Bộ luật Dân sự giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 21:22, 07/05/20
Tại phiên họp, Bộ Tư pháp đã báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Bộ luật được xây dựng công phu, thể chế hóa được đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và Chiến lược cải cách tư pháp.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN
Dự thảo Bộ luật đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, về xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên... Những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 về cơ bản đều đã có phương hướng giải quyết hợp lý trong dự thảo Bộ luật. Các ý kiến đánh giá cao về tính dự báo, tính ổn định lâu dài và tính khả thi của dự thảo Bộ luật.
Bên cạnh những đánh giá tích cực, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Bộ luật vẫn còn nhiều lỗi về mặt kỹ thuật văn bản; một số quy định chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tiễn giao lưu dân sự. Những vấn đề này cần được khắc phục để đảm bảo quy định của Bộ luật dân sự thật sự trở thành những chuẩn mực pháp lý trong ứng xử của người dân, trong hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn, ít rủi ro hơn cho người dân...
Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự và tán thành nhiều nội dung của dự thảo. Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến nhân dân, các cơ quan, tổ chức, các ngành, các cấp. Theo Ủy ban Pháp luật, Bộ luật Dân sự trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung cơ bản so với Bộ luật Dân sự hiện hành. Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Bộ luật Dân sự giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam nên mỗi một điều khoản của dự thảo Bộ luật được sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ so với luật hiện hành cần được cân nhắc thận trọng, nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng, đánh giá tác động xã hội đầy đủ, toàn diện.
Phiên họp đã dành nhiều thời gian để đại biểu trao đổi, thảo luận về 10 vấn đề được Chính phủ xác định là trọng tâm trong quá trình lấy ý kiến nhân dân. Ủy ban Pháp luật có ý kiến về một số trọng tâm: trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự (các Điều 5,6 và 14); quyền nhân thân của cá nhân (từ Điều 25 đến Điều 38); chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự (Điều 102), về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 130)...
Phiên họp kết thúc vào ngày 8/5.