Gần 9.400 nhân viên y tế xin thi việc, bỏ việc trong 1,5 năm
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:, 05/07/2022
Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo báo cáo của các địa phương giai đoạn năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.
Trong đó, riêng năm 2021 con số này là hơn 5.200, và 6 tháng đầu năm 2022 là 4.113 (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 người công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).
Một số tỉnh, thành phố có số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc cao như: TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…
Tuần trước, Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết năm 2021, toàn ngành y tế Hà Nội có 532 người xin nghỉ việc, 82 người xin chuyển công tác và từ tháng 1/2022 đến 30/4/2022, đã có 226 người nghỉ việc, 17 người xin chuyển công tác.
Phân tích nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay, có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do: Thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu.
"Bên cạnh đó là áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay. Bình thường đã rất nhiều việc, khi chống dịch lại càng nhiều việc, khi hết dịch lại phát sinh nhiều việc khác, cộng với các công việc thường xuyên, các công việc tồn đọng. Đặc biệt, môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng", ông Tuyên chỉ rõ.
Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua...
Trước tình trạng này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%; Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.
Đồng thời, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ để hướng dẫn việc tổ chức các trạm y tế theo quy mô dân số theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị; chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác y tế; huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế...
"Ngành y là ngành chịu nhiều áp lực, lương bổng lại thấp nên nhiều người kiệt sức, stress, cuộc sống khó khăn, đi tìm việc khác thanh thản mà thu nhập đủ sống.
Tôi được biết, đa số nhân viên y tế không phải làm 8 tiếng mà 10 tiếng, 12 tiếng mỗi ngày. Cá biệt có bác sĩ làm 20 tiếng mỗi ngày, vô cùng mệt mỏi...
Bộ Y tế phải gấp rút đề xuất một cái chính sách phù hợp đặc biệt là khi có dịch. Đây không phải là "đãi ngộ" mà là sự công bằng về tiền lương. Người ta làm việc 8 tiếng khác mà làm 12 tiếng, 20 tiếng phải khác.
Trước trực 1 tuần 1-2 buổi khác, mà nay gần như đêm nào cũng phải trực thì khác. Chính sách bao gồm nhiều thứ: lương, chế độ trực, chế độ phụ cấp, chế độ độc hại rồi chính sách bồi dưỡng, nâng cao..
GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội, Nguyên Giám đốc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
"Thực trạng nhân viên y tế rời đi khỏi bệnh viện công cấp thiết phải xem xét cải tổ, đổi mới ngành y tế, đặc biệt các vấn đề pháp lý, quy chế, luật định để các bệnh viện có hoạt động tốt hơn, chất lượng cao hơn và thu nhập của nhân viên tốt hơn.
Không một ai công việc đang ổn định, mức lương tốt lại rời đi cả. Đó là bài toán khó mà không phải chỉ riêng ngành y tế có thể giải đáp được".
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)