Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại v thực hnh tiết kiệm, chống lãng phí
Chính trị - Ngày đăng : 14:22, 18/11/2022
Sáng 18/11, tại Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ phát động phong trào thi đua "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".
Sự kiện do Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương tổ chức, tại công trường thi công dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, TP. Tam Điệp, Ninh Bình.
Tham dự có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá và 1.000 công nhân, lao động của dự án đường cao tốc.
Phong trào thi đua là sự kết hợp của 2 nội dung
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng về địa điểm tổ chức phát động thi đua. "Chúng ta ngồi đây nhưng vẫn nghe tiếng máy móc thi công, hoạt động của công nhân trên công trường", Thủ tướng nói. Địa điểm tổ chức tại cố đô Ninh Binh, nơi địa linh nhân kiệt. Đây cũng là nút giao giữa hành lang kinh tế Đông-Tây của tỉnh Ninh Bình, cao tốc do Ninh Bình làm chủ đầu tư kết nối với đường bộ ven biển phía đông; kết nối di sản quốc gia Cúc Phương với đường ven biển, đường Hồ Chí Minh. Địa điểm này là sự kết hợp giữa công trình trọng điểm của Trung ương (cao tốc Bắc-Nam) và công trình trọng điểm của địa phương, kết nối giữa di sản với các công trình khác.
Điểm đặc biệt nữa là phong trào thi đua cũng là sự kết hợp của 2 nội dung: Thứ nhất là phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông - chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhưng hiện còn gặp nhiều khó, còn là điểm nghẽn đối với sự phát triển.
Nội dung này rất quan trọng, rất thiết thực, vừa đúng chủ trương, tầm nhìn, vừa đúng về hành động, nhất là giải quyết nút thắt, điểm nghẽn trong quá trình phát triển kinh tế.
Và nội dung thứ hai là vấn đề "nóng bỏng", còn gây bức xúc đối với người dân, là tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công.
"Một nội dung là yêu cầu khách quan của sự phát triển, một nội dung là giải quyết sự bức xúc của người dân", Thủ tướng nói. Do đó, phong trào thi đua dễ đi vào lòng người. Từ đó, cần nâng cao nhận thức, thống nhất nhận thức, từ nhận thức ra hành động, từ hành động ra hiệu quả, mang lại sự phát triển cho đất nước.
Thủ tướng cho biết thêm, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra là đến năm 2025 cả nước có 3.000 km cao tốc, đến 2030 có 5.000 km. Nhiệm kỳ trước chúng ta dự kiến dành khoảng 165.000 tỷ đồng cho xây dựng cao tốc và giải ngân được 134.000 tỷ đồng. Nhiệm kỳ này chúng ta đã nỗ lực huy động 470.000 tỷ đồng cho các công trình giao thông trọng điểm, từ nhiều nguồn: Đầu tư trung hạn, tiết kiệm chi tăng thu và cắt giảm các công trình chưa cấp thiết (cắt giảm khoảng 5.000 dự án so với nhiệm kỳ trước), chương trình phục hồi kinh tế và kết hợp nguồn vốn Trung ương với địa phương.
Do đó, nội dung của phong trào thi đua thuộc lĩnh vực được đầu tư lớn nhất trong các loại hình đầu tư. Theo Thủ tướng, chúng ta phải cố gắng rất nhiều, bởi khối lượng công việc thời gian tới rất lớn, 10 năm trước cả nước chỉ có hơn 1.000 km cao tốc, trong khi từ nay đến năm 2025 phải có 3.000 km.
Thủ tướng cho rằng, nội dung thứ hai là thực hành tiết kiệm, một nét văn hoá, đạo đức của người Việt Nam. Tiết kiệm phải đi vào tiềm thức con người, đi vào từng công việc cụ thể, giai đoạn cụ thể, vào từng việc rất nhỏ như ra về tắt điện, đi công tác gọn nhẹ nhất, đỡ tốn kém nhất, nhanh nhất có thể, tiết kiệm họp hành để giảm chi phí, đến những việc lớn như làm cao tốc, các công trình trọng điểm, phát triển hạ tầng. Nếu làm chậm tiến độ, kéo dài thì đội vốn, gây lãng phí lớn. Theo Thủ tướng, điểm chung của 12 dự án yếu kém của ngành công thương là kéo dài và đội vốn. "Lãng phí này còn rất lớn, gây bức xúc cho nhân dân", Thủ tướng nhìn nhận. "Chúng ta đã làm được nhiều việc nên nước ta mới có cơ đồ, vị thế, uy tín như ngày nay. Nhưng còn có vấn đề gây bức xúc cho người dân, là tiết kiệm, lãng phí, chống tiêu cực, tham nhũng".
Thi đua yêu nước là sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của đại đoàn kết
Thủ tướng nêu rõ, sau hơn 74 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948), hàng trăm phong trào thi đua yêu nước đã và đang được phát động, tổ chức thực hiện sâu rộng, thiết thực, hiệu quả trên toàn quốc. Đây là động lực tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, huy động có hiệu quả sức người, sức của, tạo nên sức mạnh quần chúng rộng lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thi đua yêu nước dần trở thành truyền thống quý báu, một nét văn hóa đặc sắc, một di sản của dân tộc ta.
Điển hình như các phong trào "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm", "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt", "3 sẵn sàng", "5 xung phong", "3 đảm đang"… đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ hòa bình, các phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"… đã tạo động lực, sự đoàn kết, phát huy nội lực, góp phần thay đổi cuộc sống của nhân dân.
Thủ tướng nhắc lại một phong trào thi đua đặc biệt, ai cũng nhớ tới trong 2 năm qua, khi ngày 9/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn quốc chống đại dịch COVID-19. Và ngày 14/8/2021, vào giai đoạn cao điểm nhất của phòng, chống đại dịch, chúng ta phát động phong trào thi đua đặc biệt cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch. Tinh thần đại đoàn kết, "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" đã góp phần tạo nên chiến thắng đại dịch.
Đến nay, phát triển kinh tế-xã hội của nước ta đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế 9 tháng tăng 8,83%, lạm phát kiểm soát dưới 3%, thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi, làm đủ ăn, xuất đủ nhập, bảo đảm an ninh năng lượng, cung ứng lao động).
Thủ tướng nêu rõ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất".
Thi đua yêu nước là sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của đại đoàn kết, do đó, chúng ta phải thực hiện đồng bộ, khắc phục các mặt hạn chế, như các bất cập thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, tiếp cận vốn cho người dân. Đây là bài học kinh nghiệm khi làm việc gì cũng phải huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp và nhiều biện pháp.
Từ nhận thức, hành động đến hiệu quả là cả quá trình, đòi hỏi phải xuyên suốt, đồng bộ, thống nhất, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp cả nước tập trung thi đua thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành công việc hàng ngày của mỗi tổ chức, người dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Triển khai nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Theo Thủ tướng, khi có hạ tầng giao thông thì sẽ có không gian phát triển mới cho nền kinh tế. Phải rà soát hành lang pháp lý, các cơ chế, chính sách; các hoạt động phải công khai, minh bạch, chống lãng phí. Tập trung thực hiện đầu tư các công trình không được dàn trải, lãng phí. "Làm việc gì dứt điểm việc đó".
Thủ tướng yêu cầu cần coi trọng công tác truyền thông chính sách; mong phong trào thi đua này và các phong trào thi đua trước đây sẽ đi vào lòng người; mỗi cán bộ đảng viên phải nỗ lực làm tốt nhất có thể, bằng những hành động thiết thực, cụ thể.
Thủ tướng mong các bộ, ngành, địa phương sau sự kiện này tiếp tục phát động các phong trào thi đua ở cơ quan, đơn vị, địa phương, làm sao để cả hệ thống chính trị, toàn dân hưởng ứng, thực hiện tốt các phong trào thi đua. "Chúng ta phải có kế hoạch sơ kết hằng năm để đánh giá, nhìn lại những việc đã làm được, những việc chưa làm được để rút kinh nghiệm để năm sau tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau tốt hơn nhiệm kỳ trước; tiếp tục chọn các công trình, công việc để tổ chức phát động thi đua thiết thực, hiệu quả".