Ngân hàng Trung ương châu Âu giảm tốc độ tăng lãi suất
Ngân hàng Trung ương châu Âu giảm tốc độ tăng lãi suất sau một đợt tăng lãi suất khủng nhằm dập tắt lạm phát. Sự giảm tốc diễn ra sau khi số liệu công bố tuần này cho thấy lạm phát lõi ở khu vực Eurozone đã hạ nhiệt và các ngân hàng thương mại giảm mạnh hoạt động cho vay.
Ngày 4/5, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định đưa lãi suất chuẩn ở các ngân hàng tại 20 quốc gia sử dụng đồng Euro lên 3,25% - tăng 0,25 điểm phần trăm, bước nhảy nhỏ nhất kể từ khi bắt đầu chiến dịch nâng lãi suất vào tháng 7 năm ngoái. Việc tăng một phần tư điểm này diễn ra một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có quyết định tăng lãi suất tương tự.
ECB cho biết họ “không tạm dừng” ngay cả khi những nỗ lực của họ đã có kết quả bằng cách làm cho các khoản thế chấp và các khoản vay kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Trong chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ này, ECB đã có 7 đợt nâng lãi suất nhằm đưa lạm phát về tầm kiểm soát.
ECB cho biết họ còn tiếp tục tăng lãi suất ngay cả khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và sự bất ổn của ngân hàng Mỹ làm dấy lên những lo ngại mới về bất ổn tài chính. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết lãi suất “chưa đủ thắt chặt” và ECB “còn một chặng đường dài để đi và sẽ chưa dừng lại”.
Việc tăng lãi suất có thể hạ nhiệt chi tiêu, giảm bớt áp lực lên giá cả nhưng có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Nhu cầu vay mua nhà tại khu vực đồng euro giảm mạnh trong ba tháng đầu năm.
Lạm phát - đạt đỉnh 10,6% vào tháng 10 - hậu quả của cuộc xung đột Ukraine của Nga, khiến giá dầu tăng cao và khiến Moscow cắt hầu hết khí đốt tự nhiên đến châu Âu. Kể từ đó, chi phí năng lượng đã giảm, nhưng giá năng lượng tăng vẫn đẩy giá hàng hóa, dịch vụ và thực phẩm cao hơn.
Bà Lagarde cho biết chi phí sinh hoạt gia đình tăng vọt đối với người châu Âu đã trở thành một điểm nhức nhối mới bởi vì “những người dễ bị tổn thương nhất phải chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm”. Giá thực phẩm đã tăng 13,6% trong tháng 4 so với một năm trước đó, sau mức tăng ,5% hàng năm vào tháng trước.
Lagarde cho biết việc người lao động đòi tăng lương, các công ty tìm cách tăng giá sản phẩm để bảo toàn lợi nhuận là nguyên nhân khiến giá cả càng bị đẩy lên cao.
Dù đã giảm đáng kể từ mức đỉnh, lạm phát ở Eurozone lại nhích lên 7% trong tháng 4 từ mức 6,9% trong tháng 3 - theo số liệu được cơ quan thống kê EU công bố hôm thứ Ba. Thị trường lao động tiếp tục thắt chặt, với tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ còn 6,5% trong tháng 3.
Tuy nhiên, lạm phát lõi - thước đo không tính đến giá hai nhóm mặt hàng có mức độ biến động lớn là lương thực-thực phẩm và năng lượng - bất ngờ tụt còn 5,6% trong tháng 4. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng giá sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Mục tiêu lạm phát của ECB là 2%.
Bà Lagarde cho biết “căng thẳng trở lại trên thị trường tài chính” có thể khiến lạm phát giảm nhanh hơn kỳ vọng.
ECB đã thúc đẩy việc tăng lãi suất bất chấp những lo ngại về tác động của chúng đối với tăng trưởng kinh tế. Khu vực đồng euro hầu như không đạt được mức tăng trưởng 0,1% trong ba tháng đầu năm so với quý trước.