Đời sống

Chổi đót Hà Ân - Làng nghề độc đáo hơn 0 năm tuổi

Bá Mạnh 21/03/2023 10:32

Được truyền từ đời này qua đời khác, làng nghề chổi đót Hà Ân (xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) có bề dày hơn 0 năm qua đang từng bước lớn mạnh bởi những bàn tay ngày đêm gìn giữ nét đẹp truyền thống.

Nghề không kén người

Gắn bó với cây đót, cái chổi gần 50 năm qua, ông Phan Văn Sơn (65 tuổi, trú thôn Hà Ân) cho biết, nghề chổi đót ban đầu chỉ được một số hộ trong làng làm, đa số chỉ sản xuất nhỏ lẻ, tranh thủ lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Khi nhu cầu tiêu thụ chổi trên thị trường ngày càng tăng, mang lại thu nhập ổn định so với một số ngành nghề khác, người dân trở nên "mặn mà" hơn. Cũng từ đó, các hộ sản xuất mới “trau dồi nghề”, để sản phẩm không chỉ tốt về chất lượng mà còn bắt mắt về mẫu mã.

"Những ngày đầu do phương tiện khó khăn, nguồn đót chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc, nên nguyên liệu làm chổi khá khan hiếm. Hơn nữa, cây đót chỉ trổ bông vào tháng Giêng, nên thời gian này nhà nào trong thôn cũng phải lặn lội đi mua đót về phơi trữ. Thời điểm này, làng như mở hội vì nhà nào cũng tất bật, rộn ràng”, ông Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, nghề làm chổi đót xuất hiện tại thôn Hà Ân từ bao lâu không ai trong làng còn nhớ rõ. Qua lời kể của các vị cao niên, nghề này du nhập vào địa phương đã hơn 0 năm. Theo thời gian, nghề làm chổi đót được xem là nghề truyền thống của người dân nơi đây, được truyền từ đời này qua đời khác. Nghề không kén người làm, chỉ cần chăm chỉ, cần cù, chịu khó và khéo tay một chút là đã có thể tự mình làm ra được những chiếc chổi đót chắc chắn, bền đẹp.

Đôi tay thoăn thoắt nhặt từng bông đót, bà Lê Thị Lĩnh (79 tuổi, trú thôn Hà Ân) cho hay, gia đình bà đã hơn 60 năm làm nghề chổi đót. Ngoài làm ruộng, làm chổi đót là nghề truyền thống tạo ra nguồn thu nhập cho gia đình bà.

anh-1-ong-phan-van-son-cho-biet-theo-cac-vi-cao-nien-thi-nghe-lam-choi-dot-xuat-hien-tai-thon-ha-an-du-nhap-vao-dia-phuong-da-hon-0-nam.jpg
Ông Phan Văn Sơn cho biết, theo các vị cao niên thì nghề làm chổi đót xuất hiện tại thôn Hà Ân đã hơn 0 năm

Bà Lĩnh cho biết, hàng chục năm trước, nhà nào trong làng có làm chổi đót thì mức sống sẽ ổn định hơn, dù thu nhập từ công việc này không cao. Bởi theo bà, chổi đót là vật thiết yếu, nên hầu như nhà nào cũng phải có vài cái để phục vụ các sinh hoạt hàng ngày.  

“Làm chổi đót không khó, nhưng để có được một cây chổi đót vừa bền, chắc và đẹp thì cần phải có đôi bàn tay khéo léo và chắc chắn ở mỗi công đoạn, đặc biệt là công đoạn vào cán và bện. Bông đót để làm chổi cũng yêu cầu khi thu hái phải được nắng, có màu trắng xanh, dài thì chổi mới bền”, bà Lĩnh chia sẻ.

Với một người thợ lành nghề, trung bình cũng làm được 20-30 sản phẩm/ngày, cho mức thu nhập khoảng 200.000 đồng. Tuy khó có thể làm giàu, nhưng với nghề làm chổi đót trong tay, những người dân làng nghề Hà Ân không phải lo đến chuyện đói ăn, thiếu mặc.

Giữ gìn, lưu truyền nghề truyền thống

Nghề làm chổi đót là niềm tự hào của không ít người dân thôn Hà Ân, bởi những bông đót, cái chổi đã giúp bao thế hệ trong làng có cái ăn, cái mặc. Không chỉ vậy, nghề chổi đót còn góp phần xây dựng cho con người có được sự bền bỉ, cẩn thận trong tính cách.

anh-2-ba-le-thi-linh-cho-hay-gia-dinh-ba-da-hon-60-nam-lam-nghe-choi-dot.-ngoai-lam-ruong-lam-choi-dot-la-nghe-truyen-thong-tao-ra-nguon-thu-nhap-cho-gia-dinh-ba..jpg
Bà Lê Thị Lĩnh cho hay, gia đình bà đã hơn 60 năm làm nghề chổi đót. Ngoài làm ruộng, làm chổi đót là nghề truyền thống tạo ra nguồn thu nhập cho gia đình bà.

Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, có thời điểm không ít người dân nơi đây đã “quay lưng” với nghề truyền thống này. Những người còn bám trụ với nghề đều là người già cả, lớp thanh niên gần như rất hiếm người tỏ ra mặn mà với nghề.

Lý giải cho thực trạng này, ông Lê Tiến Hoa (52 tuổi, trú thôn Hà Ân) cho rằng, do chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa được cải tiến, giá thành thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh, khiến việc “giữ chân” các lao động làm nghề chổi đót ở Hà Ân trở nên khó khăn.

“Nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng thay đổi, yêu cầu chất lượng hàng hoá ngày càng khắt khe hơn, trong khi đó, sản phẩm chổi đót của thôn chúng tôi lúc ấy lại chưa đáp ứng được", ông Hoa chia sẻ.

Bén duyên với nghề từ thuở nhỏ nên ông Hoa luôn mong mỏi trong tiềm thức về việc gìn giữ nghề truyền thống của thôn. Ông không ngừng tìm tòi, đổi mới để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm. Vì vậy, dù trải qua bao thăng trầm, sự lấn át của các sản phẩm hiện đại, nhưng ông Hoa và làng nghề Hà Ân vẫn đứng vững.

anh-3-ong-le-tien-hoa-ben-duyen-voi-nghe-tu-thuo-nho-nen-luon-mong-moi-trong-tiem-thuc-ve-viec-gin-giu-nghe-truyen-thong-cua-thon.jpg
Ông Lê Tiến Hoa bén duyên với nghề từ thuở nhỏ nên luôn mong mỏi trong tiềm thức về việc gìn giữ nghề truyền thống của thôn

Làng nghề chổi đót Hà Ân hiện tại không chỉ làm ra những cây chổi đót thủ công bền, đẹp, chắc, mà còn luôn đổi mới sản xuất để làm ra những sản phẩm hợp với thị hiếu của thị trường.

Bên cạnh sản phẩm chủ lực truyền thống là chổi đót bện mây, thì những loại chổi mới như: chổi đót cán nhựa, chổi đót quấn dây cước, chổi hộp… cũng được nhiều hộ đẩy mạnh sản xuất.

Cũng như ông Hoa, ông Lê Tiến Dũng (66 tuổi, trú tại thôn Hà Ân) đã góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Để gìn giữ nghề truyền thống, ông Dũng đã thành lập Chi hội Nghề nghiệp chổi đót Hà Ân do ông làm Chi hội trưởng. Cơ sở sản xuất này đã giúp tăng cường sự liên kết, tương trợ giữa những hộ làm nghề, từng bước mở rộng quy mô làm ăn, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chi hội hiện có 12 gia đình với khoảng 30 lao động và ông Dũng là người đứng ra chịu trách nhiệm cung cấp nguyên vật liệu, bao tiêu sản phẩm.

anh-4-hien-toan-xa-co-hon-160-ho-dan-dang-duy-tri-nghe-truyen-thong-nay-va-phan-lon-tap-trung-o-thon-ha-an.jpg
Hiện toàn xã có hơn 160 hộ dân đang duy trì nghề truyền thống này và phần lớn tập trung ở thôn Hà Ân

Với tinh thần trách nhiệm, tình yêu nghề của mình, ông Dũng đã động viên, khuyến khích, hỗ trợ các thành viên khác chăm lo sản xuất để có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Vừa sản xuất vừa phân phối, mỗi năm ông Dũng xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 200 nghìn chổi đót, doanh thu hơn 2 tỷ đồng, lợi nhuận ròng khoảng 200 triệu đồng.

Với truyền thống lâu đời chổi đót Hà Ân được cả nước biết đến và hiện nay, Hà Ân còn là nơi cung cấp nguyên liệu đót cho một số làng nghề làm chổi trong cả nước.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tiến Lương, Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ cho biết, nghề làm chổi đót ở làng Hà Ân được cha ông truyền lại, có tuổi đời hàng trăm năm. Hiện, toàn xã có hơn 160 hộ dân đang duy trì nghề truyền thống này và phần lớn tập trung ở thôn Hà Ân.

Ngoài làm nghề truyền thống, tại thôn Hà Ân đang có khoảng 6 hộ đi buôn nguyên liệu đót và cũng là những hộ làm chổi lớn của thôn.

Mỗi tấn đót mang về bán lại cũng đã cho lợi nhuận 5 - 7 triệu đồng. Giá đót thường dao động từ 25-33 triệu đồng/tấn.

Mỗi năm, cả thôn Hà Ân tiêu thụ hàng nghìn tấn đót và gần 1 vạn cái chổi, gồm các loại chổi như chổi quét nhà, chổi quét bàn thờ, chổi chà tường, đót sơ chế của làng nghề.

Bá Mạnh