TP Cần Thơ: Kinh tế - xã hội phát triển nhanh, mạnh v ấn tượng trong năm 2022
Đời sống - Ngày đăng : 10:30, 20/01/2023
Ông Trần Việt Trường - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ
PV: Xin ông cho biết, những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ trong năm 2022?
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường: Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội phục hồi rất tích cực và khá toàn diện, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, cụ thể: Ước tổng số 17/17 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt theo kế hoạch, trong đó, 10 chỉ tiêu vượt và 07 chỉ tiêu đạt. Nổi bật, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,64% so năm 2021, đứng thứ 6 cả nước, xếp thứ 2 so với 5 thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh vùng ĐBSCL.
Các lĩnh vực kinh tế như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại, xuất khẩu, du lịch, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đều có tốc độ tăng trưởng cao và vượt kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định, nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay tăng khá cao.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ: Chất lượng dạy và học được nâng cao. Hỗ trợ giải quyết, tạo việc làm và giải quyết chính sách an sinh xã hội, được triển khai hỗ trợ kịp thời, đặc biệt công tác giảm nghèo vượt chỉ tiêu đề ra. Quan tâm chăm lo sức khỏe cho nhân dân, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, nhất là kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Hoạt động vui chơi giải trí, văn hoá, văn nghệ đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Khoa học và công nghệ có nhiều chuyển biến tích cực, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Công tác cải cách hành chính được quan tâm, thực hiện hiệu quả, nhất là ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh; duy trì và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương; đã khởi động laị các hoạt động liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố, viện, trường bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững, bảo đảm tuyệt đối an ninh trật tự và an toàn xã hội, nhất là bảo đảm an dân.
Một góc TP Cần Thơ (Ảnh: Lê Hùng)
PV: Năm 2022, TP Cần Thơ thực hiện đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội theo nghị quyết của HĐND thành phố đề ra, trong đó nổi bật là tăng trưởng GRDP đạt 12,64% so với năm 2021. Theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn đến các thành tựu nổi bật nêu trên?
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường: Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,64% so năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ khi đổi mới quy trình biên soạn số liệu GRDP.
Nguyên nhân dẫn đến các thành tựu nổi bật nêu trên là: Triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ gắn với thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) TP Cần Thơ năm 2022.
Ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 19/01/2022 triển khai các Nghị quyết nêu trên. Đồng thời ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 26/01/2022 triển khai thực hiện chủ đề năm 2022: “Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố” và Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 18/02/2022 về thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, phát triển ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Thành phố đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là tại cơ sở; phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bến Ninh Kiều, điểm du lịch nổi tiếng tại Cần Thơ (Ảnh: canthotourism)
Đẩy mạnh thực hiện công tác quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới; trọng tâm là hoàn thiện, trình Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thẩm định Quy hoạch phát triển TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) TP Cần Thơ. Tập trung nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, bộ mặt nông thôn của thành phố có nhiều khởi sắc.
Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường kết nối thu hút đầu tư. Ngày 17/10/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1). Thành phố đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn 1, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN đồng bộ.
PV: Bên cạnh các kết quả tích cực, TP Cần Thơ vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Sự phục hồi ở một số ngành, lĩnh vực chưa đồng đều; giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển… tăng cao đã ảnh hưởng đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm so với mục tiêu, tiến độ và yêu cầu đề ra; việc thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế… TP Cần Thơ đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp gì để hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 và khắc phục những tồn tại, hạn chế?
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Đồng thời, thực hiện thắng lợi chủ đề năm 2023: “Tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Tập trung các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thành phố”, hướng đến lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương.
Để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm 2022, UBND thành phố chỉ đạo tập trung thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau: Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV,…; đặc biệt là Nghị quyết số 45/2022/QH ngày 11/01/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.
Khẩn trương hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai hiệu quả các quy hoạch thành phố như: Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố; Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025…
Khu công nghiệp Trà Nóc Cần Thơ
Đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm thành phố. Tiếp tục thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án mới, đặc biệt quan tâm xây dựng khu tái định cư. Tiếp tục thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng công nghệ ưu tiên, công nghệ cao. Tăng cường hỗ trợ, phát triển thương hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, các sản phẩm OCOP,...
Tăng cường công tác quản lý, chống thất thu. Rà soát, tăng cường khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công. Tập trung khai thác các nguồn thu từ đất, tháo gỡ các vướng mắc của các dự án để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất kịp thời vào ngân sách nhà nước.
Đổi mới phương thức tiếp cận và hoạt động thu hút đầu tư ngoài ngân sách, tập trung kêu gọi các doanh nghiệp thật sự có năng lực, có tính dẫn dắt tham gia các dự án trên địa bàn. Tiếp tục kiểm tra, rà soát đôn đốc tiến độ triển khai các dự án đã có chủ trương đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, nhà đầu tư không đảm bảo năng lực trước tình hình mới. Tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và tỉnh, thành khác trong cả nước, viện, trường…nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của vùng.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, sẵn sàng cho mọi tình huống; đảm bảo đủ thuốc thiết yếu phục vụ công tác điều trị. Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người có công với cách mạng; thực hiện kịp thời chính sách trợ cấp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ và chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, phấn đấu kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông đến mức thấp nhất.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!