Hà Nội quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại
Nhiều năm trước, Hà Nội đã từng có chiến dịch ra quân chấn chỉnh vỉa hè, lập lại trật tự đô thị nhưng đều không có hiệu quả như kỳ vọng bởi lẽ văn hóa vỉa hè đã ăn sâu bén rễ từ lâu trong cuộc sống của người dân thành phố.
Nhiều năm trước, Hà Nội không ít lần mở "chiến dịch" ra quân chấn chỉnh vỉa hè, lập lại trật tự đô thị nhưng đều không có hiệu quả như kỳ vọng, bởi lẽ văn hóa vỉa hè đã "ăn sâu bén rễ" trong cuộc sống của người dân thành phố.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Tuy nhiên, do mật độ dân cư đông đúc và sự quản lý thiếu quyết liệt, đồng bộ của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán diễn ra tràn lan ở hầu hết các địa bàn, nhất là tại các quận nội thành.
Theo tìm hiểu và khảo sát của phóng viên, do lịch sử phát triển nên các vỉa hè ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội có sự biến động rất lớn về mặt quy mô và diện tích. Nhiều tuyến phố có vỉa hè rộng 5-7m như vỉa hè trên phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng, Phan Đình Phùng. Tuy nhiên, cũng có những vỉa hè rất nhỏ, chưa đến 1m, điển hình là ở khu vực phố cổ và đường Nguyễn Quý Đức thuộc quận Thanh Xuân.
Nhiều vỉa hè tại khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm như các tuyến phố Tràng Tiền, Quang Trung, Đinh Lễ… bị chiếm dụng làm bãi gửi xe thu phí tự phát, các cửa hàng kinh doanh bày bán hàng hóa la liệt. Các quán ăn, quán cà phê “tận dụng” tối đa vỉa hè để kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị.
Tại các tuyến phố sầm uất như Hàng Bạc, lòng đường của phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến từ trước tới nay được xem là "điểm nóng" về vi phạm trật tự đô thị khi hầu hết các tuyến vỉa hè tại đây đều bị người dân "xẻ thịt" để làm nơi đỗ xe, kinh doanh, buôn bán.
Với những người buôn bán nhỏ lẻ, vỉa hè Hà Nội thực sự đã trở thành nơi kiếm kế sinh nhai, đặc biệt là các quán trà đá vỉa hè, xuất hiện ở mọi góc phố. Hay những người bán hàng rong, thường tranh thủ bán đồ văn vặt trên vỉa hè mỗi khi vắng bóng lực lượng chức năng. Và đương nhiên, trước tình trạng đó, người đi bộ bị “đẩy” xuống lòng đường, ảnh hưởng đến an toàn giao thông của chính họ cũng như đối với các phương tiện khác.
Điều đáng bàn, có một số ít trường hợp có tư duy sai lệch khi cho rằng, “vỉa hè trước cửa nhà nào thì nghiễm nhiên thuộc về nhà đó” nên họ có toàn quyền định đoạt. Thậm chí, một số người thuê mặt bằng để kinh doanh, buôn bán cũng mặc định vỉa hè trước cửa nhà là của mình nên ngang nhiên chiếm dụng.
Vỉa hè là của ai? Câu trả lời đã rõ ràng. Nhưng để "đòi" lại vỉa hè xem ra không phải là chuyện một sớm, một chiều.
Việc lập lại trật tự đô thị sẽ ảnh hưởng đến mưu sinh của nhiều người đang bám vỉa hè kiếm sống hằng ngày nên là vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm. Suốt từ năm 2014 đến nay, Hà Nội nhiều lần phát động "chiến dịch" giành lại vỉa hè, thế nhưng đến hiện tại vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Năm 2014, Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố về “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm là kiên quyết dẹp bỏ họp chợ, kinh doanh buôn bán, để vật liệu xây dựng, rửa xe, trông, gửi xe ôtô, xe máy trên hè, đường không đúng quy định.
Năm 20, thành phố tiếp tục thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị” với kỳ vọng sẽ tạo ra những kết quả thiết thực hơn. Chủ tịch UBND thành phố cũng nhấn mạnh cần loại bỏ tình trạng biến vỉa hè thành “tài sản riêng”. Tuy nhiên, thời điểm đó, công tác quản lý vỉa hè, lòng đường của Hà Nội còn yếu, chưa được chuẩn bị kỹ càng nên việc ra quân chỉ thực hiện theo kiểu “phong trào”, được một thời gian lại lắng xuống. Chiến dịch kết thúc, mọi thứ lại quay về điểm xuất phát, tình trạng bát nháo trên vỉa hè lại lặp lại như cũ.
Đến năm 2017, Ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, bao gồm các hành vi vi phạm tại lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện.
Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, lần này các lực lượng chức năng ở Hà Nội không ra quân ồ ạt mà tập trung tuyên truyền nhắc nhở, xuống từng hộ kinh doanh tuyên truyền, thuyết phục. Song song đó là chấn chỉnh, xử phạt và cưỡng chế những trường hợp vi phạm. Kết quả một thời gian thực hiện, vỉa hè, lòng đường có thông thoáng hơn nhưng sự thông thoáng này cũng không kéo dài được bao lâu.
Năm 2018, UBND Thành phố Hà Nội ban hành quy định chi tiết về việc sử dụng tạm thời hè phố đối với đường đô thị trên địa bàn Hà Nội. Thế nhưng, do diện tích vỉa hè các tuyến đường ở Hà Nội không đồng nhất, chỗ nhỏ, chỗ rộng khiến chủ trương này vô tình trở thành "nút thắt" trong việc giành vỉa hè cho người đi bộ.
Câu chuyện giành lại vỉa hè Hà Nội vẫn dai dẳng suốt nhiều năm qua nhưng không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Phong trào ra quân như kiểu "bắt cóc bỏ đĩa", văn hóa vỉa hè đã ăn sâu bén rễ đối với người dân thành phố. Mặt khác, không thể không nhắc đến đến hệ quả của sự buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan, khung pháp lý chưa đầy đủ…
Quyết tâm đi tìm lời giải cho bài toán vỉa hè, năm 2023, Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị ra quân xóa bỏ các điểm chiếm dụng vỉa hè trái phép để làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện giao thông. Đồng thời ban hành kế hoạch về tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn.
Kế hoạch thể hiện sự quyết tâm cao của chính quyền, song vẫn không ít người băn khoăn, liệu có lại “đánh trống bỏ dùi”?
Không thể phủ nhận rằng, vỉa hè thực tế là nơi nuôi sống nhiều người, nhiều gia đình, điển hình như khu phố cổ Hà Nội.
Nhưng chúng ta cũng cần phải khẳng định quan điểm là cần phải trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ chứ không vì lợi ích của một nhóm nhỏ người mà lấy đi quyền đi lại an toàn của nhiều người.
Với những hộ gia đình điều kiện khó khăn, các địa phương cũng phải có trách nhiệm quan tâm, tạo điều kiện, giúp chuyển đổi sinh kế, có như vậy việc quản vỉa hè mới bền vững, lâu dài.
Những vi phạm, lấn chiếm vỉa hè là cái hiển hiện, không thể giấu được, ai cũng có thể thấy. Nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc, đừng nói chuyện có thể giấu giếm, bao che vi phạm. Việc quy trách nhiệm cũng không hề khó. Chỉ cần quyết tâm, làm mạnh, phạt nghiêm, có muốn “bảo kê”, bao che cũng không dễ.
TS. Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược GTVT
Thực hiện: Đỗ Việt-Đoàn Gia