Vì sao thuốc điều trị ngộ độc Botulinum lại khan hiếm?
Thời gian qua, tại TP.HCM liên tục ghi nhận chùm ca ngộ độc Botulinum, tuy nhiên thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng để giải độc đặc hiệu cho ngộ độc Botulinum đã hết. Điều này đang gây khó khăn cho các bác sĩ điều trị và nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Ngày 22/5, thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, thuốc giải độc tố Botulinum là loại thuốc rất hiếm, do mỗi năm cả nước chỉ có vài ca bệnh nên các bệnh viện thường không dự trù đủ. Tuy nhiên, nguồn cung thuốc giải độc tố Botulinum vẫn có, các bệnh viện sẽ liên hệ để đặt hàng.
Cục Quản lý Dược cũng cho hay, đã nhận được thông tin về việc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đang tạm hết thuốc giải độc tố Botulinum. Ngay sau đó, Cục đã liên hệ với nhà nhập khẩu và được biết Bệnh viện Chợ Rẫy đã trao đổi với công ty về việc đặt hàng. Phía nhà nhập khẩu cũng đã liên hệ với nhà cung ứng phía nước ngoài để làm các thủ tục nhập khẩu.
Cục Quản lý Dược cũng đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong tình huống không mua được thuốc sẽ nhờ hỗ trợ từ WHO.
Trước đó, vào ngày 14 và /5, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM liên tục tiếp nhận 6 trường hợp, trong đó có 3 người lớn và 3 trẻ em đến cấp cứu trong tình trạng nôn ói, đau bụng, liệt cơ, khó nuốt. Các kết quả xét nghiệm cho thấy, những người này ngộ độc với độc tố Botulinum.
Ngày 16/5, 2 lọ giải độc BAT cuối cùng đã được chuyển từ Quảng Nam về để cứu 3 anh em ruột bị ngộ độc do ăn chả lụa từ người bán dạo, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Hiện 3 em bé này đang được điều trị, đã có những bước cải thiện bước đầu về hồi phục sức cơ.
Trong khi đó, 3 bệnh nhân Botulinum mới đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân Gia Định phải hỗ trợ thở máy do đang không còn thuốc giải độc.
TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ở Việt Nam, trước đây ít phát hiện ca bệnh vì khả năng chẩn đoán và hiểu biết về bệnh này còn rất hạn chế. Từ năm 2020 đến nay, sau vụ việc pate Minh Chay, các bác sĩ đã biết đến loại vi khuẩn này nhiều hơn, cùng với đó, các kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng đã hiện đại hơn nên việc chẩn đoán trở nên dễ dàng và phát hiện nhiều ca ngộ độc Botulinum trong cộng đồng.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là Việt Nam không còn thuốc giải độc đặc hiệu BAT để điều trị khi có người ngộ độc Botulinum. Không có thuốc giải độc, các bác sĩ chỉ còn cách điều trị bằng hỗ trợ dinh dưỡng và thở máy.
"Việc hết thuốc BAT là vấn đề rất đáng tiếc cho bệnh nhân bởi nếu sử dụng thuốc BAT sớm, chỉ trong vòng 48-72 giờ, bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và cũng không phải đưa tới tình trạng phải thở máy. Hoặc nếu bắt đầu thở máy 1-2 ngày, khoảng từ 5-7 ngày là bệnh nhân có thể hồi phục và có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường.
Không có thuốc, thời gian thở máy của người bệnh sẽ kéo dài từ 3-6 tháng và đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Đây thật sự là thách thức trong quá trình theo dõi điều trị cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum", TS Hùng cho hay.
Theo Cục Quản lý Dược, hiện nay việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm vẫn được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh, theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc.
Về cơ bản, nguồn cung tổng thể với các thuốc hiếm là không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế do còn tồn tại các khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu do phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm và trong công tác thực hiện mua sắm (thời gian thực hiện mua sắm kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời trong mua sắm).