Phiên chất vấn Chánh án TANDTC thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước
Chính trị - Ngày đăng : 16:34, 13/03/20
Chánh án TANDTC trả lời chất vấn tại phiên họp (Ảnh: VOV)
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cơ quan tố tụng
Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự, Hà Nội) nhất trí với 3 giải pháp nhằm làm giảm thiểu án oan sai mà Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã nêu, trong đó, nhấn mạnh tới việc phát huy tốt vai trò của luật sư, người bào chữa trong quá trình tố tụng, từ quá trình tiến hành điều tra tới việc tranh tụng công khai tại các phiên tòa. Thêm vào đó, cần nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan tố tụng bên cạnh việc chứng minh phạm tội, họ còn có trách nhiệm khác là chứng minh không phạm tội.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách, để xảy ra một vụ án oan sai có thể là cả một quá trình liên đới. Một giai đoạn tiến hành bị sai sót sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới tính chính xác của bản chất vụ án. Vì vậy, đòi hỏi tiên quyết là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tố tụng.
Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang bày tỏ, cử tri mong muốn qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn này, Quốc hội sẽ có các văn bản chỉ đạo, về phía Tòa án có các giải pháp cụ thể để hạn chế tình trạng án oan sai; cần nâng cao năng lực, trình độ, đạo đức của Thẩm phán; đặc biệt là đảm bảo hoạt động xét xử phải đúng theo quy định của pháp luật, đó là hoàn toàn khách quan, độc lập.
Theo Luật sư Trần Văn An, một nền tư pháp phát triển đến đâu thì vẫn có oan sai. Oan sai có hai loại. Một loại oan sai do yếu tố khách quan. Loại oan sai thứ hai là do lỗi chủ quan của con người, đó là cố tình làm sai hoặc trong điều kiện có thể làm đúng được nhưng vì tắc trách, không làm hết trách nhiệm nên dẫn đến oan sai. Nền tư pháp chúng ta đặt mục tiêu là phải hạn chế và không để phát sinh oan sai do lỗi chủ quan.Theo Luật sư An, vấn đề con người sâu xa là vấn đề đào tạo, học hỏi kinh nghiệm trong công việc. Vấn đề thứ hai là do lỗi hệ thống, các hoạt động bổ trợ cho công tác tư pháp hiện nay ở nước ta là còn yếu, như hoạt động giám định, trang thiết bị, trình độ khoa học kỹ thuật hình sự, giám định tư pháp, nghiệp vụ còn yếu nên đã đưa ra những kết luận giám định mâu thuẫn nhau và không khớp với thực tế.
Sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp
Tiến sĩ Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Pháp luật hình sự (Viện Nhà nước và pháp luật) đánh giá, phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Chánh án TANDTC là rất cần thiết, thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Hiện nay, rà soát hệ thống pháp luật tố tụng vẫn tìm thấy những quy định "lắt nhắt" gây trở ngại cho quyền tiếp cận công lý. Ví dụ trong Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định người dân khi khởi kiện thì kèm theo đơn khởi kiện phải có giấy tờ chứng minh yêu cầu khởi kiện. Quy định này khiến cho Thẩm phán có thể áp dụng tùy tiện làm khó dễ cho người dân, bởi giấy tờ chứng minh quyền khởi kiện không phải bao giờ cũng có thể nộp ngay cho Tòa án và không biết bao nhiêu là đủ. Các luật sư cũng hay than phiền về thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư và coi đây là thứ "giấy phép con" của các cơ quan tiến hành tố tụng. Thực tế hiện nay, một số quy định về pháp luật hình sự còn nhiều bất cập, thiếu sót, cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Tiến sĩ Lương Thị Mỹ Quỳnh, Giảng viên bộ môn Luật Tố tụng hình sự, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng: Phiên chất vấn có chất lượng cao, Chánh án Trương Hòa Bình đã trả lời thẳng thắn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Để tránh án oan sai, cần khắc phục những hạn chế tồn tại trong Luật Tố tụng hình sự hiện hành. Oan sai xảy ra do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu như quy định của pháp luật về tố tụng hình sự còn thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ và rõ ràng; những quy định liên quan đến bảo đảm quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam chưa đầy đủ nên dễ bị xâm phạm; quy định về giải quyết khiếu nại tố cáo cũng như bồi thường đối với các hành vi oan sai trong tố tụng hình sự còn nhiều bất cập, chồng chéo với các văn bản liên quan.
Hạn chế oan, sai trong tố tụng
Đánh giá cao phiên chất vấn cũng như các lần giám sát thực tế trong thời gian qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các vụ án oan sai, Luật sư Thái Văn Chung, Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp (TP Hồ Chí Minh) đồng tình với nhiều quan điểm chất vấn Chánh án TANDTC khi cho rằng, các vụ án oan, sai được phát hiện hầu hết đều do đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc sự phản ánh của báo chí, chứ không phải từ chính cơ quan tố tụng và Tòa án các cấp.
Để hạn chế oan, sai trong tố tụng, Luật sư Thái Văn Chung cho rằng cần thiết sự có mặt của luật sư ở giai đoạn đầu của điều tra, khởi tố cũng như trong quá trình hỏi cung nhằm hạn chế bức cung, nhục hình, đảm bảo việc khai báo thành thật, minh bạch. Ngoài ra, cần nhanh chóng luật hóa quyền im lặng của bị can, bị cáo. Đối với vai trò của hệ thống Tòa án, cần nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị và đảm bảo nguyên tắc xét xử độc lập. Bản thân Thẩm phán phải xét xử trên các chứng cứ có trong hồ sơ và sự thật khách quan; nếu thấy vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, oan, sai thì phải vững vàng hủy án, trả hồ sơ điều tra lại.
Về vai trò của luật sư trong quá trình xét xử, Luật sư Thái Văn Chung nêu quan điểm, cần tôn trọng quyền bào chữa của luật sư, tăng cường tranh tụng tại tòa.
Còn theo Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang về bồi thường án oan sai, trước đây có Nghị quyết 388 của Quốc hội và nay có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Về cơ bản, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định là tương đối phù hợp, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề như thủ tục quá rườm rà, do đó trong Luật cần được nghiên cứu sửa đổi để đảm bảo quyền lợi cho người bị oan sai.
Vấn đề thứ hai liên quan đến trách nhiệm, lương tâm của người đứng ra giải quyết vụ việc, của cơ quan công quyền, nếu họ không tạo điều kiện giúp đỡ, không có cái "tâm" với những người bị oan sai thì rất có thể dẫn đến tâm lý là đứng về phía đối ngược đối với những người bị bồi thường oan sai. Một bất cập nữa là hiện nay Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa đề cập đến việc bồi thường trong hoạt động tố cáo. Hiện nay ở Bắc Giang có một vụ án khởi kiện ra Tòa ở huyện Việt Yên liên quan đến việc bồi thường phát sinh trong giải quyết việc tố cáo nhưng khó xử lý do chưa có quy định trong Luật.