động sản xuất và tiêu thụ thép các loại.
Theo VSA, quý I/2022, tăng trưởng GDP vượt mốc 5%, cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi và những nỗ lực của cả hệ thống chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I/2022 tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, ngành xây dựng tăng 2,57%, thấp hơn tốc độ tăng 6,53% của cùng kỳ 2021.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh thép I/2022 ghi nhận những tín hiệu tích cực, trong đó, sản xuất thép thành phẩm đạt 8,456 triệu tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 8,137 triệu tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tiêu thụ thép tăng, phục vụ các dự án đầu tư công và xây dựng dân dụng, các dự án cơ sở hạ tầng cũng thúc đẩy nhập khẩu gia tăng. Riêng tháng 3/2022, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam đạt 1,1 triệu tấn với kim ngạch đạt 1,14 tỷ USD, tăng 23% về lượng và tăng 22,36% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế hết tháng 3, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 3 triệu tấn với trị giá hơn 3,1 tỷ USD, giảm 18,04% về lượng nhưng tăng 18,84% về trị giá.
Ở chiều xuất khẩu, riêng trong tháng 3, xuất khẩu thép có sự phục hồi mạnh mẽ, đạt 956.000 tấn, tăng 75,41% so với tháng trước nhưng giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 908,63 triệu USD, tăng 71,87% so với tháng 2/2022 và tăng 1,05% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng cộng 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2,275 triệu tấn thép, trị giá 2,3 tỷ USD, giảm 22,% về lượng và tăng 12,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, hết quý 1, nhập siêu ngành thép là 800 triệu USD.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong quý I/2022 tập trung vào các khu vực ASEAN (40,57%), khu vực EU (19,32%), Hoa Kỳ (8,34%), Hàn Quốc (6,97%) và Hồng Kông - Trung Quốc (3,91%).