Đình Háng Pài: Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn
Đình Háng Pài được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX (tại thôn Còn Pheo, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn). Đình thờ Thành hoàng làng và là nơi nhân dân thường xuyên cúng lễ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu. Ngoài ra, đây còn là một trong những di tích tiêu biểu gắn với sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn.
Di tích kiến trúc nghệ thuật
Theo ghi chép lịch sử, đình Háng Pài (trước khi bị tàn phá) là một di tích kiến trúc nghệ thuật rộng khoảng 100m2, có khung bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, lập đầu thế kỷ XX để thờ Thành hoàng làng.
Tại khu vực sân đình có hai cây đa cổ thụ (khoảng hơn 200 năm tuổi) tán lá xum xuê, tỏa bóng.
Do nhiều nguyên nhân, đến nay ngôi đình xưa đã không còn nữa, nhưng dấu tích của một công trình quy mô, bề thế vẫn còn.
Trên nền đình cũ rải rác những chân tảng lớn bằng đá xanh chạm khắc công phu dùng để kê cột.
Theo một số cụ cao niên trong thôn Còn Pheo kể lại, đình Háng Pài xây dựng gian Hậu Cung và gian Đại Bái trước, gian Tiền Tế xây dựng sau.
Trong những năm đình còn thờ phụng thì có họ Dương (thôn Còn Toòng) là dòng họ được giao nhiệm vụ trông nom hương khói cho đình. Hàng tháng họ Dương chia người trong dòng họ trông nom, quản lý (từ mồng 1 đến ngày là họ Dương Bút…, còn từ sau ngày đến ngày 30 cuối tháng là họ Dương Văn…).
Hàng năm đình có tổ chức lễ hội lớn vào ngày mồng 7 tháng Giêng (âm lịch), để cầu khấn cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trong những dịp lễ như vậy nhân dân mỗi thôn phải góp từ một đến hai mâm lễ mặn, gồm có thịt lợn, gà, xôi, bánh... để cúng Trời - Đất. Trong ngày lễ hội còn tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, đánh cờ, đấu vật, hát giao duyên…
Tuy nhiên, đến năm 1952, khi thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Lạng Sơn, chúng đã bắn phá đổ đình, từ đó đình Háng Pài không được xây dựng lại cũng không thờ tự nữa nên chỉ còn nền móng như một “phế tích”.
Ngày nay, để gìn giữ, truyền tụng lại việc hương khói của ngôi đình Háng Pài xưa, người dân trong thôn chỉ dựng tạm gian miếu nhỏ (khoảng 2m vuông) để thắp hương trong những dịp lễ, Tết.
Chứng tích lịch sử
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, từ đây cách mạng Việt Nam đã có bộ tham mưu lãnh đạo thống nhất.
Ngay sau khi Đảng ra đời, thực hiện chủ trương của Đảng là tăng cường vận động và xây dựng phong trào quần chúng cách mạng ở các tỉnh biên giới miền núi để tạo ra địa bàn hoạt động thuận lợi cho Đảng, Chi bộ Đảng Cộng sản chỉ đạo vùng biên giới Cao - Bắc - Lạng được thành lập (giữa năm 1930), gồm các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư.
Đầu năm 1933, từ những cơ sở đầu tiên ở Khưa Đa, Ma Mèo, Tân Thanh, Tân Yên, phong trào cách mạng đã phát triển đến nhiều xã như Thụy Hùng, Hồng Phong, Phú Xá…
Trước sự phát triển nhanh chóng của phong trào quần chúng cách mạng, Chi bộ Đảng vùng biên giới đã quyết định thành lập một cơ sở Đảng làm nòng cốt để chỉ đạo phong trào.
Được sự ủy nhiệm của Đảng, giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới Thụy Hùng, Văn Uyên (nay là xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc) tổ chức kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Thụy Hùng.
Đây cũng là Chi bộ đầu tiên ở Văn Uyên và tỉnh Lạng Sơn với 5 đảng viên là các đồng chí: Đoàn Viết Bứng, Đoàn Viết Cảnh, Đồng Viết Đại, Nông Viết Bảo và Mã Khánh Phương. Chi bộ do đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư.
Từ Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh, đồng chí Hoàng Văn Thụ tiếp tục mở rộng, phát triển tổ chức Đảng ở các địa phương khác trong tỉnh như thành lập Chi bộ Đảng ở Bắc Sơn (ngày 25/9/1936), Chi bộ Đảng ở Tràng Định (ngày 11/4/1938)…
Trước sự phát triển của tình hình cách mạng ở Lạng Sơn, Ban lãnh đạo của Trung ương Đảng đã ra chỉ thị thành lập ban lãnh đạo phong trào cách mạng ở Lạng Sơn.
Thực hiện chỉ thị đó, trên cơ sở Chi bộ Đảng cộng sản Thụy Hùng, Ban Cán sự tỉnh Lạng Sơn được thành lập. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được phân công phụ trách Ban Cán sự tỉnh Lạng Sơn.
Sau khi Ban Cán sự tỉnh ra đời phong trào cách mạng ở Lạng Sơn phát triển thêm một bước mới. Lạng Sơn trở thành địa phương có phong trào cách mạng phát triển sớm và vững mạnh ở vùng biên giới Việt – Trung.
Như vậy, từ Chi bộ đầu tiên chỉ có 5 đảng viên, ngày nay Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn có Đảng bộ trực thuộc với trên 64.000 đảng viên, trải qua 17 kỳ đại hội. Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã có 90 năm xây dựng và phát triển, tạo nên bề dày truyền thống rất đáng tự hào. Giờ đây, đình Háng Pài đã trở thành một địa chỉ đỏ của công tác giáo dục truyền thống lịch sử Cách mạng của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Trước đó, ngày 2/10/2002, di tích đã được UBND tỉnh ra quyết định số 41/2002/QĐ-UB xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Trong dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2010), di tích đã được đầu tư tôn tạo cảnh quan, lập bia ghi dấu sự kiện để phục vụ các tầng lớp nhân dân, du khách tới tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống. Trong nội dung bia giới thiệu di tích đã khắc ghi:“Chi bộ đảm nhận vai trò quan trọng làm nòng cốt lãnh đạo,chỉ đạo xây dựng và phát triển phong trào Cách mạng của Lạng Sơn trong giai đoạn đầu của thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo từ năm 1930 đến năm 1945”.