Hàng nghìn đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động
Việc nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN thời gian dài với số tiền lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, chốt sổ, nghỉ chế độ khiến người dân bức xúc.
Nhiều đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN tiền tỷ
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm ngày 31/12/2022, có 17 đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 2 tháng trở lên với số tiền là hơn 4,6 tỷ đồng.
Trong đó, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Thanh Hóa (tiếp nhận bàn giao số tiền chậm đóng của Ban giải phóng mặt bằng và tái định cư TP Thanh Hóa vào tháng 8/2022) chậm đóng 25 tháng với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng; Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) chậm đóng 12 tháng với số tiền là 317 triệu đồng; Đội đảm bảo giao thông Triệu Sơn chậm đóng 19 tháng với số tiền là 498 triệu đồng…
Có 2.252 doanh nghiệp, hợp tác xã chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 40.144 lao động với số tiền hơn 314 tỷ đồng. Trong đó có 290 đơn vị với số lao động là 1.092 người chậm đóng trên tháng với số tiền chậm đóng là 171,5 tỷ đồng. Điều này đã xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, gây bức xúc với người dân.
Trong “sổ đen” các đơn vị có số tiền chậm đóng lớn, thời gian kéo dài như: Công ty TNHH FLCSAMSON GOLF & RESORT có 862 lao động chậm đóng 22 tháng với số tiền gần 19 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa có 50 lao động chậm đóng 79 tháng với số tiền ,4 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4 có 63 lao động chậm đóng 55 tháng với số tiền 9,3 tỷ đồng; Xí nghiệp Sông Đà 10.5 có 202 lao động chậm đóng 22 tháng với số tiền 6,3 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên JLG Vina có 102 lao động chậm đóng 31 tháng với số tiền hơn 4 tỷ đồng; Công ty TNHH Liên doanh Vinastone có 140 lao động chậm đóng 18 tháng với số tiền 2,4 tỷ đồng…
Về việc giải quyết tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, từ năm 2020 đến năm 2022 qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT với số tiền xử phạt hơn 1,9 tỷ đồng.
Tổ chức phiên giải trình để tìm giải pháp tháo gỡ
Ngày 13/4, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Phiên giải trình về tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài. Các đại biểu đã phân tích đánh giá nguyên nhân, thực trạng mức độ ảnh hưởng và bàn giải pháp khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới.
Nguyên nhân của việc chậm đóng, nợ đọng các loại bảo hiểm được Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa đưa ra là do ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động chưa nghiêm. Việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về chậm đóng bảo hiểm.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra. Công tác đôn đốc thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN đã thực hiện thường xuyên, tuy nhiên vẫn còn một số viên chức được giao quản lý đơn vị chưa thường xuyên theo sát đơn vị, nắm bắt tình hình để có giải pháp đôn đốc thu nộp phù hợp với tình hình.
Vẫn còn đơn vị BHXH huyện có lúc phối hợp chưa tốt với các cơ quan, đơn vị có ký quy chế phối hợp; chưa kịp thời báo cáo tình hình thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, nhất là tình hình chậm đóng trên địa bàn để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: BHXH, BHYT, BHTN là một trong những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội quốc gia, có tính chia sẻ cộng đồng và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tính ưu việt của chế độ. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách liên quan đến BHXH nhằm thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững của đất nước.
Hệ thống pháp luật về chính sách BHXH, BHYT, BHTN ngày càng hoàn thiện, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và nhân dân.
Đối với Thanh Hóa, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH. Đại đa số các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đầy đủ các quy định về chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp vẫn còn diễn ra; nhiều doanh nghiệp trốn đóng hoặc không kê khai số lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc; nhiều đơn vị chậm đóng thời gian dài với số tiền lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, chốt sổ BHXH cho người lao động đến tuổi nghỉ hưu chuyển công tác.
Để hiểu rõ thực trạng, đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm; thực hiện Điều 72 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tỉnh năm 20, Thường trực HĐND tỉnh quyết định lựa chọn chủ đề về tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN nghiệp kéo dài trên địa bàn tỉnh làm nội dung phiên giải trình thứ ba của Thường trực HĐND tỉnh khóa 18.
Tại phiên giải trình này, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tỉnh và một số cơ quan liên quan sẽ báo cáo thực trạng trong đóng bảo hiểm trên địa bàn tỉnh và trả lời các câu hỏi của các vị đại biểu HĐND tỉnh để làm rõ những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế, với các lộ trình cụ thể để khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm cho người lao động.
Để phiên giải trình đạt kết quả tốt, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ các báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh và đoàn khảo sát do Thường trực HĐND tỉnh thành lập, từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình và ý kiến, kiến nghị của cử tri, đặt các câu hỏi sát đúng để các cơ quan có trách nhiệm giải trình. Đối với những nội dung giải trình chưa rõ, cần đối đáp, tranh luận để làm rõ, đi đến tận cùng một vấn đề, qua đó đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh.
Tại phiên giải trình, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tám đã báo cáo về tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài trên địa bàn tỉnh. Đồng thời trả lời các câu hỏi trực tiếp của các đại biểu và đi sâu vào phân tích, làm rõ những nội dung vướng mắc dẫn đến nhiều doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đã giải trình những vấn đề về khởi kiện việc chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội giải trình về việc thanh tra kiểm tra đối với việc chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; lãnh đạo UBND TP Thanh Hóa giải trình về nợ và những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng chậm đóng và nợ BHXH trên địa bàn TP Thanh Hóa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng tiếp thu các ý kiến của các đại biểu nêu tại phiên giải trình và cam kết nghiên cứu các giải pháp để hoàn thiện các chương trình hành động, nỗ lực khắc phục hạn chế, quyết tâm tạo chuyển biến cụ thể để giải quyết tình trạng chậm đóng bảo hiểm BHXH, BHYT, BHTN kéo dài trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.