Điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động
Người lao động đến tuổi nghỉ hưu, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trở lên thì được hưởng lương hưu theo quy định.
Bạn đọc Nguyễn Giang hỏi: Công ty tôi có lao động nam sinh tháng 8/1962, đang là tài xế xe tải nặng từ 7 tấn đến dưới 20 tấn, đóng BHXH từ tháng 10/2007 đến tháng 9/2010, từ tháng 10/2010 đến tháng 3/2011 không tham gia BHXH.
Từ tháng 4/2011 đến tháng 2/2023 tài xế này tiếp tục đóng BHXH và lái xe vận tải từ 7 tấn đến dưới 20 tấn, nhưng trên sổ BHXH không ghi là lái xe hạng nào. Tôi xin hỏi, đến tháng 6/2023 lao động nam hết tuổi lao động thì có được hưởng chế độ lương hưu không? Nếu công ty điều chỉnh lại hồ sơ là “lái xe tải nặng” thì có được nghỉ hưu để hưởng lương hưu không?
Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời:
Điều kiện hưởng lương hưu
Theo quy định tại tiết a, b, khoản 1, Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (Luật BHXH 2014) đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm a, khoản 1, Điều 219 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14, người lao động tham gia BHXH khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2, Điều 169 của Bộ luật Lao động.
- Đủ tuổi theo quy định tại khoản 3, Điều 169 của Bộ luật Lao động và có đủ năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTB&XH ban hành hoặc có đủ năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021.
Quy định về tuổi nghỉ hưu
Theo khoản 1, Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2, Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:
Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Tại khoản 1, Điều 5 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ, nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của người lao động theo khoản 3, Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:
Người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Điều 4 của Nghị định này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:
- Người lao động có từ đủ năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành.
- Người lao động có từ đủ năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021.
- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
- Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTB&XH ban hành và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021 từ đủ năm trở lên.
Đối chiếu với trường hợp nêu trên, nếu tính đến tháng 6/2023, lao động nam đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng mới tham gia BHXH được năm 3 tháng. Trong đó có 12 năm 3 tháng là công nhân lái xe vận tải từ 7 tấn đến dưới 20 tấn thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ LĐTB&XH.
Như vậy, lao động này chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH (20 năm) để được hưởng lương hưu theo quy định.
Điều chỉnh nghề, công việc trên sổ BHXH
Trong trường hợp người lao động thực sự làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành, có hưởng lương và đóng BHXH theo nghề, công việc này nhưng sổ BHXH ghi chưa đúng chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì người lao động có thể đề nghị người sử dụng lao động tập hợp hồ sơ liên quan, đề nghị cơ quan BHXH xem xét, thực hiện điều chỉnh thông tin ghi trên sổ BHXH. Việc điều chỉnh này không tác động đến điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động.
Với trường hợp người lao động nêu trên, nếu sau khi đủ tuổi nghỉ hưu và nghỉ việc mà có thời gian tham gia BHXH chưa đủ 20 năm thì người lao động có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm để được hưởng lương hưu theo một trong các phương thức sau đây:
- Đóng hằng tháng;
- Đóng 3 tháng một lần;
- Đóng 6 tháng một lần;
- Đóng 12 tháng một lần;
- Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Khi người lao động đóng đủ 20 năm theo các phương thức nêu trên, thì người lao động được hưởng lương hưu tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ.
Riêng trường hợp người lao động lựa chọn đóng một lần cho những năm còn thiếu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.
BHXH Việt Nam cho biết, việc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động, góp phần đảm bảo an ninh thu nhập và được chăm sóc y tế từ quỹ BHXH khi về già.