Hng trăm nhân viên rời Twitter sau "tối hậu thư" của Musk
Đời sống - Ngày đăng : 12:30, 19/11/2022
Tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk chính thức mua lại Twitter vào tháng 10 năm nay và lập tức có những thay đổi lớn trong quản lý và điều hành mạng xã hội này.
Hàng trăm nhân viên rời Twitter sau "tối hậu thư" của MuskMọi chuyện bắt đầu từ khi ông mua lại 73,5 triệu cổ phiếu của Twitter với giá gần 2,9 tỉ USD.
Thương vụ này được hé lộ vào ngày 4/4, giúp ông nắm 9,2% cổ phần và đẩy giá cổ phiếu Twitter tăng vọt với tin đồn ông đang muốn có vai trò tích cực trong công ty.
CEO Twitter khi đó là ông Parag Agrawal hào hứng đề nghị ông Musk tham gia ban giám đốc, nhưng sau đó tỉ phú này từ chối và đề xuất mua lại mạng xã hội này với giá 54,2 USD/cổ phiếu. Twitter đồng ý, nhưng chỉ vài tháng sau, vị tỉ phú bắt đầu gây nghi ngờ về ý định mua lại, khi cáo buộc công ty đã không thông tin đầy đủ số lượng tài khoản tự động và giả mạo.
Chỉ vài giờ sau khi nắm Twitter, ông Musk đã sa thải nhiều lãnh đạo cấp cao, trong đó có nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong việc khóa tài khoản ông Trump là Vijaya Gadde, khi đó là người đứng đầu về chính sách và pháp lý tại công ty. Theo tờ The Washington Post, vị tỉ phú còn sa thải CEO Parag Agrawal, Giám đốc tài chính Ned Segal và luật sư trưởng Sean Edgett.
Hồ sơ tòa án cho thấy ông Musk và ông Agrawal từng tranh cãi gay gắt trong giai đoạn đầu của quá trình thương lượng vụ mua lại. Bên cạnh đó, ông Musk cố gắng trấn an đội ngũ 7.500 nhân viên vốn lo sợ sẽ có đợt cho nghỉ việc lớn, đồng thời đảm bảo với các nhà quảng cáo rằng những lời chỉ trích trước đây của ông về các quy tắc kiểm duyệt nội dung của Twitter sẽ không ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của mạng xã hội này.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, những gì vị tỷ phú này hứa vẫn chưa thể làm được mà ngược lại nó còn gây ra những làn sóng bất mãn đền từ các nhân viên.
Ngay sau khi thâu tóm Twitter, Musk đã sa thải khoảng 50% trong số 7.500 nhân viên. Nhiều nhân viên sau đó cũng rời khỏi công ty.
Theo những nhân viên vẫn ở lại Twitter và cựu nhân viên, làn sóng nghỉ việc sẽ khiến nền tảng này trục trặc. Nói với The Verge, một người cho biết "các kỹ sư huyền thoại" và những người tài giỏi, được ngưỡng mộ khác cũng đã lần lượt rời đi.
Sự việc này vẫn chưa dừng lại khi tiếp tục có hàng trăm nhân viên của Twitter đã xin thôi việc vì văn hóa làm việc "cực kỳ chăm chỉ" của tỷ phú Elon Musk sau khi ông tiếp quản nền tảng truyền thông xã hội.
Musk đã sa thải các nhân viên chỉ trích vị tỷ phú trên Twitter hoặc phản bác ông ở kênh Slack nội bộ. Vị tỷ phú còn ra thời hạn để tất cả nhân viên trả lời biểu mẫu trên Google về việc có muốn ở lại "Twitter 2.0" hay không.
“Nếu bạn chắc chắn rằng mình muốn trở thành một phần của Twitter mới, vui lòng nhấp vào đồng ý trong liên kết bên dưới”, Musk nói trong email gửi các nhân viên.
Nếu không hoàn thành trước 17h ngày 17/11 (giờ Mỹ), nhân viên Twitter sẽ rời khỏi công ty và nhận được gói trợ cấp thôi việc.
Hàng trăm nhân viên sau đó đăng tải biểu tượng "chào" và tin nhắn chia tay trên kênh nội bộ Slack. Họ thông báo đã nói không với tối hậu thư của Musk.
"Tôi đã không nhấp vào. Tôi sẽ dừng lại ở Twitter 1.0 và không muốn trở thành một phần của Twitter 2.0", một nhân viên viết trên Slack.
Các nhân viên Twitter muốn rời đi sẽ được nhận ít nhất 3 tháng lương. Tuy nhiên, những nhân viên ở lại vẫn chưa được Musk thông báo về kế hoạch đền bù bằng cổ phiếu, bởi Twitter đã trở thành công ty tư nhân.
Tuy nhiên, Musk khẳng định những nhân viên xuất sắc sẽ nhận được các quyền chọn cổ phiếu như cách ông làm ở SpaceX - công ty hàng không vũ trụ tư nhân của vị tỷ phú.
Trong khi đó, ban tuyển dụng của Twitter bắt đầu liên hệ với các kỹ sư bên ngoài, hỏi xem họ có muốn trở thành một phần của Twitter 2.0 hay không.
Như vậy có thể thấy, một hiện trạng tại Twitter là nhiều nhân viên phẫn nộ vì phong cách quản lý của Musk. Còn vị tỷ phú sợ rằng họ sẽ phá hủy công ty. Những mâu thuẫn này sẽ không thể chấm dứt nếu hai bên không đủ kiên nhẫn để thoả thuận với nhau.