Du lịch Việt Nam kỳ vọng những bước phát triển đột phá
Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nhận định là một trong những quốc gia có chính sách mở cửa sớm sau thời điểm đại dịch Covid-19. Tuy đã có được những thành công nhất định nhưng chưa có tính đột phá.
Tiền đề để mở cửa sớm ngành du lịch sau đại dịch
Những năm qua, chủ trường và đường lối của Đảng và Nhà nước ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng lợi thế sẵn có như tài nguyên du lịch, cảnh quan, địa hình đa dạng; khí hậu nhiệt đới ôn hòa.
Cùng với đó, nền văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc anh em và chiều dài lịch sử, ẩm thực phong phú. Đặc biệt là văn hóa, lối sống của người Việt chân tình, ấm áp, bao dung, cởi mở, đã làm nên một Việt Nam hấp dẫn, một điểm đến có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách.
Không phải ngẫu nhiên sau thời gian dịch COVID-19 kéo dài, Việt Nam khởi động lại du lịch sớm và thuận lợi bởi nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Đại dịch đã thay đổi cấu trúc xã hội và thói quen của người dân, nhưng cũng tạo ra xu hướng mới trong du lịch.
Từ những chính sách linh hoạt, hấp dẫn, du lịch Việt Nam đã tạo dựng được dấu ấn đặc biệt trong lòng du khách quốc tế. Đó là thông điệp hòa bình, hòa giải, "Việt Nam - Đất nước an toàn", hình ảnh "Việt Nam điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn", một điểm đến với "vẻ đẹp bất tận".
Sau một năm, du lịch Việt Nam đã gặt hái được những thành công nhất định, nhất là du lịch nội địa với 103 triệu lượt khách. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế mới đạt gần 3,7 triệu lượt người, chưa được như kỳ vọng.
Trong khí đó, Thái Lan đến tháng 7/ 2022 mới mở cửa hoàn toàn, sau Việt Nam 4 tháng, nhưng năm ngoái nước này đón tới 11 triệu khách quốc tế, gấp 3 lần Việt Nam. Con số này ở Singapore là 6,3 triệu lượt người.
Điều này cho thấy những "điểm nghẽn" du lịch Việt Nam vẫn tồn tại bấy lâu. Chất lượng và sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn; việc hoạch định chiến lược về thị trường còn hạn chế; hạ tầng, dịch vụ công cộng, thông tin chỉ dẫn du lịch chưa đáp ứng nhu cầu; nguồn lực đầu tư cho du lịch còn hạn chế… Đây có lẽ chính là những nguyên nhân dẫn đến một thực tế là du lịch Việt Nam mở cửa sớm, nhưng lại "đi trước, về chậm".
Đây cũng là cụm từ Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc về du lịch diễn ra hôm /3 vừa qua. Sự sốt ruột của Người đứng đầu Chính phủ đã được thể hiện qua hàng loạt các câu hỏi đặt ra với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan.
Cụ thể, Thủ tướng đặt câu hỏi: Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, vậy đâu là nguyên nhân chủ quan khi du lịch Việt Nam mở cửa sớm, nhưng lại "đi trước, về chậm"? Tại sao tỉ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đã đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Hay tại sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?
Các câu hỏi trên cần được trả lời thấu đáo, có giải pháp hiệu quả bởi chừng nào những vấn đề đó vẫn là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm nói mãi", du lịch Việt Nam sẽ chỉ như một "cô gái đẹp đầy tiềm năng".
Định vị du lịch Việt Nam không chỉ là điểm đến du lịch giá rẻ
Khi du lịch thế giới phục hồi, chúng ta phải đối mặt với thách thức cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và các điểm đến trên toàn cầu.
Để giải quyết những "điểm nghẽn" du lịch Việt Nam, đòi hỏi sự tập trung các nguồn lực, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và sự chung tay xây dựng hình ảnh du lịch của chính người dân tại mỗi điểm đến. Sẽ là trễ nhịp nếu như ngay lúc này, các bộ, ngành không tìm được tiếng nói chung giải bài toán cần làm gì, thay đổi như thế nào để du lịch không tiếp tục rơi vào tình thế "đi trước, về sau".
Trong hàng loạt các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm mà Người đứng đầu chính phủ đã nhấn mạnh ở Hội nghị toàn quốc về du lịch là, yêu cầu tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh theo hướng tăng số lượng quốc gia được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú với lệ phí hợp lý.
Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay thẳng kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.
Bên cạnh đó, phải định vị du lịch Việt Nam qua các giải thưởng quốc tế. Theo báo cáo năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số năng lực phát triển của Du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong nhóm 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới.
Tại giải thưởng World Travel Awards 2022, Du lịch Việt Nam xuất sắc giành được 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á.
Trong 5 năm gần nhất, Việt Nam 3 lần được tôn vinh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; 4 lần nhận danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á; Tổng cục Du lịch Việt Nam 3 lần được bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á; Việt Nam lần thứ 6 đoạt danh hiệu "Điểm đến du lịch Golf tốt nhất châu Á" tại giải thưởng World Golf Awards 2022 cùng nhiều danh hiệu quốc tế uy tín khác dành cho các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam.
Với những nỗ lực quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra nước ngoài theo chủ đề "Live fully in Vietnam", website vietnam.travel của Tổng cục Du lịch tăng hạng mạnh trên thế giới. Theo số liệu từ chuyên trang similarweb.com, tháng 10/2022 website vietnam.travel xếp hạng 2 nghìn trên toàn cầu, tăng 423 nghìn bậc so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng hạng này cao vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Năm 2022 cũng là năm toàn ngành Du lịch triển khai mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số với sự đồng hành, dẫn dắt của Tổng cục Du lịch. Hệ sinh thái du lịch thông minh đã được hình thành trên cơ sở các nền tảng số cốt lõi của Tổng cục Du lịch.
Công tác truyền thông quảng bá du lịch trên các website và mạng xã hội của Tổng cục Du lịch được tập trung đẩy mạnh. Đặc biệt, với cách làm mới mẻ và hiệu quả, Chương trình truyền thông du lịch trên YouTube với chủ đề "Việt Nam: Đi để yêu!" của Tổng cục Du lịch vinh dự được trao giải Nhì tại Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ 8 - giải thưởng uy tín do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Để du lịch lấy lại quãng thời gian đã mất trong 3 năm dịch bệnh, nhanh chóng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần có những giải pháp đột phá, mạnh dạn thí điểm các mô hình, cơ chế mới và một trong những yếu tố quyết định là khâu tổ chức thực hiện.
Để đạt được mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng, ngành du lịch cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như triển khai công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt; triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030. Bên cạnh đó là đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam sau khi các văn bản này được phê duyệt.
Ngoài ra, cần hoàn thành việc tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch sau khi tổ chức lại mô hình Tổng cục Du lịch.