Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn (Bài 3): Chiến thắng huyền thoại Vườn Gòn –Đá Bàn
Thắng lợi của Tiểu đoàn 59 tại chiến trường Bắc Khánh là một mảnh ghép trong những trang lịch sử oai hùng của Khánh Hòa giai đoạn thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong số những chiến công của Tiểu đoàn ở Bắc Khánh, trận Vườn Gòn – Đá Bàn là một trận đánh lẫy lừng, đã đi vào sử sách của Ninh Hòa, Khánh Hòa, Khu V như một huyền thoại.
Đá Bàn thuộc Ninh Sơn, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây, núi non trùng điệp, hoang sơ, bao quanh một vùng đồng bằng rộng lớn. Giữa trung tâm Đá Bàn là một hồ nước tuyệt đẹp, rộng mênh mông, có những tảng đá đen nổi lên sừng sững rất đặc biệt.
Nhìn toàn cảnh, hồ Đá Bàn giống như một chiếc lá xanh khổng lồ, được bao bọc bởi những cánh rừng phòng hộ xanh ngắt. Nơi đây, 70 năm trước là vùng căn cứ địa cách mạng của Khánh Hòa anh dũng, cũng chính mảnh đất này, tháng 4 năm 1953, trận Vườn Gòn đã chôn vùi uy danh tướng Le Blance và đội quân thiện chiến nhà nghề của thực dân Pháp, tạo nên huyền thoại về sức mạnh trí tuệ quân sự của quân và dân ta ở chiến trường Bắc Khánh.
Mùa xuân năm 1953, quân đội ta chiến thắng giòn giã trên khắp các chiến trường, có tác động hỗ trợ cho nhân dân vùng địch tạm thời kiểm soát nổi dậy phá thế kìm kẹp đã lan rộng nhiều nơi.
Ở huyện Ninh Hòa, sau khi các đồn, bót ở Tân Phong, Nhĩ Sự, Cầu Lớn… bị ta tiêu diệt, nhân dân nổi dậy đấu tranh không chịu ngủ đồn, đòi mang lúa gạo, tài sản về nhà. Hệ thống các tháp canh, đồn, bót nhỏ lẻ, binh lính hoang mang không dám ngủ đêm trong đồn, lực lượng của địch tại địa phương cũng không còn đủ sức đàn áp, ngăn chặn nhân dân như trước.
Để đối phó, chỉ huy quân Pháp, ngụy Nam Trung bộ phải sử dụng lực lượng quân số đông đánh phá vào các căn cứ của cách mạng, hòng tiêu diệt, đẩy lùi bộ đội, cán bộ ta lên núi xa, nhằm cứu vãn tình thế. Cuộc tấn công quy mô lớn vào căn cứ Đá Bàn – nơi Tỉnh ủy Khánh Hòa đang đóng là một trong những mục tiêu lớn của địch.
Trước kế hoạch củng cố lực lượng, san phẳng Đá Bàn của địch, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu cùng Ban chỉ huy kháng chiến ở Đá Bàn lên kế hoạch chống càn. Một thế trận đã được bày ra, hàng trăm hầm chông, cạm bẫy, mìn, lựu đạn gài được bộ đội chủ lực cùng quân và dân địa phương đóng ở Đá Bàn dựng lên, ngăn bước chân kẻ thù.
Nói về trận chiến này, Đại tá Trương Công Vọng nhớ lại: Sau khi Hệ thống tháp canh của địch bị phá vỡ, tề ngụy theo hàng cách mạng, kẻ thù lo sợ tuyến phòng thủ Nha Trang, Khánh Hòa bị tấn công, nên chúng tập trung khoảng 4.000 quân viễn chinh từ Nha Trang đánh lên Đá Bàn. Phía ta, lệnh từ Ban chỉ huy xuống các đại đội, chỉ để lại một bộ phận ở dưới Ninh Diêm, Hòn Khói, các đơn vị về lại căn cứ, chuẩn bị đánh giặc.
Ngày 18 tháng 4, trận càn của thực dân Pháp vào Đá Bàn bắt đầu. Theo trục đường 21, đội quân nhà nghề từ Bình Trị Thiên trên 20 tàu thủy và ca nô chở binh lính đổ bộ lên cửa biển Hòn Khói, 180 xe cơ giới từ Nha Trang dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Le Blance – Tổng Tư lệnh quân đội Pháp tại Miền Trung Việt Nam, cầm đầu tiến lên căn cứ Đá Bàn.
Sáng 19 tháng 4, tướng Le Blance chỉ huy quân nổ súng tấn công Đá Bàn. Để chặn đường rút của ta sang Phú Yên, một cánh quân của Pháp hành quân lên Gò Trơ, phía Bắc sông Lốt, vào dốc Chanh, sau lưng căn cứ. Đồng thời, yểm trợ cho Thiếu tướng Le Blance thực hiện kế hoạch là trận địa pháo 5mm, cối 80mm từ Xuân Sơn, Quảng An cấp tập dội xuống căn cứ. Một cánh khác, tấn công phía Nam, cánh chính diện tiến vào Bến Ghe, chiếm được 1 điểm lại cử một đại đội chốt giữ. Trên không máy bay trinh sát L19 dẫn đường, chỉ điểm cho máy bay chiến đấu dội bom liên tục.
Với trận đồ như vậy, Le Blance, viên tướng lão luyện của Pháp, từng chinh chiến ở Ma rốc tin rằng, sẽ san phẳng Đá Bàn trong một ngày. Trong tình thế vô cùng nguy hiểm, không cân sức về mọi mặt; sau khi thống nhất kế hoạch với Ban Chỉ huy, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu quyết định, đơn vị luồn rừng thoát ra khỏi căn cứ, mật phục tại Vườn Gòn – Sở Thằng Lô.
Theo Đại tá Vọng, lúc đó pháo địch bắn phá cấp tập, máy bay chúng rải bom liên tục xuống căn cứ, lửa đỏ rực trời. Trước đó, nhờ nắm được đặc tình nên ta đã di chuyển hết các cơ quan vào sâu trong núi. Giặc tấn công vào căn cứ, có toán quân bọc hậu chặn đường rút của ta sang Phú Yên. Nhưng Đá Bàn như một trận đồ, vào đó khó có lối ra nếu không biết đường.
“Trước đó, chúng tôi đã được lệnh rút ra ngoài căn cứ, lúc đó, chỉ biết tuân lệnh chỉ huy, không hỏi han thắc mắc gì cả. Tiểu đoàn lặng lẽ di chuyển dọc theo suối sâu, qua Eo Gió, tập kết tại Vườn Gòn - nơi này được dân địa phương gọi Sở Thằng Lô – tên của công sứ Pháp chủ đồn điền trồng bông gòn ở đây. Tất cả bí mật nằm đợi lệnh”.
Đại tá Trương Công Vọng
Sáng ngày 20 tháng 4, trong căn cứ, quân ta đã rút khỏi, bỏ lại vườn không nhà trống, địch tiến vào nhưng không thực hiện được mục tiêu, đồng thời bị lực lượng còn lại ẩn nấp tại căn cứ đánh tiêu hao, rồi sập bẫy hầm chông, bẫy mìn… thiệt hại lớn khiến chúng phải quay trở ra.
Đúng 13 giờ, tại Vườn Gòn, giặc sa vào trận địa mật phục của Tiểu đoàn 59, tiếng kèn xung trận vang lên.
Toàn bộ hỏa lực của Tiểu đoàn bắn ập lên đội hình quân địch làm cho chúng không kịp trở tay, những tên còn sống sót nhào xuống Suối Sâu bị mìn, lựu đạn tiêu diệt, phút chốc cả hàng ngũ tan vỡ. Kết quả trận này ta diệt gọn khoảng hơn 400 tên, thu 1 đại liên, hơn 100 súng các loại cùng các trang bị khác của địch. Bên ta có 14 chiến sĩ hy sinh và bị thương.
Vào khoảng 14 giờ máy bay L19, khu trục lên bắn, dội bom chung quanh trận địa, rồi các tốp trực thăng đến chở xác quân địch đưa về trường Tiểu học Ninh Hòa. Đến khoảng 16 giờ ngày 20/4, trận Vườn Gòn kết thúc, tướng Le Blance thất trận, ta làm chủ hoàn toàn trận địa.
Theo lời kể của Đại tá Vọng, sau khi thắng trận, Tiểu đoàn lại rút về sâu trong căn cứ, bảo toàn lực lượng. Tiểu đoàn trưởng và Chính trị viên cho anh em làm lễ truy điệu và chôn cất các liệt sĩ tại đó.
Nhớ lại khoảnh khắc lịch sử này, ông Vọng nói: “Đó là trận đánh lịch sử của Tiểu đoàn 59 tại Căn cứ Đá Bàn. Sau này, anh Phan Đắc Lực có bài thơ “Về với Khánh Hòa” mà lính Tiểu đoàn 59 thuộc lòng, đến khi làm sử Tiểu đoàn, chúng tôi có đưa vào cuối của cuốn “Tiểu đoàn 59 – Trung đoàn 803, chủ lực cơ động Liên khu V”, sau này in lại trong cuốn “Tiểu đoàn 59 – Anh hùng của lòng dân”, anh em đều thuộc cả.
Cũng theo vị cựu chiến binh này, tại Đại hội mừng công ngày 16 tháng 6 ở Đá Bàn, Tiểu đoàn 59 với mật danh H64 được tuyên dương trước toàn thể các đại biểu. Tin vui đi khắp Khánh Hòa. Hoàn thành nhiệm vụ, Tiểu đoàn 59 được lệnh trên rút về Quảng Ngãi học tập chính trị, huấn luyện chiến thuật. Tạm biệt Khánh Hòa, tôi có câu thơ:
“Ngoảnh nhìn cây cối nước non; Khánh Hòa anh dũng mãi còn khắc sâu”.
Đại tá Trương Công Vọng
Có thể nói, chiến thắng Vườn Gòn đã trở thành cơn ác mộng đối với quân Pháp tại Ninh Hòa – Khánh Hòa. Từ đó đến khi Hiệp định Giơ-ne-vơ tháng 7-1954, căn cứ Đá Bàn trở thành bất khả xâm phạm. Không có cuộc hành quân càn quét nào của kẻ thù dám vượt qua Cầu Gỗ, Suối Sâu, Vườn Gòn, nơi có trận bão lửa diễn ra để vào trung tâm căn cứ. Và Vườn Gòn mãi mãi âm vang một chiến công hiển hách trên mảnh đất quê hương Ninh Hòa trong thời kỳ kháng chiến chống quân Pháp xâm lược.
Theo các cựu binh Tiểu đoàn 59, để làm nên chiến thắng huyền thoại này, có thể nói, vai trò người chỉ huy là vô cùng quan trọng. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu – vị chỉ huy gan góc, vô cùng mưu trí đã dụng kế theo binh pháp của cha ông: “kim thiền thoát xác” đánh tập hậu sau lưng địch. Lấy yếu tố bất ngờ làm vũ khí để chống lại đội quân nhà nghề hùng mạnh.
Từ thế bị động chuyển sang chủ động, từ phòng ngự sang thế phục kích để tấn công. Nhưng quan trọng nhất, là từ buổi đầu tập rèn, bộ đội Tiểu đoàn 59 quân lệnh như sơn, rèn chiến thuật đặc công đến mức tinh nhuệ, đánh đâu chắc thắng đó, đồng thời, luôn có ý thức lấy vũ khí của kẻ thù chống lại kẻ thù, tăng cường sức mạnh quân sự. Tất cả Tiểu đoàn, trên dưới một lòng, nhất tề theo lệnh chỉ huy, quyết tử chiến, sống mái với quân thù.
Hơn 70 năm đã đi qua, chiến thắng huyền thoại Vườn Gòn – Đá Bàn năm xưa đã thành ký ức, lùi vào những trang sử đỏ của Ninh Hòa, Khánh Hòa, của dải đất Miền Trung nắng gió mặn mòi…
Những người lính năm xưa gặp nhau tay nắm tay, ôn lại trang sử của Tiểu đoàn, về trận Vườn Gòn – Đá Bàn. Tiểu đoàn 59 – anh hùng của lòng dân, họ đã từng “vào sinh, ra tử” để bảo vệ độc lập tự do, máu xương của họ đã đổ xuống Khánh Hòa và khắp miền Trung, Tây Nguyên để đất đai Tổ quốc vẹn tròn.
Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1978, căn cứ Đá Bàn trở thành vùng Kinh tế mới. Hàng ngàn thanh niên từ miền Bắc đã đến mảnh đất này chung tay xây dựng khu kinh tế mới và công trình thủy lợi hồ Đá Bàn. Những người trẻ đã lao động cật lực ngày đêm để biến một vùng đất toàn gốc cây rừng thành những cánh đồng màu mỡ. Khi công trình hồ Đá Bàn hoàn thành, cả một vùng rộng lớn đã hiện diện màu xanh ngút ngàn của cây lúa.
Vườn Gòn - nơi 70 năm trước xảy ra trận đánh huyền thoại đã được xây dựng thành Khu Lưu niệm Chiến Thắng Vườn Gòn – Đá Bàn, để tri ân những người đã làm nên chiến thắng lịch sử này. Nơi đây, cùng với hệ thống các di tích của khu căn cứ Đá Bàn và huyện Ninh Hòa sẽ trở thành một hệ sinh thái giáo dục truyền thống lịch sử anh hùng, kết nối các thế hệ từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.