Ông Nguyễn Quang Tuấn mong tiếp tục được đóng góp cho lĩnh vực tim mạch
Cuối giờ chiều nay (18/4), phiên tòa xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cùng 11 đồng phạm đã khép lại phần xét hỏi, các bị cáo được HĐXX cho nói lời sau cùng trước khi Tòa bước vào phần nghị án.
Là người đầu tiên bước lên bục khai báo nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn gửi lời cảm ơn đến Viện kiểm sát khi đã đánh giá hành vi phạm tội một cách khách quan, xem xét các tình tiết giảm nhẹ. Ngoài ra, ông Tuấn cũng gửi lời cảm ơn luật sư khi đã nêu lên đầy đủ những quan điểm bào chữa cho bị cáo.
Trước tòa, ông Tuấn gửi lời xin lỗi toàn bộ cán bộ y tế của Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai khi đã làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị; mong các cán bộ coi sai phạm này của bị cáo như là một bài học, tránh không mắc phải lỗi lầm này; đồng thời ông Tuấn mong các cán bộ có thể vượt qua khó khăn để chăm sóc tốt cho các bệnh nhân.
Ngoài ra, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội mong HĐXX giảm án nhiều hơn nữa cho các bị cáo trong vụ án, đặc biệt là các bị cáo là cán bộ của Bệnh viện Tim Hà Nội, họ là những nhân viên dưới quyền, vì sai phạm của lãnh đạo mà khiến họ phải đứng ở đây ngày hôm nay.
Nói đôi điều về bản thân, theo ông Tuấn, đây là một bài học trong cuộc đời. “Vốn xuất thân là một sinh viên y, do hoàn cảnh, tôi đã tham gia bộ đội. Sau đó, tôi thi làm bác sĩ nội trú và rất may mắn được các thầy dẫn dắt đi theo con đường tim mạch, được đi học tại nước ngoài để tiếp cận được những kiến thức y khoa quý báu”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, từ năm 1995 đến nay đã có hơn 100 trung tâm, hàng trăm bác sĩ được đào tạo về kỹ thuật tim mạch, rất nhiều bệnh nhân bị bệnh tim đã được can thiệp kịp thời.
Ngoài ra, ông Tuấn cho biết bản thân ông là người tham gia vào nhiều Hiệp hội trên thế giới liên quan đến tim mạch, đây cũng là đóng góp của bị cáo cho Việt Nam và cũng nói lên được trình độ của con người Việt Nam không thua kém bạn bè thế giới.
Trong lời nói sau cùng, ông Tuấn cũng cho biết khi làm Giám đốc Bệnh viện Tim, ông cùng đồng nghiệp đã rất tâm huyết để đưa Bệnh viện Tim trở thành bệnh viện hoàn thiện, đầu ngành về tim mạch.
Trong suốt thời gian đó, hơn 3.000 cháu nhỏ được trở về với cuộc sống với trái tim mạnh khỏe hơn. Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết bản thân đã đào tạo hàng trăm bác sĩ, các nghiên cứu sinh; chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Nhà nước.
Nhận thức sâu sắc vai trò của mình trong vụ án, ông không biện minh cho hành động sai phạm của mình, ông Tuấn nói: “Tôi chỉ mong được HĐXX cân nhắc xem xét để sớm trở với xã hội, tiếp tục được nghiên cứu khoa học, tiếp tục được đóng góp cho lĩnh vực tim mạch, tiếp tục đào tạo ra nhiều thế hệ bác sĩ tương lai”.
Về phía mình, bị cáo Hoàng Thị Ngọc Hưởng (cựu Phó giám đốc Bệnh viện) mong được HĐXX đánh giá khách quan và nhân văn về hành vi phạm tội bởi bị cáo đã nhận thức rõ hành vi sai trái của bản thân.
Theo lời bị cáo Hưởng, khi Bệnh viện Tim được cho thí điểm tự chủ, bị cáo cũng đã có nhiều đóng góp. Suốt thời gian làm việc từ năm 2006 – 2016, bị cáo luôn làm việc hết sức mình, những thành tích đóng góp đó là vinh dự cho cả tập thể và cá nhân của bị cáo.
Bà Hưởng nghẹ ngào: “Tôi thật sự ăn năn hối hận. Tôi gửi lời xin lỗi tới gia đình bởi đến lúc nghỉ hưu mà vẫn có hành vi sai phạm đến mức phải đứng trước tòa ngày hôm nay, bị phong tỏa nhà cửa khiến chồng con lo lắng, trong khi bản thân tôi không được hưởng lợi ích vật chất”.
Cuối lời, bị cáo Hưởng mong HĐXX xem xét, cân nhắc tới những tình tiết giảm nhẹ mà luật sư đã nêu khi bào chữa để tuyên phạt bị cáo mức án nhân văn.
Đối với các bị cáo khác, họ đều thừa nhận sai phạm và mong HĐXX xem xét toàn diện bối cảnh vụ án, những tình tiết giảm nhẹ để cho các bị cáo được hưởng mức án nhẹ nhất để sớm trở về với gia đình, xã hội...
Trước đó, trong phần luận tội và đề nghị mức án, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX xử phạt các bị cáo về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", theo quy định tại Điều 222, Khoản 3 – BLHS.
Cụ thể, 5 bị cáo nguyên cán bộ, lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội gồm: Nguyễn Quang Tuấn (SN 1967, nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện) từ 4-5 năm tù, Hoàng Thị Ngọc Hưởng (SN 1961, nguyên Phó Giám đốc) 30-36 tháng tù, Nguyễn Thị Dung Hạnh (SN 1969, nguyên Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán) -30 tháng tù, Đoàn Trọng Bình (SN 1960) và Nghiêm Tuấn Linh (SN 1980), đều nguyên là Phó Trưởng phòng vật tư y tế, lần lượt bị đề nghị các mức án 30-36 tháng tù và 36-42 tháng tù.
Ba bị cáo thuộc Công ty cổ phần thiết bị y tế Hoàng Nga (viết tắt là Công ty Hoàng Nga) gồm: Nguyễn Đức Đảng (SN 1976, Chủ tịch Hội đồng quản trị) từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù, Phạm Huy Lập (SN 1952, Giám đốc) -30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Phạm Thị Kim Oanh (SN 1981, Kế toán Trưởng) -30 tháng tù.
Bị cáo Phan Tuấn Đạt (SN 1967) nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Phó Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học Kim Hòa Phát (Công ty Kim Hòa Phát) từ -30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Ba bị cáo thuộc Công ty cổ phần đầu tư và định giá AIC Việt Nam (Công ty định giá AIC) gồm: Trần Phú Hưng (SN 1976, Phó Tổng Giám đốc) từ 30-36 tháng tù; Nguyễn Hồng Dũng (SN 1982, Phó Tổng Giám đốc, Thẩm định viên) và Nguyễn Trung Dũng (SN 1989, nhân viên thẩm định giá) cùng bị đề nghị từ -30 tháng tù.