Chính trị

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc

Trung Nguyễn 30/04/2023 06:45

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tư tưởng cơ bản, nhất quán, xuyên suốt tiến trình của cách mạng Việt Nam. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng, nhằm hình thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

img_20210125091733.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp Bài ca Kết đoàn.(Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đoàn kết dân tộc, phụng sự Tổ quốc

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh là một hệ thống những luận điểm, nguyên tắc, phương pháp giáo dục, tập hợp và tổ chức cách mạng và tiến bộ, nhằm phát huy đến mức cao nhất sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Với Hồ Chí Minh, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân ta. Người cho rằng: Muốn giải phóng các dân tộc bị áp bức và nhân dân lao động phải tự mình cứu lấy mình bằng cách mạng vô sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng quyết không làm nô lệ. Chỉ có một chí quyết không chịu mất nước. Chỉ có một mục đích quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”.

Chính sức mạnh của lực lượng toàn dân đoàn kết làm nên thắng lợi của Cách Mạng Tháng Tám. Từ thực tiễn đó, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: “Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một, thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.

Hồ Chí Minh cho rằng “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, “dân” chỉ mọi con dân đất Việt, “con rồng, cháu tiên”, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, già trẻ, gái, trai, giàu, nghèo. Nói dến đại đoàn kết dân tộc cũng có nghĩa phải tập hợp mọi người dân vào một khối trong cuộc đấu tranh chung. Người đã nhiều lần nói rõ: “ Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.

Muốn thực hiện đại đoàn kết toàn dân, thì phải kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc, phải có tấm lòng khoan dung, độ lượng với con người. Xác định khối đại đoàn kết là liên minh công nông, trí thức. Tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của dân. Người cho rằng: Liên minh công nông - lao động trí óc làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân, nền tảng được củng cố vững chắc thì khối đại đoàn kết dân tộc càng được mở rộng, không e ngại bất cứ thế lực nào có thể làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc.

Đầu năm 1951, tại Hội nghị Đại biểu Mặt trận Liên - Việt toàn quốc, Người vạch rõ: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác… Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”.

Đại đoàn kết phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm những lợi ích tối cao của dân tộc, lợi ích của nhân dân lao động và quyền thiêng liêng của con người. Nguyên tắc đại đoàn kết dân tộc Hồ Chí Minh là tìm kiếm, trân trọng và phát huy những yếu tố tương đồng, thu hẹp đến mức thấp nhất những yếu tố khác biệt, mâu thuẫn.

Theo Hồ Chí Minh, lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, là bình đẳng, dân chủ, tự do. Lợi ích tối cao này là ngọn cờ đoàn kết, là sức mạnh dân tộc và là nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam. Đó cũng là nguyên tắc bất biến trong tư tưởng Hồ Chí Minh, để Người tìm ra những phương pháp thực hiện nguyên tắc đó trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công. Đoàn kết trong Đảng là cơ sở để đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để thực hiện đại đoàn kết quốc tế.

Trong phát biểu tại lễ ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam (03/3/1951), Hồ Chí Minh tuyên bố trước toàn dân tộc: Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam đại thể gồm trong 8 chữ vàng: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”.

Trong Di chúc (1969), Người viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi trong mắt mình”.

Trong Di chúc, Người vẫn tin tưởng tuyệt đối và kỳ vọng lớn lao vào sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Bác khẳng định: “Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm Cách mạng Tháng Tám thành công và đã kháng chiến đến thắng lợi. Nhờ đại đoàn kết toàn dân mà nước Việt Nam chúng tôi nhất định sẽ thống nhất”.

thieng-lieng-hai-tieng-dong-bao99005381.jpg
Bác Hồ gặp các cháu thiếu nhi dũng sỹ miền Nam tại Phủ Chủ tịch, năm 1968. (Ảnh: TTXVN)

Cội nguồn sức mạnh của mọi thành công

Từ tư tưởng, quan điểm của Người, Đảng ta đã xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam, là cội nguồn sức mạnh của mọi thành công.

Ngay sau đại thắng Mùa Xuân năm 1975, ngày /5/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thống nhất các đoàn thể nhân dân và các tổ chức Mặt trận dân tộc trong cả nước, với tên gọi là “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Từ đó, đã đánh dấu bước phát triển lớn mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trên phạm vi cả nước, mở ra một thời kỳ hoạt động mới của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, góp phần tích cực vào công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của dân tộc.

Quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã đem lại những thành tựu to lớn: Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954); Điện Biên Phủ trên không (1972); Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm chống Mỹ, thống nhất đất nước; công cuộc đổi mới kinh tế đất nước từ năm 1986; Việt Nam tuyên bố hoàn thành mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói (2006), hay chiến thắng đại dịch Covid-19 trong những năm gần đây…

Kế thừa và phát huy tư tưởng của Người, trải qua các thời kỳ cách mạng, quan điểm của Đảng ta về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Đảng ta luôn xác định: “đoàn kết” là giá trị cốt lõi, “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, sự nghiệp đổi mới ở nước ta đã thu được những thành tựu cơ bản. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Việt Nam đang chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa sẵn sàng là bạn là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình độc lập và phát triển.

Trong tình hình hiện nay, để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc xây dựng, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần phải thấu suốt quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Lấy mục tiêu chung của sự nghiệp cách mạng làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai.

“Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đảm công bằng và bình đẳng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân- tập thể- toàn xã hội; thực hiện dân chủ gắn với giữ gìn kỷ cương, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Không ngừng bồi dưỡng, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, tinh thần tự lực tự cường xây dựng đất nước; xem đó là những yếu tố quan trọng để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc.

Trung Nguyễn