Tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh dại ở Gia Lai
Trên địa bàn Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai được xác định là địa phương có số người tử vong về bệnh dại cao nhất khu vực. Trước tình hình bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp, nguy cơ ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại rất lớn, các cơ quan chức năng đang tìm phương án xử lý vấn đề này.
Tỉ lệ tử vong cao do bệnh dại
Trong vòng 30 năm trở lại đây, tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đã xảy ra hầu hết ở các huyện, thị xã, thành phố, với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Mỗi năm số người mắc bệnh trung bình từ 3-4 trường hợp, 100% ca mắc đều tử vong.
Các cơ quan chức năng cho biết, đa số các trường hợp tử vong sau khi bị chó cắn không đi tiêm phòng, có trường hợp bị chó cắn hơn 1 năm mới biểu hiện bệnh. Cá biệt, có trường hợp tiêm đầy đủ cả vắc xin và kháng huyết thanh nhưng vẫn lên cơn dại do vết cắn ở mặt, cổ, tay đặc tính vết cắn sâu chảy máu nhiều, tiêm phòng muộn.
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Gia Lai thống kê cho thấy, từ năm 20 đến nay, trên địa bàn tỉnh có tới 35 ca tử vong. Trong đó, huyện Chư Sê với 7 ca tử vong; 12 huyện, thành khác dao động từ 1-4 ca.
Qua xác minh của các cơ quan, ban ngành liên quan, các trường hợp tử vong do bệnh dại 100% không tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn. Người dân tộc thiểu số chiếm đến 80%, tập trung chủ yếu ở khu vực vùng xa, điều kiện kinh tế thấp.
Đối với 2 ca bệnh tử vong đầu năm 2023, có 1 ca do chó nhà nuôi cắn, và 1 ca do chó thả rông chạy vào nhà cắn.
Theo xác minh dịch tễ, trong tháng 11/2022, người nhà của nạn nhân Lê Đức A. cho biết, bệnh nhân đang ngồi ở nhà thì bị con chó ngoài đường chạy vào cắn ở tay trái, sau đó bệnh nhân vào Trung tâm y tế huyện Kông Chro sơ cứu và được tư vấn lên tuyến trên để tiêm vắc xin phòng dại.
Sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa xuống Bệnh viện Đa khoa Bình Định khám và có tiêm một mũi thuốc (người nhà không nhớ là thuốc gì), về nhà thấy bình thường.
Ngày 13/02/2023, bệnh nhân có triệu chứng sốt, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, mệt mỏi nên đến Trung tâm Y tế huyện Kông Chro khám và được chuyển bệnh viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai lúc 09 giờ 30 phút ngày 13/02/2023.
Chiều cùng ngày, bệnh nhân cùng người nhà xin về địa phương. Ngày 14/02/2023, bệnh nhân tử vong.
Trường hợp còn lại, nạn nhân tên là Rlan H. (SN 1974, trú tại xã Chư Pơng, huyện Chư Sê), ngày khởi bệnh 28/02, ngày vào viện 02/03, ngày tử vong 07/03.
Theo khai báo, gia đình có nuôi 2 con chó con (khoảng 1,5kg/con), khoảng gần 3 tháng nay bệnh nhân bị chó của gia đình cắn vào bàn tay phải, vết thương nông và rỉ máu.
Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân tức giận nên đã dùng chân phải đá vào mõm con chó làm gãy 2 răng của con chó và có thêm vết thương nông rỉ máu ở bàn chân phải.
Sau đó, bệnh nhân tự rửa vết thương bằng nước lạnh ở giếng, không dùng thuốc gì và không tiêm phòng dại.
Đến ngày 28/02/2023 bệnh nhân có biệu hiện đau đầu, sốt, đau nhức mỏi toàn thân, không ăn uống gì và người nhà cho uống 1 viên Paracetamol 0.5g.
8h sáng ngày 01/3/2023 sau khi ngủ dậy bệnh nhân có biểu hiện khó thở, nuốt vướng, co giật nhẹ ở tay nên gia đình đưa bệnh nhân đến khám tại Khoa Khám bệnh của BVĐK tỉnh Gia Lai với chẩn đoán: Viêm phế quản/trào ngược dạ dày thực quản, rồi điều trị tại Bệnh viện này. Đến ngày 03/3, gia đình xin đưa nạn nhân về nhà, vào ngày 7/3 bệnh nhân tử vong.
Bài toán nào để giảm thiểu số người tử vong?
Gia Lai được xác định là một trong các tỉnh có số ca tử vong do bệnh dại liên tiếp qua các năm và cao nhất khu vực Tây Nguyên, do đó UBND tỉnh và Sở Y tế, CDC… đã ban hành và xây dựng nhiều Kế hoạch Phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022-2030.
CDC tỉnh cũng đã tiếp nhận nhiều đợt phân bổ vắc xin dại từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên rồi phân phối cho các huyện, thị, thành để tiêm phòng cho những đối tượng nguy cơ cao.
Vậy nhưng rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng chống bệnh dại đã được chỉ ra. Trong đó, kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền và kinh phí tổ chức tập huấn nâng cao năng lực truyền thông phòng, chống bệnh dại cho cán bộ y tế.. đang là một vấn đề lớn.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền hiện nay chỉ hạn chế tại các khu vực có ca dại tử vong. Các chi phí cho việc tiêm phòng vắc xin, huyết thanh kháng dại khi bị chó dại cắn còn khá cao khiến cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ tiêm phòng.
Các điểm tiêm phòng vắc xin, huyết thanh kháng dại trên địa bàn ít và tập trung chủ yếu ở thành phố, thị trấn vì vậy hạn chế sự tiếp cận của người dân vùng xa khi tiêm vắc xin phòng dại. Sự phối hợp giữa Y tế, Thú y, truyền thông, giáo dục, hội chữ thập đỏ ….vẫn chưa tốt, chưa thành kế hoạch thường xuyên.
Đặc biệt, khi xuất hiện chó nghi dại cắn người tại cộng đồng, đa số không được thông báo đến cán bộ Y tế hoặc Thú y; sự chủ quan của người dân đối với bệnh dại. Cùng với đó, việc quản lý các đàn chó và tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó tại cộng đồng dân cư rất khó khăn.
Theo ông Hồ Ngọc Gia, Giám đốc CDC Gia Lai, để giải được bài toán về bệnh dại rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan, ban ngành. Trong đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Y tế, Thú y để đẩy mạnh công tác truyền thông đến người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại và đưa công tác phòng chống bệnh dại đến với cộng đồng là rất quan trọng.
Ngoài ra, Chi cục Thú y cần có biện pháp quản lý đàn chó nuôi đến hộ gia đình, hướng dẫn người dân các biện pháp nhốt, xích, rọ mõm cho súc vật. Tăng cường công tác tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó nuôi trên địa tỉnh.
Kiện toàn và mở rộng các điểm tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại phục vụ công tác điều trị dự phòng, đảm bảo kịp thời, hiệu quả; Đầu tư kinh phí để hoạt động phòng chống bệnh dại có hiệu quả hơn. Hình thành hệ thống giám sát bệnh dại ở vật nuôi (chó, mèo).
Song song với đó, cần tăng cường tuyên tuyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh dại và các biện pháp phòng chống bệnh dại đến với cộng đồng.
Ngành Y tế cần hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại để điều trị dự phòng cho người nghèo, gia đình chính sách, người có công… ở khu vực có nguy cơ cao như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.