Xét xử trực tuyến đảm bảo tư pháp khng chậm trễ, tiết kiệm chi phí xã hội
Ta tuyên án - Ngày đăng : 16:17, 03/09/2022
Kẻ có 5 tiền án tiếp tục phạm tội
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 19h 30’ ngày 12/4/2022, Tống Thụy Anh điều khiển xe máy đến khu vực Phúc Tân để tìm mua ma túy về sử dụng. Tại trước cửa số nhà 209 Hồng Hà, Thụy Anh có mua 1 gói heroin của một người đàn ông không quen biết với giá 100.000 đồng. Mua xong, Thụy Anh cất gói heroin vào trong cốp xe máy rồi đi tìm nơi sử dụng.
Khi đi đến phố Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, Thụy Anh có gặp bà Vũ Thị Khánh (là bạn của Thụy Anh, bà Khánh nhờ Thụy Anh đèo sang nhà con trai tại Thủ Lệ, Thụy Anh đồng ý. Khi cả hai đi đến ngã tư Liễu Giai - Phan Kế Bính, phường Cống Vị, Ba Đình, đã bị Tổ công tác 141 kiểm tra, thu giữ gói heroin. Việc Thụy Anh tàng trữ 1 gói heroin, bà Khánh không biết.
Theo bản kết luận giám định của cơ quan chức năng, chất bột màu trắng bên trong 1 gói giấy màu vàng là ma túy loại heroin, khối lượng 0,040 gam. Đối với đối tượng bán ma túy cho Thụy Anh, CQĐT đã tiến hành xác minh nhưng không xác định được lai lịch, nên không có căn cứ để điều tra, xử lý.
Tại Cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Tống Thụy Anh khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung bản cáo trạng đã truy tố.
HĐXX nhận định, bị cáo là một công dân có nhân thân xấu, nhiều lần bị xét xử các tội phạm về ma túy, được đưa đi cải tạo nhiều lần song không từ bỏ ma túy mà tiếp tục tái nghiện ma túy rồi đi vào con đường phạm tội. Bị cáo có 5 tiền án, trong đó 2 tiền án năm 2002 và năm 2005 đã được xóa, các tiền án năm 2007 đến năm 2016 chưa được xóa án tích. Do đó, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Tống Thụy Anh 2 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Cùng ngày, TAND quận Ba Đình xét xử trực tuyến với hai vụ án liên quan đến tội phạm ma tuý khác, lần lượt tuyên phạt mức án 30 tháng tù đối với Đặng Vũ Đạt (SN 1981, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) 30 tháng tù với bị cáo Bích Phan Tố Linh (SN 1981, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội".
Xét xử trực tuyến đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp
Theo Phó Chánh án TAND quận Ba Đình, Chủ toạ phiên toà Ngô Thị Vân, thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp. Xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tư pháp không chậm trễ, tiết kiệm chi phí xã hội.
Phó Chánh án TAND quận Ba Đình nhấn mạnh, tổ chức xét xử các phiên tòa theo hình thức trực tuyến trước mắt sẽ mang lại những kết quả như công tác xét xử đã tiếp cận được việc ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng chủ trương, yêu cầu công tác cải cách tư pháp.
Việc thực hiện các phiên tòa trực tuyến bảo đảm không trích xuất bị cáo từ nhà tạm giữ huyện hay tỉnh để tham gia phiên tòa, từ đó tiết kiệm được chi phí trích xuất, dẫn giải và bảo vệ phiên tòa, bảo đảm được thời gian xét xử.
Phó Chánh án Ngô Thị Vân cũng cho biết thêm, cùng với hệ thống Toà án trong cả nước TAND quận Ba Đình cũng khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất phòng xử trang thiết bị đường truyền trực tuyến cố định từ Toà án đến Uỷ ban quận và các trại tạm giam công an của TP Hà Nội.
Mặt khác, đơn vị cũng đang lựa chọn cán bộ công nghệ thông tin có kinh nghiệm vận hành máy móc và cũng luôn chú trọng tới việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ Thẩm phán, Thư ký có kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Xét xử trực tuyến giảm thiểu được dịch bệnh lây lan
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Thẩm phán Nguyễn Thị Nhung, người tham gia xét xử trực tuyến một trong những vụ án nêu trên cho biết, chúng ta đang sống ở thời đại 4.0, khi mà xu thế hội nhập đang là nhu cầu và cũng là xu hướng phát triển. Vì thế, việc xét xử trực tuyến là việc đưa công nghệ gần hơn với bộ máy hành pháp, đưa pháp luật hướng đến sự công khai, minh bạch, gần với người dân hơn.
Những phiên toà trực tuyến có tính an toàn cao cho hội đồng xét xử khi xét xử những vụ án có đương sự phức tạp, rút ngắn thời gian về di chuyển cũng như tiết kiệm được chi phí…
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sau dịch covid – 19, hiện nay dịch đậu mùa khỉ cũng là loại dịch bệnh đáng lo ngại. Vì vậy, việc xét xử trực tuyến cũng giảm thiểu được tối đa của của việc lây lan dịch bệnh.
Theo Thẩm phán Nguyễn Thị Nhung, những vụ án phù hợp cho việc xét xử trực tuyến sẽ tuỳ thuộc vào tính chất của từng vụ án, từng địa phương như: Một vụ án ly hôn đơn giản chỉ có 2 đương sự tham gia cùng cư trú trong 1 địa phương thì việc tổ chức 1 phiên toà trực tuyến là lãng phí.
Nhưng đối với 1 vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng có rất nhiều người liên quan, tài sản thế chấp ở nhiều tỉnh khác nhau, thêm vào đó thời hạn giải quyết tối đa đối với vụ án dân sự có tính chất phức tạp là 6 tháng, để triệu tập được nhiều người tham gia tố tụng như vậy đến phiên toà thì xét xử trực tuyến là phù hợp nhất. Vừa đảm bảo được tiến độ xét xử trong thời hạn luật định, vừa giảm thiểu các chi phí cho người dân đi lại.
Hoặc một vụ án hình sự tại Điện Biên lực lượng bảo vệ phiên toà mỏng, đặc thù của Điện Biên là địa phương có những vụ án mua bán, vận chuyển ma tuý vô cùng phức tạp, tội phạm manh động, sẵn sàng bỏ mạng sống, nhiều bị cáo là người dân tộc sự hiểu biết pháp luật của họ còn rất kém, do vậy việc xét xử trực tuyến đảm bảo thời hạn cũng như có tính an toàn rất cao.