Pháp đình

Giám đốc lừa đảo bằng chiêu rủ góp vốn mua kit test Covid-19

Mạnh Hùng 10/04/2023 - :48

Ngày 10/4, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Phong (SN 1982, ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại điểm a, Khoản 4 Điều 174 BLHS.

e1a0891b-06ee-4738-9597-8dd3364145ac.jpeg
Bị cáo Nguyễn Văn Phong tại phiên tòa xét xử

Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Văn Phong vốn là Giám đốc Công ty cổ phần phát triển y tế quốc tế. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính và tờ khai thuế GTGT, từ khi thành lập năm 2019 đến quý 3/2020, công ty không phát sinh doanh thu, dịch vụ mua bán hàng.

Khoảng đầu tháng 8/2020, do thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước diễn biến phức tạp, Phong nảy sinh ý định tìm mua kit test Covid-19 từ Mỹ nhập khẩu về Việt Nam để bán kiếm lời.

Qua giới thiệu, Phong liên hệ với Công ty TNHH đầu tư sản xuất và phát triển Vahinvest. Phong giới thiệu là Trưởng phòng tổ chức- Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và là giám đốc công ty y tế quốc tế, đồng thời thỏa thuận mua 500 kit test của hãng Care Star, số tiền 90 triệu đồng. Tuy nhiên, Phong mới chuyển khoản 25 triệu đồng nên đối tác chuyển lô hàng 30 kit test.

Đến ngày 14/9/2020, hai bên ký hợp đồng hợp tác kinh doanh độc quyền. Nhưng sau đó, Phong tìm hiểu thì thấy việc xin cấp giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế để lưu hành kit test là khó, không thể xin được nên không nhập hàng.

Mặc dù vậy, Phong vẫn đưa các thông tin gian dối về việc công ty nhập khẩu lô hàng kit test Covid-19 để bán, hứa hẹn sẽ trả lợi nhuận cao để chiếm đoạt tiền của những người quen biết.

Cụ thể, anh Phạm Hoài Đ. (SN 1985, ở quận Bắc Từ Liêm) có quen Phong và biết về việc công ty y tế quốc tế đang triển khai nhập lô hàng 5.000 kit test Covid-19 từ Mỹ về Việt Nam với giá nhập là 28 USD/kit test, giá bán buôn cho trung tâm y tế, phòng khám, bệnh viện từ 45-50 USD/kit test, thời gian nhập hàng từ 7-10 ngày và bán hết lô hàng trong 10 ngày.

Phong chịu trách nhiệm lo thủ tục giấy tờ cấp phép, anh Đ. chỉ cần góp vốn và hưởng lợi nhuận. Anh Đ. rủ bạn cùng tham gia góp 600 triệu đồng, tương đương 19% giá trị vốn góp. Phong viết giấy xác nhận “nhận đủ số tiền trên”.

Đến ngày 8/8/2020, Phong báo lô hàng đã về đến Việt Nam và đề nghị nhóm anh Đ. cho Phong vay 250 triệu đồng để lo chi phí cấp phép.

Quá thời hạn thỏa thuận, nhóm anh Đ. thúc giục Phong bán lô hàng để thu hồi vốn và chia lợi nhuận thì Phong khất lần, nại lý do chưa xin được giấy phép nhập khẩu. Sau nhiều lần đòi tiền bất thành, nhóm anh Đ. tìm hiểu thì biết Phong không phải là cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai và lô hàng kia là “ảo” nên đã tố cáo hành vi của Phong ra cơ quan điều tra.

Với thủ đoạn trên, Phong làm quen với chị Hồ Thị N. (SN 1976, ở Nghệ An) và rủ chị này góp vốn nhập lô hàng 1.000 kit test Covid-19. Khi trao đổi, Phong nói đã tập trung hết vốn vào app bác sĩ nên không còn tiền.

Phong giới thiệu với chị N. có cậu em bên Mỹ phụ trách nhập khẩu kit test Covid-19 còn Phong phụ trách nhập khẩu và bán lô hàng tại Việt Nam. Chị N. góp vốn thì hưởng lợi nhuận 50% giá trị lô hàng. Theo thỏa thuận, chị N. chuyển cho Phong 250 triệu đồng.

Đến hạn, Phong không thanh toán tiền bán hàng và lợi nhuận, đồng thời gửi hình ảnh “vận đơn vận chuyển hàng hóa…” để chị N. tin tưởng nhưng sau đó không thực hiện cam kết.

Bộ Y tế xác nhận, từ 1/1/2020 đến 19/10/2020, Bộ không cấp phép nhập khẩu cho sản phẩm bộ kit xét nghiệm Covid-19 cho sản phẩm của hãng Care Star xuất xứ Mỹ và không cấp phép cho Công ty phát triển y tế quốc tế. Xác minh tại Chi cục Hải quan thì vận đơn trên chưa làm thủ tục mở tờ khai nhập khẩu, chưa thông quan hàng hóa.

Cho đến nay, Phong đã khắc phục toàn bộ hậu quả, trả lại tiền cho các bị hại, thậm chí là trả thừa số tiền vay và chiếm đoạt.

Tuy nhiên, tại phiên tòa ngày hôm nay, do xuất hiện một số tình tiết mới chưa được làm sáng tỏ nên HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Mạnh H ng