Nhiều điểm mới trong công tác quản lý, cải cách hành chính của TAND tỉnh Phú Thọ
Liên quan đến việc đổi mới công tác quản lý, cải cách hành chính, Toà án nhân dân (TAND) tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “tổ hành chính tư pháp”.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, Thẩm phán cao cấp Đỗ Ngọc Tuấn, Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ - một tỉnh miền núi trung du phía Bắc, cửa ngõ phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, cách thủ đô Hà Nội 80 km về phía Bắc.
Là cửa ngõ giao thương quan trọng, cùng với sự tăng trưởng kinh tế nên Phú Thọ là địa bàn tiềm ẩn rất nhiều loại tội phạm, các tranh chấp dân sự ngày càng nảy sinh với tính chất phức tạp. Số lượng án phải giải quyết của Tòa án hai cấp tỉnh Phú Thọ tăng trung bình 0-200 vụ/năm và số án thụ lý đứng thứ 2 trong 14 tỉnh miền núi trung du phía Bắc.
Về cơ cấu tổ chức, biên chế hiện có 41 người, gồm 11 Thẩm phán, 1 Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên và Thư ký, 5 chức danh khác gồm có Chánh án, 2 Phó Chánh án, Ủy ban Thẩm phán, 3 Tòa chuyên trách, 3 phòng chuyên môn.
Năm 2022, TAND tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm, dẫn đầu thi đua trong hệ thống TAND.
Cụ thể, từ 1/10/2021 – 30/9/2022, TAND tỉnh thụ lý 638 vụ, việc; đã giải quyết, xét xử 593 vụ, việc (đạt tỷ lệ 92,9%). Bình quân, mỗi Thẩm phán trong đơn vị trung bình thụ lý, giải quyết 4,5 vụ, việc/tháng. Trong đó, đơn vị đã thụ lý 174 vụ án hình sự/426 bị cáo; đã giải quyết, xét xử 172 vụ/409 bị cáo (đạt tỷ lệ 98,9%).
Về án Dân sự (Dân sự, Hôn nhân và gia đình, Kinh doanh thương mại, Lao động), đơn vị thụ lý 438 vụ, việc; đã giải quyết, xét xử 396 vụ, việc (đạt tỷ lệ 90,4%). Về các vụ án hành chính, đơn vị thụ lý 26 vụ; đã giải quyết, xét xử 25 vụ (đạt tỷ lệ 96,2%).
So với cùng kỳ năm 2021, số lượng án của đơn vị giải quyết tăng 52 vụ, việc, tỷ lệ giải quyết tăng 4%. TAND tỉnh đã xây dựng Chương trình công tác và xác định các chỉ tiêu công tác năm 2022 của TAND hai cấp tỉnh Phú Thọ. Trong đó, chú trọng việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại vụ án, đảm bảo các vụ, việc được giải quyết trong thời hạn theo quy định tố tụng.
Trong năm 2022, không để xảy ra trường hợp án quá hạn luật định; không có vụ, việc tạm đình chỉ. Tổng số án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán là 9 vụ, chiếm 0,76% tổng số vụ, việc đã giải quyết.
Tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, nguyên tắc độc lập xét xử và nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân…
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Tòa án đã kịp thời triển khai việc thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, TAND hai cấp đã phối hợp với VKSND cùng cấp tổ chức xét xử được 35 phiên tòa trực tuyến (cấp tỉnh: 6 vụ, cấp huyện: 29 vụ).
Việc xét xử trực tuyến đã cho thấy hiệu quả về tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cơ quan tiến hành tố tụng nhưng vẫn đảm bảo tính khách quan, công minh và hiệu quả trong thực hiện các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay các đơn vị TAND hai cấp chưa được lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho phiên tòa trực tuyến. Hơn nữa, Thư ký kiêm nhiệm phụ trách công nghệ thông tin chưa được hướng dẫn, tập huấn việc kết nối phiên tòa trực tuyến; phần mềm xét xử trực tuyến của Tòa án chưa được cài đặt đến các điểm cầu thành phần, phải phối hợp với VKSND hỗ trợ về trang thiết bị, đường truyền phục vụ xét xử trực tuyến nên rất khó khăn và bị động trong việc triển khai thực hiện.
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 tác động sâu rộng nửa đầu năm 2022, dưới sự lãnh, chỉ đạo của lãnh đạo TAND tỉnh, Tòa án hai cấp đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của đơn vị như áp dụng gửi nhận văn bản hành chính tại trục văn bản liên thông quốc gia; tổ chức các hội nghị, họp giao ban, kết luận kiểm tra theo hình thức trực tuyến...
Đặc biệt, trong năm 2022, TAND tỉnh Phú Thọ đã đổi mới thủ tục, quy trình nhận đơn và áp dụng phần mềm phân án ngẫu nhiên nhằm nâng cao chất lượng giải quyết án, theo dõi về tiến độ, không để án quá hạn luật định, đồng thời đảm bảo việc phân án khách quan, công bằng.
Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Tòa án, tập trung vào nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin (nâng cấp hệ thống đường truyền, hệ thống máy chủ, xây dựng hệ thống truyền hình trực tuyến tới TAND hai cấp....).; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ như ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc gửi, nhận đơn khởi kiện và các tài liệu bằng hình thức trực tuyến qua internet.
Dẫn đầu phong trào thi đua trong hệ thống Tòa án
Năm 2022, TAND tỉnh đã trình Chánh án TANDTC bổ nhiệm 4 Thẩm phán, chuyển ngạch đối với 4 công chức. Cử 5 công chức đi đào tạo lớp nghiệp vụ xét xử, 7 công chức đi đào tạo lớp nghiệp vụ Thư ký, Thẩm tra viên.
Tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”, tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, đổi mới lề lối làm việc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ, phân công, phân nhiệm rõ ràng, đề cao chế độ trách nhiệm của đội ngũ công chức, nhất là Thẩm phán.
Trong công tác thanh tra, TAND tỉnh Phú Thọ đã xây dựng Kế hoạch số 13/KH-TCCB ngày 22/02/2022 về công tác thanh tra, kiểm tra về các mặt công tác đối với các đơn vị TAND hai cấp. Việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm nhằm chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, đồng thời nêu ra các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị trong TAND cấp huyện.
Công tác Hội thẩm nhân dân tiếp tục được quan tâm và đảm bảo các tiêu chuẩn, chế độ cho Hội thẩm nhân dân theo quy định; đã tham gia xét xử các vụ án, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo tiến độ, thời gian giải quyết các loại án và chất lượng xét xử ngày càng được nâng lên.
Năm 2022, TAND hai cấp tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua trong hệ thống Tòa án. Cụ thể, số lượng xét xử, giải quyết án ngày càng tăng với chất lượng ngày càng cao; chất lượng xét xử đảm bảo được nâng cao so với quy định đề ra; các mặt công tác khác cũng được chú trọng thực hiện với chất lượng, hiệu quả, nội dung phong phú.
Đối với các văn bản chỉ đạo của cấp trên cũng như của địa phương đều được triển khai nghiêm túc, kịp thời, sâu rộng đến cán bộ, công chức trong TAND hai cấp.
Đặc biệt trong năm 2022, TAND tỉnh Phú Thọ triển khai mạnh mẽ việc áp dụng thi hành Luật hòa giải, đối thoại trong Tòa án hai cấp với kết quả đạt được tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành cao (trên 75%).
Kết quả này đã được các TAND trong Cụm thi đua số II ghi nhận và suy tôn trong phong trào thi đua lập thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải, đối thoại thành theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Đưa Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án đi vào cuộc sống
Liên quan đến việc đổi mới công tác quản lý, cải cách hành chính, Chánh án Đỗ Ngọc Tuấn cho biết, đơn vị đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch; nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “tổ hành chính tư pháp”.
Tăng cường kiểm soát thủ tục hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, có năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan, đơn vị; tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương và ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức.
Về công tác xây dựng và nhân điển hình tiên tiến, căn cứ hướng dẫn của TANDTC, Cụm thi đua số II, TAND tỉnh đã tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến.
Ngay từ đầu năm, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TAND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai tới các đơn vị đăng ký mô hình, gương điển hình tiên tiến trong năm 2022, đã có 2 đơn vị, 4 cá nhân đăng ký điển hình tiên tiến.
Trên cơ sở đăng ký thi đua, xây dựng gương điển hình tiên tiến, Hội đồng thi đua khen thưởng thường xuyên theo dõi và động viên khích lệ các đơn vị cá nhân có nhiều thành tích trong công tác, tổ chức tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, các đơn vị, cá nhân đạt được nhiều thành tích trong công tác để các đơn vị khác trong Tòa án hai cấp học tập.
Đáng chú ý, bên cạnh xây dựng và nhân rộng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, TAND tỉnh còn lựa chọn mô hình điểm “Triển khai hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tại TAND hai cấp tỉnh Phú Thọ”, tiến hành tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thi hành Luật Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Tại Hội nghị đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2022, Tòa án hai cấp đã hòa giải, đối thoại thành tăng hơn 600 vụ, việc so với năm 2021.
Đặc biệt, trong năm 2022, TAND tỉnh Phú Thọ đã làm điển hình trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biển pháp luật về công tác Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thông qua hình thức Tọa đàm diễn ra trong tháng 7/2022, đã phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Phú Thọ tổ chức Tọa đàm “Đưa Luật hòa giải đối thoại tại Tòa án đi vào cuộc sống”.
Thông qua buổi Tọa đàm, nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để nhân dân hiểu được ý nghĩa của việc hòa giải, đối thoại mang lại lợi ích thiết thực, bảo vệ kịp thời, nhanh chóng lợi ích chính đáng của người dân khi khởi kiện tại Tòa án.
Với mô hình điểm trên, TAND tỉnh Phú Thọ đã được Chánh án TANDTC đánh giá cao và đã được một số đơn vị Tòa án trong hệ thống TAND học tập triển khai.
Việc đẩy mạnh công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án thông qua các hình thức Tọa đàm, tuyên truyền trên các kênh thông tin của địa phương, treo băng rôn, áp phích tại nơi làm việc đã giúp người dân tiếp cận gần gũi hơn và am hiểu về giá trị của việc hòa giải, đối thoại mang lại. Từ đó, tăng cường hiệu quả, nâng cao chất lượng của công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Với vị trí Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp được quy định tại Hiến pháp năm 2013, TAND hai cấp đã tập trung nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tư pháp; thực hiện quyết liệt các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử; công khai, minh bạch mọi hoạt động của Toà án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có công việc cần giải quyết tại Tòa án.
TAND tỉnh đã kịp thời xây dựng các văn bản tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn các đơn vị Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật. Đã tích cực tham gia ý kiến vào Dự thảo các Bộ luật, Luật, pháp lệnh quan trọng, đóng góp vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp, đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức TAND trong sạch, vững mạnh.