Hội thảo đng gp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Đời sống - Ngày đăng : 14:50, 28/02/2023
Hội thảo do Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài; Luật sư Nguyễn Văn Hậu; Luật sư Diệp Thị Hoài Nam; Thạc sĩ Đặng Ngọc Luyến đồng chủ trì được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của đại diện Ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đông đảo giới luật sư Việt Nam.
Luật sư Diệp Thị Hoài Nam, (áo đỏ) Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý phát biểu tại hội thảo
Trong bài phát biểu khai mạc, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam nhấn mạnh: Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng liên quan đến dự thảo luật đất đai sửa đổi. Đây là một dự án luật có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống phát triển kinh tế xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể xã hội.
Việc Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai vừa là thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa là dịp để Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư và các luật sư thực hiện chức năng xã hội của luật sư trong việc tham gia xây dựng pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
“Giới luật sư Việt Nam là những người đã có va đập về mặt thực tiễn và hiểu biết về thể chế, chính sách và luật pháp, mong các thành viên tham dự hội thảo và các luật sư có những ý kiến, sâu sắc, tâm huyết đóng góp vào nội dung của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, để Liên đoàn Luật sư Việt Nam có một bản góp ý chất lượng về dự thảo Luật Đất đai gửi tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, Luật sư Hoài bày tỏ.
Tại Hội thảo, Luật sư Diệp Thị Hoài Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân tương đối đồ sộ, bao gồm 236 điều, được cơ cấu trong 16 chương.
9 vấn đề trọng tâm được đưa ra trao đổi và lấy ý kiến tại hội thảo gồm: Người sử dụng đất là hộ gia đình; các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đầu thầu dự án có sử dụng đất; các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; các trường hợp Nhà nước cho thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê; các trường hợp thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lời ích quốc gia, công cộng; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến
Các thành viên tham gia hội thảo và nhiều luật sư đã có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, sát với thực tế liên quan đến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai cần phải tương thích với các luật khác, như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý tài sản công…
Trình bày tham luận, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đưa ra một số ý kiến nhằm góp ý một số nội dung trong dự thảo Luật đang được quan tâm. Trong đó, có ý kiến góp ý liên quan đến các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Theo luật sư Hậu, tại Chương VI và Chương VII dự thảo luật đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và quy định rõ nội hàm dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (điều kiện, tiêu chí).
Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu tại hội thảo
Đồng thời, dự thảo Luật đã điều chỉnh cụ thể hơn về các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi.
Những nội dung này đã thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW, sửa đổi quy định đất đai theo hướng có lợi nhất cho người sử dụng đất, luật hóa rõ ràng nghĩa vụ của cơ quan chính quyền là phải tạo điều kiện cho người dân bị thu đất có cuộc sống bằng hoặc thậm chí là tốt hơn ở nơi ở cũ.
Các tiêu chí, điều kiện thu hồi đất hầu hết đều nhằm mục đích phát triển như tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân;...
Luật sư Hậu đề nghị bổ sung quy định đối với trường hợp thu hồi đất xây dựng hạ tầng cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tập trung người lao động; cần thể hiện rõ điều kiện bao gồm xây dựng cả vật chất và tinh thần, không chỉ có quy định xây nhà vì hiện nay đời sống tinh thần của người lao động ở các khu vực nói trên hầu hết đang rất hạn chế.
“Liên quan đến quy trình bồi thường, cần có sự tham gia của người bị thu hồi đất ngay từ giai đoạn ban đầu trong quá trình xây dựng phương án bồi thường. Trong trường hợp tỷ lệ người dân không đồng tình cao (chẳng hạn từ 10% trở lên) thì phải giải trình, thay đổi phương án như thế nào, dự luật cũng cần có quy định cụ thể, để đảm bảo tính dữ liệu của pháp luật khi có tình huống phát sinh trong thực tiễn”, Luật sư Hậu nêu ý kiến.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm
Tham gia đóng góp ý kiến trực tuyến tại Hội thảo luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm đánh giá, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có nhiều đột phá trong các quy định.
Theo luật sư Tú, dự thảo Luật quy định nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải phù hợp, thống nhất...
Tuy nhiên, thế nào là quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất lại không được quy định. Các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất gồm ngành nào, lĩnh vực nào, căn cứ cơ sở xác định các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất. Do đó, cần có quy định cụ thể về vấn đề này để tránh sự chồng chéo trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định việc lấy ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện ngoài lấy ý kiến các cơ quan ban ngành còn lấy ý kiến của “cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” (điểm a khoản 1, điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 68).
Luật sư Tú cho rằng, việc quy định việc lấy ý kiến cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là khá chung chung không thấy rõ được yếu tố “Nhân dân”, cần đặt Nhân dân vào vị trí trung tâm để lấy ý kiến khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, đại diện Ban Dân chủ pháp luật, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ sự ghi nhận đối với những ý kiến của các Luật sư, đại biểu tham dự. Đại diện Ban Dân chủ pháp luật, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, thời gian tới, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức những hội thảo, hội nghị nhằm làm rõ hơn những vấn đề còn vướng mắc, hi vọng sẽ có sự tham dự của các Luật sư để có thể hiểu rõ hơn về những quy định được đề xuất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 03/01/2023, kéo dài cho đến ngày /3/2023. Kế hoạch lấy ý kiến nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời, huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân để hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của Nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. |