Cần sớm gỡ vướng mắc trong GPMB ở Khu kinh tế Nghi Sơn
Thanh Hóa quyết tâm làm công nghiệp sạch khi Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trọng điểm trong Khu kinh tế Nghi Sơn với kinh phí hơn 11.300 tỉ đồng. Đây là quyết định mang tính đột phá chiến lược, chuẩn bị hạ tầng để đón các nhà đầu tư lớn nhất là dòng vốn FDI. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tập trung tháo gỡ.
Tính đến hết quý I/2023, Khu kinh tế Nghi Sơn (KTNS) đã thu hút được 297 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 149.538 tỷ đồng và dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là hơn 12,8 tỷ USD. Trong đó, nguồn vốn các nhà đầu tư đã thực hiện đạt 70.366 tỷ đồng và gần 12,7 tỷ USD. Nhiều dự án đầu tư tại KTNS đi vào hoạt động, vận hành hiệu quả đã đóng góp đột phá vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.
Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đã chủ trì buổi làm việc nghe báo cáo tiến độ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện GPMB, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và GPMB các Khu công nghiệp trong KTNS.
Dự án di dân, sắp xếp dân cư, tái định cư một số hộ dân thôn Lâm Quảng, xã Tân Trường có tổng diện tích phải GPMB là 87,88 ha, liên quan đến 8 hộ gia đình, cá nhân; trong đó có 144 hộ có đất ở, nhà ở phải di chuyển. Đến nay, thị xã Nghi Sơn đã hoàn thành công tác kiểm kê hiện trạng, xác định nguồn gốc đất cho 0/8 hộ dân, phê duyệt giá đất cụ thể bồi thường, công khai và tổ chức đối thoại phương án 2 đợt và có 93 hộ đã đủ điều kiện trình phê duyệt phương án bồi thường, GPMB với số tiền khoảng 177 tỷ đồng; 65 hộ đang rà soát lại để tiếp tục công khai đợt 3 và trình thẩm định phê duyệt trước ngày 30/5/2023.
Hiện nay, dự án gặp một số khó khăn do các hộ dân còn lại không tích cực phối hợp trong quá trình trích lục, trích đo bản đồ, kiểm kê hiện trạng, xác định nguồn gốc đất để tiến hành xác định giá đất bồi thường, thẩm định, thẩm duyệt phương án bồi thường… dẫn đến Hội đồng GPMB thị xã Nghi Sơn phải tổ chức vận động, đối thoại nhiều lần, kéo dài tiến độ dự án so với kế hoạch triển khai.
Bên cạnh đó, công tác xác định nguồn gốc đất, quá trình thu hồi đất cũng gặp nhiều khó khăn do khu vực này nguồn gốc phức tạp, dễ xảy ra nguy cơ chồng lấn bồi thường GPMB. Việc thu thập hồ sơ về quyền sử dụng đất cũng gặp khó khăn do thiếu sự đồng thuận của người dân. Ngoài ra, dự án cần thu hồi ,2 ha đất trồng lúa nhưng chưa đủ cơ sở thu hồi do vướng mắc liên quan đến phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất của thị xã Nghi Sơn.
Đối với Dự án GPMB Khu công nghiệp số 20, KTNS được thực hiện trên diện tích 602,51 ha, liên quan đến 3 xã: Các Sơn, Anh Sơn, Ngọc Lĩnh và GPMB phục vụ di dời, hoàn trả các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội 5,87 ha. Tổng số hộ dự kiến phải bố trí tái định cư là 962 hộ. Tổng nguồn vốn thực hiện dự án dự kiến là 2.634 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2023-2026. Dự kiến sau khi được UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, GPMB (dự kiến trong tháng 5/2023) hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ tổ chức triển khai các thủ tục trích đo, trích lục, ban hành thông báo thu hồi đất, triển khai trình thẩm định phê duyệt với khoảng 60 ha đất nông nghiệp khác (không bao gồm diện tích đất trồng lúa) trong tháng 12/2023 với tổng giá trị khoảng 100 tỷ đồng.
Dự án gặp khó khăn do đa phần diện tích phải GPMB dự án có khoảng 382 ha diện tích đất trồng lúa, chiếm tỷ lệ 63% tổng diện tích GPMB. Tuy nhiên, theo phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất của thị xã Nghi Sơn đến năm 2030, diện tích đất trồng lúa của thị xã được phép chuyển mục đích sử dụng chỉ còn 108 ha; trong khi đó, diện tích này đã thực hiện hết chỉ tiêu trong năm 2022. Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương đầu tư dự án GPMB Khu công nghiệp số 20 đang vướng mắc về các quy định của pháp luật, nhất là Luật Đầu tư công.
Đối với dự án Đầu tư các khu tái định cư phục vụ GPMB Khu công nghiệp 20, KKTNS, có khu tái định cư số 2 có vị trí chưa phù hợp với quy hoạch là diện tích tăng 9 ha so với diện tích trong đề án được duyệt.
Dự án Khu Công nghiệp Đồng Vàng, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 3/2022. Chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát - CTCP với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.400 tỷ đồng. Quy mô diện tích sử dụng đất 491,9 ha. Dự án ảnh hưởng đến 3 xã Tân Trường, Tùng Lâm, Phú Lâm (thị xã Nghi Sơn) với 12 tổ chức và 413 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng số hộ dự kiến phải bố trí tái định cư là 238 hộ, gồm 63 hộ ở Tùng Lâm và 175 hộ ở Phú Lâm. Tuy nhiên đến nay mới chỉ bàn giao được hơn 10 ha cho nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi nêu rõ, cần ưu tiên các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết là công tác GPMB các khu công nghiệp, khu tái định cư, tạo thuận lợi cho quá trình thu hút đầu tư thứ cấp, phát triển sản xuất và tạo thêm việc làm cho người lao động. Cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động sự đồng thuận của nhân dân để triển khai các công việc tiếp theo được thuận lợi, kịp tiến độ.
Trước mắt, đồng chí cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền thị xã Nghi Sơn, xã Lâm Quảng nỗ lực thực hiện các công việc còn lại để hoàn thành công tác GPMB, đủ điều kiện khởi công Dự án Nhà máy hóa chất Đức Giang và Khu công nghiệp Đồng Vàng trong tháng 6/2023.
Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có quyết định số 1887 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án GPMB, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và Giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trong KTNS (gọi tắt là BCĐ 1887).
Theo quyết định thành lập, Ban chỉ đạo 1887 có 23 thành viên, do ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, làm trưởng ban. Các ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và ông Nguyễn Tiến Hiệu, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa làm Phó ban.
Thanh Hóa hiện có 25 khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích khoảng 9.057,9 ha và đã phê duyệt quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn với tổng diện tích 2.035 ha.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó thu hút vốn FDI vào Thanh Hóa thời gian qua là việc xây dựng cơ sở hạ tầng một số khu công nghiệp, đặc biệt là hạ tầng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn vẫn chưa hoàn thiện và chậm tiến độ so với giấy phép đã được phê duyệt.
Theo phân kỳ đầu tư, từ năm 2023 - 20, tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng 3 khu tái định cư tại xã Anh Sơn và xã Các Sơn, với diện tích khoảng 23ha, phục vụ di dân giải phóng mặt bằng khu công nghiệp số 20, đồng thời triển khai giải phóng mặt bằng với diện tích khoảng 604 ha thuộc phạm vi khu công nghiệp số 20.
Từ năm 2023 - 2025, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư tại các xã Thanh Sơn, Ngọc Lĩnh, các phường Mai Lâm, Trúc Lâm, với tổng diện tích khoảng 57 ha, để chuẩn bị giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp số 21 và số 6. Từ năm 2025 - 2027 thực hiện giải phóng mặt bằng khu công nghiệp số 21, diện tích 395 ha và khu công nghiệp số 6, diện tích 549 ha.
Với việc dự chi hơn 11.300 tỷ đồng để chuẩn bị mặt bằng sạch 3 khu công nghiệp có tổng diện tích 93 ha, có thể nói đây là quyết định mang tính đột phá. Cần cụ thể hóa các nhiệm vụ, kế hoạch và tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân bị ảnh hưởng. Nghi Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung đang hội đủ các yếu tố để trở thành cực tăng trưởng mới của phía Bắc.